Tiếng Việt | English

19/09/2020 - 10:30

Long Trạch: Phát triển nông nghiệp gắn với công tác giảm nghèo

Nhờ triển khai hiệu quả công tác dân vận trong thực hiện Chương trình đột phá Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) gắn với công tác giảm nghèo, những năm qua, xã Long Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An khơi dậy sự sáng tạo, sức mạnh từ nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đời sống người dân được nâng cao.

Địa phương chú trọng phát triển kinh tế để giảm nghèo

Địa phương chú trọng phát triển kinh tế để giảm nghèo

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Trạch - Phan Văn Thành Xuyên, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là chuyển đổi cây trồng phù hợp, đang được địa phương chỉ đạo thực hiện. Kết quả đã đạt không những góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo mà còn thay đổi tư duy của người dân, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Hiện nay, xã có 244ha rau, trong đó có 178ha rau ƯDCNC trong sản xuất, với 754 hộ tham gia. Bên cạnh vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, xã còn hỗ trợ vốn, khoa học - kỹ thuật, tổ chức tập huấn, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả để người dân có điều kiện tham gia mô hình. Thời gian qua, xã hỗ trợ 4.300kg phân hữu cơ sinh học cho người dân tham gia mô hình. Hàng năm, xã đều hỗ trợ hợp tác xã, các tổ hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm. Hiện nay, hợp tác xã, các tổ hợp tác trên địa bàn cung cấp hàng ngàn tấn rau cho các siêu thị lớn tại TP.HCM, giúp đầu ra tiêu thụ ổn định. Nhờ vậy, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Hiện thu nhập bình quân của người dân đạt trên 55 triệu đồng/năm; hộ nghèo của xã giảm còn 0,74%.

Bà Lê Thị Thúy, ngụ ấp Phước Vĩnh, cho biết: “Được địa phương tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và ƯDCNC trong sản xuất, gia đình tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới tự động để sản xuất rau. Qua 2 năm ƯDCNC vào sản xuất, gia đình tôi tiết kiệm được nhiều chi phí do giảm công lao động tưới nước, phun thuốc,... Mặt khác, nhờ có nhà lưới, rau màu ít bị hư hại so với trước nên lợi nhuận tăng lên. Qua đó, thu nhập của gia đình cũng tăng lên, không còn khó khăn như trước”.

Ngoài ra, xã còn vận động xây dựng nhiều ngôi nhà, giúp người dân ổn định cuộc sống. Gia đình anh Phan Út Tám, ngụ ấp Xoài Đôi, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Lập gia đình rồi ra ở riêng, anh chị chỉ có căn nhà mái tôn, vách lá với hai bàn tay trắng. Hàng ngày, anh đi làm hồ, còn chị ở nhà chăm sóc con nhỏ. Với thu nhập ít ỏi, dù chi tiêu tiết kiệm cũng chỉ đủ lo tiền ăn, học của các con. Căn nhà xuống cấp từ lâu nhưng anh chị không có đủ tiền sửa chữa. Anh Tám nói: “Gia đình tôi rất khó khăn, nhờ địa phương quan tâm, vận động mạnh thường quân hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà tình thương. Có nhà cửa ổn định, vợ chồng tôi an tâm làm ăn và nuôi các con ăn học. Vợ chồng tôi rất vui mừng, cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo địa phương”.

“Thời gian tới, địa phương xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững là một trong những yêu cầu, giải pháp hiệu quả trong công tác dân vận, tạo điều kiện để người dân tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, tín dụng,... phát huy tính chủ động trong lao động, sản xuất, tạo nguồn lực quan trọng khơi dậy ý chí vươn lên quyết tâm thoát nghèo bền vững, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng khởi sắc” - ông Xuyên nói thêm./.

Huỳnh Phong - Kim Thoa

Chia sẻ bài viết