Gõ bàn phím với từ khóa "Biệt phủ", Google cho 4.920.000 kết quả trong 0,49 giây. Tin tức, bài viết, phóng sự điều tra về đề tài biệt phủ tràn ngập trên mạng xã hội, biệt phủ đang trở thành vấn đề nóng.
Làm giàu chân chính, ở biệt phủ thì có gì phải bàn? Vấn đề ở đây, tại các địa phương, chủ biệt phủ - nhiều người trong số đó giữ nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý.
Ông cha ta có câu: "Sống cái nhà, thác cái mồ". Vì vậy, gia đình nào cũng cố để có căn nhà tử tế.
Con cái lập gia đình ra riêng, ba mẹ có điều kiện, cho đất, tiền để cất nhà; vợ chồng siêng làm, dè sẻn chi tiêu để có tiền mua đất, làm nhà; lớp trẻ ngày nay, có em giỏi khởi nghiệp, nhờ vậy sớm xây được nhà khang trang hoặc mua căn hộ ở chung cư cao cấp.
Dù biết làm ăn, siêng năng, giỏi giang thì biệt phủ - nhiều người không dám mơ đến. Trong khi đó, có quan chức ở nhà đẹp, hoành tráng, nội thất đắt tiền, cây cảnh quý hiếm, những bữa tiệc xa hoa, kín cổng cao tường - đúng nghĩa của biệt phủ.
Lẽ thường, làm công ăn lương nhà nước, dù giữ quyền cao chức trọng đi nữa thì cũng chỉ 20 đến 30 triệu đồng tiền lương một tháng. Giá trị biệt phủ hàng chục tỉ, hàng trăm tỉ đồng, để có được số tiền khủng ấy, làm sao?
Được thừa kế gia tài kếch sù, trúng số, có thể nhưng chắc chắn không nhiều. Nhẩm tính, lương 30 triệu đồng/tháng, phải mất 277 năm mới có 100 tỉ đồng.
Trong khi đó, bình thường, tốt nghiệp đại học, đi làm viên chức, công chức cho đến khi nghỉ hưu theo chế độ là 38 năm. Ngần ấy, chỉ với lương thì không thể có 100 tỉ đồng mà xây biệt phủ.
Nghịch lý đó, dấy lên những đồn đoán, nghi ngại, bức xúc, mỉa mai của người dân. Khoảng cách (cuộc sống, sự hưởng thụ, ...) giữa công bộc của dân với người dân tăng lên, đồng nghĩa, niềm tin bị giảm sút đi nhiều.
Cũng có lời giải thích của chủ biệt phủ là quan chức, nhưng xem ra chẳng thuyết phục được ai. Điệp khúc "ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu" lại được nói đến trong những cuộc trà dư tửu hậu ở góc phố, sau lũy tre làng, nơi công sở, quán xá... một cách cay nghiệt, chủ biệt phủ có biết không?
Những biệt phủ mọc lên do thu nhập bất chính - không có bữa ăn trưa miễn phí, vậy ai sẽ hứng chịu hậu quả?
Tham nhũng chính sách, đất đai; chạy chức, chạy quyền; ngân sách - thuế do dân đóng góp bị bòn rút; tài nguyên đất nước bị tàn phá..., người dân phải gánh chịu. Những người yếu thế họ lầm lũi đi dưới bóng nợ nần, thiếu hụt.
Và, khi họ ngước mặt lên để vội lau giọt mồ hôi, nước mắt, biệt phủ nguy nga đập vào mắt họ - biệt phủ của quan chức! Vô hình trung, họ bị ức chế trong suy nghĩ, rách nát trong trái tim, nông nổi trong hành vi..., hậu quả của biệt phủ bất chính là thế đấy, ai đó có biết chăng?
Kê khai tài sản thu nhập đã và đang được làm, hiệu quả đến đâu? Sự trung thực trong kê khai, giám sát, kiểm tra, công khai của những người được giao nhiệm vụ đang là một thách thức. Đâu đó chỉ là thủ tục, chính sự vô cảm ấy, dung túng ấy, thỏa hiệp ấy đã làm mọc lên thêm những biệt phủ.
Sống trong biệt phủ không được làm ra từ công sức của mình mà là do bòn rút tiền của nhân dân, lòng tự trọng của những chủ biệt phủ đó đã bị đánh mất. Và, khi không có lòng tự trọng, liêm chính liệu còn không?
Kỷ cương xã hội đi về đâu khi những con người đánh mất lòng tự trọng được giao nhiệm vụ chấp pháp?
Gia đình, học đường, xã hội luôn dạy con người sống chân - thiện - mỹ, nhưng, tự trui rèn bản thân đến đâu, mức độ như thế nào, có thường xuyên hay không, đó mới là điều quan trọng. Tôi luyện, quy luật muôn đời của tự nhiên và xã hội.
Tri thức, kỹ năng, phẩm cách để sống, làm việc, ứng xử, phụng sự không thể tự có, không dễ để có, càng không dễ để giữ được lâu. Vì thế, có những người, vào kỳ cuối được giao giữ trọng trách, họ đã bán mình cho quỷ.
Hơn lúc nào hết, sự giám sát của cộng đồng, sự vào cuộc nhanh chóng của cơ quan chức năng làm rõ trắng đen những đồn đoán về biệt phủ./.
Theo tuoitre.vn