Tiếng Việt | English

18/11/2021 - 16:08

Lưu ý phụ huynh một số vấn đề về tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ

Hiện nay, Long An đang khẩn trương triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ nhằm tăng miễn dịch cộng đồng và sẵn sàng cho các em sớm trở lại học tập trực tiếp trong thời gian tới. Phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh – BS CKII Huỳnh Hữu Dũng về việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng kiểm tra việc bảo quản vắc-xin phòng Covid-19

PV: Thưa bác sĩ, tại sao trẻ em cần phải tiêm vắc-xin phòng Covid-19?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Trên địa bàn tỉnh, đến nay, hầu hết người từ 18 tuổi trở lên đều được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Khi người lớn đã được bảo vệ bởi vắc-xin thì trẻ em là nhóm đối tượng nguy cơ dễ lây nhiễm.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong tổng số F0 được ghi nhận thì có khoảng 17% là trẻ em. Khi mắc bệnh, trẻ không chỉ bị ảnh hưởng sức khỏe mà còn có nguy cơ cao trở thành nguồn lây nhiễm cho cộng đồng, nhất là đối với người lớn tuổi và người có bệnh nền.

Hiện nay, Long An đã cơ bản khống chế được dịch bệnh Covid-19, độ bao phủ của vắc-xin ở người lớn khá cao, trong giai đoạn bình thường mới, trẻ sẽ đến trường đi học lại. Tuy nhiên, vì chưa được tiêm vắc-xin và hệ miễn dịch phát triển chưa toàn diện, trẻ dễ trở thành "mồi ngon" của Covid-19.

Việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 không chỉ có hiệu quả đáng kinh ngạc trong việc phòng ngừa nhiễm bệnh, nhập viện và tử vong, mà còn giúp trẻ em được sớm trở lại với các hoạt động bình thường tại trường học.

PV: Việc triển khai tiêm vắc-xin cho trẻ trên địa bàn tỉnh được tổ chức như thế nào, thưa bác sĩ?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Việc tổ chức triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người từ 3 - 17 tuổi trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Kế hoạch số 3417/KH-UBND ngày 20/10/2021 và Quyết định số 11232/QĐ-UBND ngày 11/11/2021 của UBND tỉnh.

Các địa phương sẽ tập trung nguồn lực tổ chức tiêm trước cho lứa tuổi từ 15 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ phân bổ vắc-xin (ưu tiên tiêm cho học sinh lớp 12, lớp 11 và lớp 10). Đồng thời, tổ chức tiêm theo phương thức cuốn chiếu tại từng cơ sở giáo dục, từng điểm tiêm trên từng địa bàn, bảo đảm một điểm tiêm, một trường học phải tiêm xong trong ngày, không kéo dài sang ngày hôm sau và chỉ tổ chức tiêm cho những trẻ có giấy đồng ý tham gia tiêm chủng của phụ huynh.

Theo kế hoạch 3417/KH-UBND thì có 391.523 người từ 3 - 17 tuổi, trong đó, người từ 16 - 17 tuổi là 55.687 người, từ 12 - 15 tuổi là 111.975 người và 223.861 người từ 3 - 11 tuổi. Trước mắt, sẽ tiêm cho các em từ 16 – 17 tuổi tại 15 huyện, thị xã, thành phố và các em 15 tuổi tại huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Đức Hòa được tiêm vắc-xin.

Vắc-xin được tiêm cho trẻ là Comirnaty (Pfizer)

PV: Vắc-xin nào sẽ được chọn để tiêm cho trẻ và những trường hợp nào không được tiêm, thưa bác sĩ?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Theo hướng dẫn tập huấn của Bộ Y tế thì loại vắc-xin sẽ triển khai tiêm cho trẻ em là Comirnaty (Pfizer). Vắc-xin này cũng tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần.

Cũng giống như tất cả các loại vắc-xin khác, theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc-xin này cũng có những trường hợp chống chỉ định nếu dị ứng bất kỳ thành phần nào của vắc-xin.

Các trẻ sẽ được khám sàng lọc kỹ để đánh giá tình trạng sức khỏe, xem xét điều kiện để được tiêm vắc-xin; theo dõi sau tiêm nghiêm ngặt, đồng thời các điểm tiêm cũng bố trí bộ phận cấp cứu lưu động để xử trí kịp thời các trường hợp phản ứng nặng sau tiêm (nếu có), bảo đảm an toàn tối đa cho trẻ trong quá trình tiêm chủng. 

PV: Bác sĩ có những khuyến cáo gì đối với các phụ huynh để bảo đảm sức khỏe cho trẻ trong quá trình tiêm chủng?

BS Huỳnh Hữu Dũng: Việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ chỉ được thực hiện khi có sự đồng thuận của cha mẹ hoặc người giám hộ. Tất cả các loại vắc-xin đều phải có sự thận trọng, vắc-xin phòng Covid-19 cũng không ngoại lệ, do đó, để bảo đảm an toàn cho trẻ khi tiêm ngừa, phụ huynh cần thông tin rõ đến cán bộ y tế khi trẻ có bệnh nền, tiền sử dị ứng, phản vệ với thuốc,… để bác sĩ có những chỉ định phù hợp khi khám sàng lọc.

Trước khi tiêm, gia đình nên cho trẻ ăn uống đầy đủ, bảo đảm sức khỏe khi tham gia tiêm chủng. Sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, trẻ sẽ được theo dõi 30 phút để đề phòng nguy cơ phản ứng, dị ứng nặng và được xử trí ngay.

Sau khi tiêm vắc-xin, phụ huynh cũng theo dõi tại nhà trong những ngày đầu. Trẻ có thể bị một số tác dụng phụ như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt hoặc buồn nôn,... Đây là những dấu hiệu bình thường vì cơ thể trẻ đang xây dựng “hàng rào” bảo vệ. Những tác dụng phụ này sẽ biến mất sau vài ngày.

Trong trường hợp nếu thấy những tác dụng phụ khiến phụ huynh lo lắng, sốt cao liên tục trên 39 độ mà không đáp ứng thuốc hạ sốt; tê quanh môi hoặc lưỡi, có phát ban, nổi mẩn đỏ, tím tái hoặc xuất huyết dưới da,... cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời./.

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết