Tiếng Việt | English

20/03/2019 - 20:08

Mạng 5G sẽ thay đổi mạnh mẽ bức tranh internet Việt Nam

Diễn đàn Internet Việt Nam 2019 khai mạc ngày 20/3 tại Hà Nội, thảo luận cách thức công nghệ số giúp xây dựng xã hội sáng tạo, cởi mở và bền vững.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, Chính phủ Việt Nam đang thúc đẩy chính phủ số mạnh mẽ với mục tiêu lọt vào top 4 ASEAN. Trong năm 2019 này, Chính phủ cũng đã cho phép thử nghiệm dịch vụ 5G để chính thức đi vào hoạt động năm 2020. Đây là nền tảng cho nhiều ứng dụng khác nhau, góp phần thay đổi mạnh mẽ bức tranh internet Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam
Internet cũng tạo ra thách thức là nhiều mô hình kinh doanh mới chưa từng có tiền lệ khi ứng dụng tại Việt Nam, tạo ra xung đột giữa các nhóm lợi ích khác nhau. Cụ thể, ngay bài toán về kinh doanh vận tải hành khách cũng chưa có lời giải.

"Việt Nam cũng đang đối mặt với thách thức kinh doanh trực tuyến. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc sống số của chúng ta lên mạng internet ngày càng nhiều, hành vi của những người tham gia mạng internet cũng là thách thức. Vì vậy việc đảm bảo quyền truy cập internet, truy cập thông tin song hành với hoàn thiện hành lang pháp lý và chuẩn mực hành vi đang là thách thức lớn với Việt Nam", ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, thực hiện chủ trương bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0 của Chính phủ, Hà Nội cùng với TPHCM đã triển khai thử nghiệm 5G (bước tiến mới của internet), công nghệ nền tảng để thúc đẩy phát triển các công nghệ mới khác ngay trong năm 2019.
"Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Hà Nội xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó, tiếp tục triển khai các bước để tiến đến xây dựng đô thị thông minh bền vững với chính quyền điện tử, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh và công dân số", ông Nguyễn Ngọc Kỳ nhấn mạnh.

Ông Pereric Hogberg, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Pereric Hogberg cho biết hai yếu tố quan trọng nhất trong xã hội Thụy Điển là sự cởi mở và minh bạch. Ngày nay, 94% người Thụy Điển sử dụng internet với tốc độ kết nối nhanh nhất thế giới.

"Việc ứng dụng rộng rãi công nghệ và internet đã giúp Thụy Điển thúc đẩy văn hóa cởi mở, tiếp cận thông tin, đổi mới sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó tạo ra những phát minh, sự tăng trưởng và thịnh vượng cho đất nước. Một xã hội thông minh chỉ có thể đạt được khi có những công dân thông minh và am hiểu công nghệ", Đại sứ Pereric Hogberg khẳng định.

Việc phát triển kết nối internet sẽ thúc đẩy việc thực hiện Mục tiêu Phát triển Bền vững 2030 (SDGs). Trong 17 mục tiêu SDGs, mục tiêu thứ 9 nhắm tới việc "Gia tăng khả năng kết nối và truy cập thông tin của những công nghệ liên lạc để có được dịch vụ internet toàn cầu, giá rẻ tại những đất nước kém phát triển vào năm 2020". Internet sẽ là một phần thiết yếu trong việc triển khai và giám sát kế hoạch SDGs.

Bà Caitlin, Quyền đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam đánh giá cao tầm quan trọng của doanh nghiệp trẻ khối kỹ thuật trong nỗ lực giải quyết những thách thức lớn mà xã hội đang gặp phải.

"UNDP đang nỗ lực tìm kiếm những cách tiếp cận mới và giải pháp đột phá nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, chống tham nhũng, giảm nghèo và bất bình đẳng. Trên khắp thế giới, chính những thanh niên mong muốn đổi mới sáng tạo là những người đã ứng dụng công nghệ mới và mạng internet trong xây dựng xã hội. Kết nối thanh niên đổi mới sáng tạo là chìa khóa giúp chúng ta đạt được mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030", bà Caitlin nhấn mạnh./.

Vân Anh-Mỹ Nhung/VOV.VN

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích