Tiếng Việt | English

16/06/2017 - 09:56

Mạng xã hội “Con dao hai lưỡi”

Ngày nay, mạng xã hội (MXH) trở nên quá quen thuộc với con người, trong đó có trẻ em. Nếu biết cách khai thác hợp lý, MXH trở thành công cụ để các em học tập, giải trí. Tuy nhiên, MXH cũng mang đến hệ lụy khôn lường khi trẻ sử dụng không hợp lý, thiếu sự kiểm soát của người lớn.


Nhờ biết cách khai thác những mặt tích cực của mạng xã hội, em Nguyễn Thị Ngọc Châu - học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Tân An, nhiều năm liền là học sinh giỏi

Từ những lợi ích

Thực tế cho thấy, MXH mang đến nhiều lợi ích cho trẻ em: Giải trí, học tập, kết nối bạn bè, hiểu được xu thế thời trang, cập nhật tin tức nhanh chóng,... Vì vậy, dưới sự định hướng của nhà trường, gia đình và xã hội, nhiều trẻ em biết cách sử dụng các trang MXH một cách hiệu quả.

Em Nguyễn Thị Ngọc Châu - học sinh lớp 8, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ: “Từ nhỏ, em được cha mẹ cho tiếp cận Internet. Tuy nhiên, cha mẹ luôn định hướng cho em vào những trang mang tính giáo dục: Loidayhay.com; webthieunhi.com,... Trong dịp hè, mỗi ngày, cha mẹ cho em lên mạng giải trí khoảng 60 phút”.

Còn phụ huynh em Nguyễn Ngọc Anh Thư, ngụ ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An cho biết: “Con gái tôi năm nay 8 tuổi, cháu cũng thường lên mạng chơi game, đọc báo. Tuy nhiên, gia đình luôn nhắc nhở con chơi game, đọc báo chỉ là giải trí. Đặc biệt, vợ chồng tôi cũng thường chơi game, đọc báo cùng con. Việc làm đó không chỉ giúp con giải trí mà còn gắn kết các thành viên trong gia đình”.


Sự quan tâm của người lớn chính là lá chắn để trẻ em “miễn dịch” với tác hại của mạng xã hội

Đến những tác hại

Mặt tích cực của MXH mang lại là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, MXH luôn tiềm ẩn những cạm bẫy làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Từ MXH, nhiều em dễ dàng tiếp cận với những luồng thông tin từ bạn bè xấu, dễ sa vào tệ nạn xã hội, bị xâm hại tình dục, có lối sống bạo lực,...

Từng là học sinh giỏi, được cha mẹ, thầy cô tin tưởng, yêu thương, thế nhưng do ảnh hưởng từ các trang MXH, em B.V.T, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, trở nên đua đòi, thường xuyên nghỉ học, ăn cắp tiền của gia đình để chơi game,... Hầu hết trẻ em nghiện MXH là do thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình. Mặt khác, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những nguyên nhân khiến các em nghiện MXH.


Nhiều trẻ em lạm dụng mạng xã hội mà sa ngã vào các trò chơi điện tử

"Hiện nay, mạng xã hội giúp các em dễ dàng tiếp cận những thông tin có ích và trở thành phương tiện vui chơi, giải trí lành mạnh. Thế nhưng, nếu không có sự định hướng, các em dễ bị lôi kéo trong môi trường “ảo” dẫn đến thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội, thiếu kỹ năng tự lập,... Thời gian tới, Đoàn Thanh niên tiếp tục phối hợp các cấp, các ngành tổ chức tư vấn về tác hại của mạng xã hội cho học sinh; giới thiệu những trang web mang tính giáo dục; tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích cho trẻ em,..."

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Ngọc Uyển

Sử dụng mạng xã hội hiệu quả

Việc định hướng cho trẻ em sử dụng MXH hợp lý chính là “chìa khóa” giúp các em “miễn dịch” với tác hại từ các trang mạng. Tại Diễn đàn trẻ em năm 2017, với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội mang vấn đề này thảo luận nhằm đưa ra nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em. Tại đây, 150 trẻ em tiêu biểu ở các huyện, thị xã, thành phố đại diện cho trẻ em toàn tỉnh được nghe tư vấn về các trang mạng có lợi cho việc học và giải trí lành mạnh. Đặc biệt, các em còn chủ động đưa ra nhiều giải pháp tự bảo vệ chính mình trước môi trường mạng.


Trẻ em tham gia Diễn đàn trẻ em năm 2017

Em Lê Thị Ngọc Tinh, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, chia sẻ: “MXH mang lại nhiều lợi ích và em có thể học được nhiều điều mới từ các trang mạng này. Để định hướng cho chúng em, ba mẹ, thầy cô cần giới thiệu những trang lành mạnh, mang tính giáo dục, không vào các trang web mang tính đồi trụy, không tiết lộ thông tin của bản thân cho người lạ”.

Thực hiện Công văn số 1461/UBND-KGVX, ngày 10-4-2017 của UBND tỉnh về việc tăng cường, quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trên địa bàn tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo đề ra nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trước môi trường mạng.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo - Huỳnh Thanh Phong thông tin: “Thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên tuyệt đối không tham gia các trò chơi điện tử có tính chất cờ bạc; nhà trường phối hợp chặt chẽ ban đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt của con em mình, giữ mối liên hệ với gia đình trong việc quản lý, giáo dục các em không tham gia các trò chơi điện tử có tính chất đánh bạc; ban giám hiệu thường xuyên phối hợp các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động văn hóa, văn nghệ lành mạnh cho học sinh, sinh viên,... Với những hoạt động này, giúp học sinh không sa đà vào các trò chơi điện từ trực tuyến có nội dung bạo lực, không lành mạnh, trò chơi điện tử có tính chất đánh bạc”.

Việc sử dụng MXH luôn là nhu cầu tất yếu trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta đừng để nó “điều khiển” mọi hành vi của trẻ em mà hãy định hướng, quản lý chặt chẽ giúp trẻ chính là người điều khiển MXH./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết