Không có lỗi vẫn mất tiền
Phản ánh tới Thanh Niên, chị N.B.Đ.N (P.Ngọc Hà, Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết 8 giờ ngày 4-9 chị có mua 2 gói hành lý ký gửi trực tuyến với trọng lượng 10 kg qua website của một hãng hàng không, chuyến bay khởi hành vào hồi 17 giờ 35 cùng ngày. Sau khi thanh toán bằng thẻ tín dụng visa của Ngân hàng HSBC, tài khoản của chị đã báo trừ số tiền 330.000 đồng. Cùng lúc đó, hãng bay cũng gửi xác nhận giao dịch vào hộp thư cá nhân. Tuy nhiên, sát giờ bay khi chị hỏi lại tổng đài thì nhận được thông báo giao dịch không hoàn thành và nếu muốn phải mua trực tiếp tại sân bay với giá 66.000 đồng/kg, tổng cộng 10 kg là 660.000 đồng.
Minh họa: DAD
“Thực sự rất khó hiểu, tài khoản của tôi đã bị trừ tiền, hãng hàng không cũng gửi mail xác nhận. Vậy mà sát giờ bay họ nói không thành công, khiến tôi phải gỡ hết đồ đạc, hành lý đã đóng gói để không bị phạt vì quá cước”, chị N. nói.
Tiếp tục thắc mắc và yêu cầu làm rõ sự cố này là lỗi của ai, chị gọi đến tổng đài phục vụ khách hàng của hãng hàng không thì được một tổng đài viên trả lời: “Em xin lỗi, không phải riêng chị mà rất nhiều khách hàng cũng bị như vậy vì lâu nay hệ thống thanh toán trực tuyến của bên em vẫn bị lỗi. Bọn em đã báo nhiều lần rồi mà không khắc phục được”.
Theo chị N., kèm theo lời xin lỗi, nhân viên tổng đài hứa hai việc: Thứ nhất khoảng 1 - 2 giờ sau sẽ có người gọi lại vào số điện thoại để giải quyết. Thứ hai, hãng sẽ báo lại ngân hàng để trả số tiền vào tài khoản. “Trong ngày hôm đó, không có ai gọi lại cho tôi cả”, chị N. cho biết.
Trao đổi với phóng viên, đại diện hãng hàng không trên thừa nhận trường hợp này có sai sót và lỗi hệ thống. Tuy nhiên, về khoản tiền của khách hàng, cho tới nay chị N. cho biết vẫn chưa thấy tin nhắn báo về tài khoản là đã hoàn lại số tiền cho giao dịch không thành công đó.
Một trường hợp khác, anh Nguyễn Quang P. (Q.Tân Bình, TP HCM) cho biết ngày 9-10 khi đang ngủ trưa thấy điện thoại báo có tin nhắn. Mở mắt đọc, anh ngạc nhiên khi tài khoản thẻ tín dụng bị trừ gần 3 triệu đồng cho giao dịch mua đồng hồ tại một trang web của nước ngoài. Thẻ cất trong ví, số tài khoản, mã bảo mật anh không bao giờ tiết lộ cho ai, nay bị mất tiền khiến anh không khỏi hoang mang.
Ngay cả với hệ thống thanh toán mua qua gian hàng Apple Store, tưởng chừng bảo mật tuyệt đối nhưng nếu không thận trọng, người dùng vẫn có thể mất tiền triệu. Anh Bùi Việt Cường (Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, có chơi game Clash Of Clans (game chiến thuật) trên mạng, thỉnh thoảng mua Gem (kim cương) để nâng cấp nhà và lính. Hệ thống Apple bắt thanh toán bằng thẻ Visa hoặc MasterCard, ngoài ra người chơi phải nhập mật khẩu ID Apple để thanh toán. Sau lần nhập đầu tiên mua 500.000 đồng kim cương, anh Cường tắt máy. Ngày hôm sau thấy tài khoản báo bị trừ 2 triệu đồng từ Apple Store. Sau khi kiểm tra lại, hóa ra anh chưa tắt hệ thống thanh toán trực tiếp, cậu con trai cầm máy chơi game mua liên tiếp gần 2 triệu đồng. “Lẽ ra khi mua xong, lần sau mua lại thì phải bắt khách hàng nhập lại số tài khoản, mã bí mật của thẻ tín dụng. Đằng này họ mặc định tài khoản thẻ chỉ cần nhập mỗi ID Apple vào là muốn mua bao nhiêu cũng được. Như vậy thì rủi ro cho người chơi quá”, anh Cường lo ngại.
Một trường hợp khác, anh H.Nam (trú tại Q.Ba Đình, Hà Nội) cho biết anh vay của một chi nhánh ngân hàng cổ phần tại Vĩnh Phúc hơn 1 tỉ đồng. Hằng tháng phải trả lãi khoảng gần 10 triệu đồng thông qua dịch vụ chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến internet banking. Tháng 8-2015, anh có chuyển khoản từ tài khoản Vietcombank (VCB) sang chi nhánh của ngân hàng này tại Vĩnh Phúc, dù tài khoản của VCB đã trừ tiền nhưng phía ngân hàng vẫn báo chưa nhận được. Nguyên nhân, sau đó kiểm tra do lỗi hệ thống nên giao dịch chưa được hoàn thành. Đen đủi cho anh H.Nam rơi vào đúng ngày cuối của tháng nên anh bị phạt tiền lãi quá hạn mất gần 300.000 đồng. “Số tiền tôi chuyển khoảng 10 triệu đồng đến gần 10 ngày sau cũng không thấy phía ngân hàng báo trả lại. Chỉ đến khi tôi lên phòng giao dịch kiến nghị họ mới chuyển trả lại. Rõ ràng là lỗi của hệ thống chuyển mạch giữa các ngân hàng mà khách hàng vừa phải chịu phạt, vừa bị giam tiền mất gần 10 ngày”, anh H.Nam ngán ngẩm.
Dồn rủi ro cho khách hàng
Thẻ ATM, thẻ tín dụng, ví điện tử (Mobivi, Payoo, VnMart), thanh toán qua mạng... là xu hướng tất yếu trong cuộc cách mạng thay thế thanh toán bằng tiền mặt, giúp khách hàng vừa tiết kiệm thời gian, tránh được rủi ro. Tuy nhiên, theo TS Lê Đăng Doanh, do hạ tầng mạng thanh toán còn kém, các nhà cung cấp dịch vụ còn mải mê chạy theo doanh thu, thị phần mà chưa đầu tư đúng mức nên không ít trường hợp khách hàng phải tự gánh rủi ro, thậm chí mất tiền oan.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế ngân hàng, khuyến cáo người sử dụng nên hết sức cẩn trọng khi giao dịch thanh toán qua mạng, từ việc đảm bảo bí mật mã pin, đến số tài khoản trên thẻ. Khi xảy ra sự cố lỗi thì nên liên hệ ngay với ngân hàng để báo sự cố. “Tuy nhiên, thường các trường hợp như vậy phải rất lâu sau, có khi mất cả tháng trời khách hàng mới được hoàn tiền lại tài khoản hoặc không bị trừ tiền trong thẻ tín dụng”, luật sư Đức nói.
Tự mình phải bảo vệ mình trước Theo một chuyên gia trong lĩnh vực thẻ, trong bối cảnh thanh toán qua mạng còn thiếu an toàn, người tiêu dùng trước hết phải biết bảo vệ mình, tuyệt đối không được để lộ thông tin cá nhân hay các thông tin in trên thẻ cho người ngoài. Đặc biệt, càng không nên chụp ảnh thẻ hay cho bất cứ người nào mượn thẻ tín dụng. TS Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo nhân lực Ngân hàng BIDV khuyến cáo, khi sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán trực tuyến, hệ thống sẽ yêu cầu khách hàng nhập họ tên chủ thẻ, số thẻ, thời hạn hiệu lực, ngày hết hạn và mã xác thực thẻ CVV (3 chữ số cuối ở mặt sau thẻ) - và tất cả thông tin này đều được in trên thẻ. Do đó, người tiêu dùng có thể áp dụng một mẹo cực kỳ hữu ích là tự nhớ hoặc ghi chú ở nơi khác rồi cạo mờ mã CVV để tránh trường hợp bị kẻ gian tìm cách sao lưu lại thông tin trên thẻ./. |
nld.com.vn (Theo Anh Vũ Thanh Niên)