Tiếng Việt | English

10/06/2023 - 11:54

Miền Tây lo trước để né hạn mặn

Dự báo của các chuyên gia về một đợt hạn mặn khốc liệt có thể diễn ra trong mùa khô 2023 và 2024.

Năm nay, nước mặn có những thời điểm xâm nhập sâu nhưng nhờ chủ động nên nông dân ở xã Vĩnh Tuy (huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang) thu hoạch tôm càng xanh trên nền đất lúa thắng lớn - Ảnh: CHÍ CÔNG

Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre - cho biết, trước dự báo của các chuyên gia về một đợt hạn mặn khốc liệt có thể diễn ra trong mùa khô 2023 và 2024, ngành nông nghiệp Bến Tre đã khuyến cáo người dân chủ động thực hiện sớm các biện pháp để ứng phó.

"Người dân Bến Tre cũng như một số tỉnh nằm ở hạ nguồn các con sông đã có kinh nghiệm ứng phó với hạn mặn trong những năm qua. Năm nay có thể áp dụng và thực hiện trữ nước sớm hơn để chủ động hơn", ông Đức nói.

Thời tiết ngày càng kỳ cục, khó lường. Tốt nhất mình nên chủ động trữ nước mưa ngay từ đầu mùa vì không biết ngưng mưa khi nào

Ông Phan Văn Quang (54 tuổi, nông dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre)

Còn tại Sóc Trăng, rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay người dân cũng chủ động xuống giống sớm để né hạn mặn. Ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết trước mắt ngành nông nghiệp Sóc Trăng phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân điều chỉnh lịch thời vụ xuống giống lúa hè thu sớm hơn nhằm sản xuất vụ đông xuân tiếp theo kết thúc trước Tết Nguyên đán hoặc chậm nhất ra Tết khoảng một tuần trở lại.

Đối với giải pháp công trình, ông Đạo cho biết Sóc Trăng sẽ đầu tư kinh phí nạo vét hệ thống kênh mương ngay từ thời điểm này. Theo ông, việc cải tạo, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương để trữ nước ngọt là rất quan trọng.

Ông Đạo cho biết đối với vùng chuyên sản xuất lúa của Sóc Trăng như Mỹ Tú, Thạnh Trị, Ngã Năm... nông dân còn trồng rau màu, trồng cỏ nuôi bò. Do vậy, việc tích trữ nước ngọt trong hệ thống kênh rạch và ao hồ sẽ giúp bà con chủ động hơn.

Ông Trần Văn Lâu - chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - thông tin các huyện có diện tích nuôi tôm như Trần Đề, Long Phú, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên...và thị xã Vĩnh Châu không quá lo vì khô hạn không ảnh hưởng đến nuôi tôm.

"Riêng các vùng chuyên trồng lúa và sản xuất rau màu, cây ăn trái... cần chủ động nguồn nước ngọt, điều chỉnh thời vụ hợp lý; bố trí cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu. Hiện đời sống người dân đã khó, càng khó hơn nếu thiên tai, xâm nhập mặn xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập, sản xuất của họ. Sóc Trăng sẽ làm hết sức mình để bảo vệ mùa màng, ổn định thu nhập cho người dân", ông Lâu quả quyết./.

Cống Cái Lớn - Cái Bé phát huy tác dụng

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, có hơn 384.000ha diện tích tự nhiên của năm tỉnh miền Tây (Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng) đã được hưởng lợi từ hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé.

Cống Cái Lớn - Cái Bé đặc biệt có nhiệm vụ kiểm soát nguồn nước mặn - lợ - ngọt và tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái: ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi 384.000ha (đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.000ha).

Cống kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng chống thiên tai, giảm ngập úng khi mặt đất hạ thấp do lún sụp đất; giảm thiệt hại do thiên tai hạn mặn vào mùa khô cho các mô hình sản xuất trong vùng.

CHÍ CÔNG

Theo TTO

Chia sẻ bài viết