Chị Bảy nói ráng hái mấy trái dừa bán lấy tiền cho con đi học. Chị hái được 12 trái, lột sạch vỏ, bán được 8.000 đồng/trái - Ảnh: T.Trang
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh ấp Giồng Kè, ông Danh Hậu - trưởng ấp Giồng Kè - lắc đầu ngao ngán: “Hầu như 100% diện tích lúa của nông dân ở đây đều chết hết, không thu hoạch được gì. Cô coi có mấy nhà mở cửa đâu, họ đi hết rồi, đi nơi khác làm thuê làm mướn kiếm tiền trả nợ đó”.
Vừa nói, ông Hậu chỉ tay về con đường trước con đập ngăn mặn, có hơn chục nhà đóng cửa im ỉm.
Gần đó, ở nhà chị Danh Kim Bảy (45 tuổi), chị và ba đứa con nhỏ đang quây quần bên mâm cơm trưa chỉ có hai món dưa hấu và hột vịt chiên. Chồng chị vừa chạy xe ôm ở xóm trên, tranh thủ về nhà ăn cơm để tiết kiệm tiền.
Nước mắt ngắn dài, chị Bảy nói: “Mất hết rồi, trắng tay rồi còn đâu, hơn hai tháng nay mấy đứa nhỏ nhà chị đều ăn cơm với hột vịt, vậy là may lắm rồi, chứ có bữa mấy mẹ con chị dẫn nhau lên chùa để ăn nhờ cơm vì trong nhà đâu còn hột gạo nào”.
Chị Bảy kể mấy năm trước, hai vợ chồng chị làm 3,3ha ruộng (trong đó có 2ha đất thuê), sau khi trừ hết chi phí thuê đất, phân, giống… cả nhà chị chỉ đủ ăn và cho mấy đứa nhỏ đi học.
“Mấy năm rồi tui mơ ước mua cho đứa con gái lớn học lớp 8 một chiếc xe đạp, thấy nó lội bộ đi học xa tội lắm mà không dám nói ra. Hồi tết vừa rồi, thấy lúa trổ đều mừng quá trời, vậy mà....” - chị Bảy nói đoạn rồi im bặt, cúi xuống vén tay áo lau nước mắt.
Đứa con gái út hơn 3 tuổi thấy chị khóc cứ ôm chặt mẹ nói đi nói lại câu gì đó chưa rành rọt lắm, thấy tôi có vẻ thắc mắc, chị phân trần là nó sợ chị bỏ nó nên cứ nói “mẹ đừng có đi Phú Quốc nghe mẹ”, vì hồi lúa chết tới giờ gia đình chị đã kiệt quệ, nợ tiền thuê đất, nợ tiền phân thuốc nên chị dự định sẽ ra đảo Phú Quốc làm thuê.
“Tui nghe nói ngoài đó người ta đang có nhiều việc để làm nên tui muốn ra đó làm để trả nợ chứ không còn trông mong gì trồng lúa nữa rồi”.
Ông Danh Hậu lại dẫn chúng tôi vòng qua căn nhà đang đóng cửa, ông Hậu nói nhà có người nhưng suốt ngày đóng cửa vì sợ người của ngân hàng xuống. Ông Trương Hiếu Thuận là một trong những người dân ở đây thiệt hại nặng nề nhất, giờ ông nợ ngân hàng gần 500 triệu không có khả năng chi trả.
“Vợ tui thì đi ở đợ cho người ta, mấy đứa con thì đi Bình Dương làm công nhân, tui buồn quá bệnh từ bận lúa chết tới nay nên mới ở nhà”, ông Thuận chua chát.
Ông Thuận nói mấy chục năm làm lúa, lần đầu tiên trong đời ông thấy bất lực như vậy, mấy chục hecta đất trồng lúa bây giờ coi như bỏ hoang không làm gì được nữa. “Giờ Nhà nước kêu tụi tui xuống giống tui cũng không dám nữa”.
Ông Danh Hậu cho biết làm trưởng ấp hơn chục năm nay, mỗi khi đến mùa gặt lúa là trong ấp lại tưng bừng, nào máy gặt, nào ghe chở lúa, người người ôm lúa đi cân, không biết trúng mùa hay không nhưng ai cũng phấn khởi vì biết chắc trong nhà cũng đủ gạo ăn. Nay “đi tới đâu cũng nghe dân kêu trời” - ông Hậu buồn bã nói.
Ông Hậu ngao ngán nói thêm nước mặn quá, người dân không có nước để sử dụng ăn uống, muốn có nước dùng phải đi mua nước, mà tiền ăn không có lấy đâu tiền mua nước.
Hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử 100 năm qua đã khiến người dân ĐBSCL thật sự điêu đứng. Trong ảnh: bà Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) cuốc mảnh đất khô hạn để chờ trời mưa - Ảnh: K.Nam
Nhà nào cũng ngập nợ Ông Nguyễn Sinh Cang, cán bộ phụ trách kinh tế xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang), cho biết hơn 2.067ha lúa của 536 hộ dân trong xã đều chết trắng, trong đó ấp Giồng Kè thiệt hại nặng nề nhất, hầu như 100% diện tích lúa của nông dân bị chết. “Hiện giờ xã đang bắt đầu hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại từ vụ hè thu năm rồi, mức hỗ trợ thiệt hại dưới 70% là 1 triệu đồng, trên 70% là 2 triệu đồng, cũng là để góp phần cho dân mua gạo ăn chứ chưa cải thiện được gì nhiều”, ông Cang nói. Ông Trần Văn Út, chủ tịch UBND xã Bình Giang, cho biết hầu như ở đây nhà nào có đất thì nợ ngân hàng, không đất thì nợ vật tư nông nghiệp, không nhà nào nợ dưới trăm triệu. “Mỗi năm tới mùa thu hoạch lúa thì dân còn trả nổi, hoặc trả gối đầu, chứ năm nay dân trắng tay, chủ nợ có kiện đến chính quyền không biết sao mà phân xử cho trọn vẹn” - ông Út nói. |
Xem Nước cho vùng hạn mặn
tại sân khấu Sen Hồng và trên HTV9 Đúng 18g ngày 8-4, chương trình nghệ thuật ca nhạc gây quỹ Kết nối yêu thương 3 - Nước cho vùng hạn mặn sẽ diễn ra tại sân khấu Sen Hồng (Q.1, TP.HCM) với nhiều tiết mục đặc sắc. Đặc biệt, sân khấu này sẽ mở cửa tự do cho tất cả khán giả muốn tham gia thưởng thức ca nhạc hay đóng góp trực tiếp cho chương trình. Tham gia chương trình, gần 300 nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên sẽ thay phiên hâm nóng không khí bằng nhiều tiết mục ca nhạc, trình diễn dance sport, múa nghệ thuật, cải lương... như ca sĩ Thu Minh, Đoan Trang, Đức Tuấn, Hoàng Bách, Quang Hà, nhóm MTV, Đinh Tiến Đạt, gia đình nghệ sĩ múa Linh Nga - Đặng Hùng - Vương Linh, nghệ sĩ cải lương Thanh Ngân, MC Thanh Bạch - Quỳnh Hoa... Chương trình cũng sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng HTV9 từ 20g30. Khán giả tham dự có thể gửi xe miễn phí ở bãi giữ xe của khu B, công viên 23-9 (mặt đường Phạm Ngũ Lão). M.Trang |
Thùy Trang/tuoitre online