1. Gần 10 năm gắn bó với công tác thiện nguyện, anh Phạm Hoài Phong - Chủ nhiệm CLB Thiện Tâm (TP.Tân An), nói rằng, chưa bao giờ tổ chức hoạt động nào với mức kinh phí vượt quá 50 triệu đồng và nguyên tắc hoạt động của nhóm là không lập quỹ. CLB được thành lập với mong muốn giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, CLB có khoảng 10.000 thành viên trên Facebook và hơn 30 thành viên chủ chốt gắn bó với mọi hoạt động của CLB: Khảo sát, quản lý tài chính, tặng quà,... Từ khi được thành lập đến nay, CLB tổ chức hàng ngàn chương trình lớn, nhỏ tại nhiều tỉnh, thành: Tặng quà tết, quà trung thu, hỗ trợ đột xuất, hỗ trợ bệnh nhân bệnh hiểm nghèo, xây nhà,... Tại TP.Tân An, CLB Thiện Tâm duy trì Tủ bánh mì 0 đồng và Quán cơm chay 5.000 đồng nhằm giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.
Sau gần 10 năm hoạt động, Câu lạc bộ Thiện Tâm có khoảng 10.000 thành viên trên Facebook và hơn 30 thành viên chủ chốt
Thực hiện phương châm không thành lập quỹ, khi tổ chức một chương trình, anh Phong cùng CLB thường dự toán trước kinh phí, kêu gọi đúng số tiền dự toán. Toàn bộ các khoản đóng góp được cập nhật chi tiết, tổng kết, báo cáo ngay trên bài viết kêu gọi. Kinh phí kêu gọi cho chương trình nào được sử dụng hết cho chương trình đó. Bắt đầu một chương trình mới, anh và CLB lại tiếp tục kêu gọi. Với anh Phong, đó là cách minh bạch tài chính và tránh tình trạng thâm lạm quỹ. Trong quá trình kêu gọi đóng góp từ mạnh thường quân, anh Phong cũng công khai nhiều số tài khoản khác nhau của các thành viên trong Ban quản trị CLB, giúp việc quản lý tài chính được giám sát trong suốt quá trình kêu gọi và trao kinh phí giúp đỡ cho các trường hợp khó khăn.
2. Từng nhận được sự giúp đỡ từ mạnh thường quân, chị Thái Thị Hồng Đào (TP.Tân An) tâm niệm sẽ cố gắng giúp đỡ người khác như một cách cảm ơn những người đã giúp mình. Chính vì thế, chị thường xuyên kêu gọi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, thực hiện nhiều đợt tặng quà. Trong đợt dịch Covid-19 này, chị tổ chức nhiều chuyến thu mua nông sản tặng người dân vùng dịch và các khu phong tỏa tại TP.Tân An và TP.HCM.
Trong đợt dịch Covid-19 này, chị Thái Thị Hồng Đào tổ chức nhiều chuyến thu mua nông sản tặng người dân vùng dịch và các khu phong tỏa
Bắt đầu công việc thiện nguyện từ năm 2018, chị luôn đặt vấn đề công khai, minh bạch các khoản thu, chi lên hàng đầu trong quá trình kêu gọi để giữ lòng tin với mạnh thường quân. Mỗi lần vận động, chị đều công khai các khoản tiền trên trang Facebook cá nhân. Chị Đào chia sẻ: “Khi kết thúc kêu gọi giúp đỡ một trường hợp nào đó, tôi thường xóa số tài khoản của mình khỏi bài đăng để tránh việc mạnh thường quân tiếp tục chuyển tiền. Ngoài ra, vì còn phải lo kinh tế gia đình nên tôi hoạt động tùy vào khả năng. Tôi phải chắc chắn mình lo đủ cho gia đình mới có thể yên tâm tập trung vào việc giúp đỡ người khác”. Với chị Đào, việc tập trung vào công việc, lo kinh tế gia đình trước là cách giúp chị “giữ sạch” lòng mình khi kêu gọi giúp đỡ.
Việc minh bạch tài chính khi tổ chức kêu gọi khiến cá nhân hoặc tổ chức đứng ra kêu gọi mất khá nhiều thời gian và công sức khi phản hồi tất cả mọi đóng góp của mạnh thường quân, viết bài và chụp ảnh báo cáo đã trao tiền hoàn tất và kết thúc kêu gọi. Số tiền kêu gọi được càng lớn thì việc công khai, minh bạch càng mất nhiều thời gian nhưng đó là việc làm cần thiết, thậm chí là bắt buộc, không chỉ giúp tạo lòng tin cho mạnh thường quân mà còn để đáp ứng yêu cầu hoàn toàn chính đáng của người trao tiền.
Hiện nay, việc kêu gọi ủng hộ các hoàn cảnh khó khăn chưa có chế tài hay quản lý, mọi hoạt động đều mang tính tự phát và tùy thuộc vào tấm lòng người thực hiện. Phải chăng, đã đến lúc cần có quy định và sự chế tài cụ thể cho hoạt động này, vừa giúp những cá nhân, tổ chức kêu gọi chân chính được thuận lợi trong quá trình hoạt động, vừa có cơ sở chế tài các phần tử cơ hội, cố tình trục lợi bất chính bằng hoạt động thiện nguyện trá hình./.
Quế Lâm