Tiếng Việt | English

26/03/2022 - 17:30

Món ngon độc đáo của quê hương Long An

Long An - vùng đất cửa ngõ miền Tây với thiên nhiên trù phú, sản vật đa dạng cùng nhiều món ăn đặc trưng của vùng đất Nam bộ. Đến với quê hương đôi dòng Vàm Cỏ, khách phương xa sẽ ấn tượng với sự nồng hậu, chất phác của người dân Long An, thưởng thức những món ăn tuy bình dị nhưng đậm đà tình quê.

Mắm cá lia thia trước đây được người dân làm để dùng trong gia đình hoặc đem biếu, sau này khi được nhiều người biết đến, món ăn độc đáo này đã trở thành đặc sản của quê hương Long An

Mắm cá lia thia trước đây được người dân làm để dùng trong gia đình hoặc đem biếu, sau này khi được nhiều người biết đến, món ăn độc đáo này đã trở thành đặc sản của quê hương Long An

Đậm đà vị mắm cá lia thia

Nói về miền Tây sông nước thì khô, mắm nơi đâu cũng có. Tuy nhiên, khác với các loại mắm lóc, cá chốt, cá linh,... quá đỗi quen thuộc thì mắm cá lia thia là một loại đặc sản độc đáo chỉ có tại vùng đất Đức Huệ. Nhắc đến cá lia thia, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến loài cá kiểng, cá đá, thế nhưng loài cá sống nơi đồng bưng này khi chế biến thành mắm lại trở thành một món ngon độc đáo, ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi hương vị khó quên. Cá lia thia làm mắm là loại lia thia ruộng, có kích thước nhỏ chỉ hơn lóng tay, thích ứng với vùng nước phèn nên thường sống tại những cánh đồng năn.

Theo chị Võ Thị Hồng Thắm - chủ Cơ sở mắm cá lia thia Hồng Thắm (khu phố 2, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ), cá lia thia chỉ sống ngoài thiên nhiên nên số lượng không nhiều như cá nuôi, mùa thu hoạch rộ nhất là từ tháng 10, 11, 12 Âm lịch hàng năm rồi lai rai dần qua tháng Giêng, tháng 2 của năm mới. Cá làm mắm phải là cá tươi đem về chà sạch vảy rồi để ráo, ướp muối theo công thức gia truyền của mỗi cơ sở, đủ thời gian thì trộn thính, gia vị tỏi, ớt; tầm 25 ngày thì mắm có thể sử dụng được. Mắm cá lia thia thành phẩm có màu ửng đỏ tự nhiên, mùi thơm nồng nàn, hấp dẫn. Nghe thì đơn giản nhưng để làm được một mẻ mắm cũng rất kỳ công, có những bí quyết riêng và chứa đựng trong đó cả tâm huyết của người làm ra mắm.

Mắm cá lia thia thường được ăn kèm đậu rồng, khế, chuối chát, rau thơm, trộn với thịt ba rọi, bún, cuốn bánh tráng. Tùy theo khẩu vị người dùng, có thể để nguyên chất hay thêm chút đường, tỏi, ớt, gừng, vắt thêm miếng chanh cho đậm vị, đơn giản vậy thôi mà ăn một lần là nhớ mãi. Mắm cá lia thia trước đây được người dân làm để dùng trong gia đình hoặc đem biếu, sau này khi được nhiều người biết đến, món ăn độc đáo này đã trở thành đặc sản của quê hương Long An. 

Độc đáo, tròn vị với bún Xiêm Lo

Xuôi về miền Đồng Tháp Mười với mênh mông sông nước, có một món bún với cái tên khá lạ mà ai đã ghé qua thị xã Kiến Tường đều phải thử một lần, đó chính là bún Xiêm Lo. Chẳng biết bún Xiêm Lo có từ khi nào nhưng những người bán lâu năm đều chia sẻ rằng đây là món ăn có nguồn gốc từ nước bạn Campuchia. Tuy nhiên, khi được du nhập vào Việt Nam, người dân mình đã khéo léo chế biến để phù hợp với khẩu vị địa phương.

Bún Xiêm Lo có một đặc trưng là dùng rất nhiều nghệ trong nước lèo nên sợi bún, thớ cá đều thấm đẫm màu vàng ươm bắt mắt

Bún Xiêm Lo có một đặc trưng là dùng rất nhiều nghệ trong nước lèo nên sợi bún, thớ cá đều thấm đẫm màu vàng ươm bắt mắt

Bún Xiêm Lo có một đặc trưng là dùng rất nhiều nghệ trong nước lèo nên sợi bún, thớ cá đều thấm đẫm màu vàng ươm bắt mắt, hương thơm của nghệ hòa quyện với thịt cá tạo nên mùi vị đặc biệt hấp dẫn. Tô bún dọn lên nóng hổi với cọng bún nhỏ đặc trưng, rất nhuyễn, mịn; hòa lẫn trong nước dùng thơm lừng là cá lóc, thịt cá xay cùng nghệ tươi, da heo, đậu phộng. Rau ăn kèm với bún Xiêm Lo là tai tượng xắt nhỏ, kết hợp với cọng giá trắng nõn nà, tất cả hòa quyện tạo nên một tô bún không chỉ thơm ngon mà còn vô cùng bắt mắt.

Bên cạnh cá lóc, để chiều lòng thực khách, nhiều quán còn bổ sung vào thực đơn gồm cá chạch, lươn, cá rô và có cả thịt bò. Mỗi quán bún Xiêm Lo đều để sẵn cho khách hũ nghệ xào, muối ớt, vài trái tắc, ai muốn dùng nhiều nghệ thì thoải mái thêm vào. Bún Xiêm Lo có thể ăn sáng, ăn trưa hay ăn chiều đều phù hợp. Húp một ít nước dùng thanh ngọt từ cá, cắn miếng thịt cá tươi, cá xay thơm dai, ít đậu phộng béo bùi cùng rau ăn kèm, tất cả đều tạo nên hương vị khó quên.

Những năm gần đây, bún Xiêm Lo không chỉ phổ biến tại Kiến Tường, Mộc Hóa mà khu vực TP.Tân An cũng có một số hàng quán bán loại bún này. Hầu như những quán ăn này khi mở ra đều rất “hút” khách bởi sự độc đáo, thơm ngon. Anh Nguyễn Minh Hiếu - chủ quán bún Xiêm Lo trên Quốc lộ 62, phường 6, TP.Tân An, cho biết: “Trước đây, mẹ vợ tôi bán bún Xiêm Lo tại chợ Kiến Tường suốt mấy chục năm, sau này già yếu, vợ chồng tôi nối nghiệp gia đình. Khi chuyển về TP.Tân An thì chúng tôi cũng sống chủ yếu bằng nghề nấu bún Xiêm Lo. Thời gian đầu, nhiều người còn lạ lẫm, chưa quen với món ăn này. Về sau, quán dần có rất nhiều khách quen ủng hộ. Những người ở phương xa, đi về các tỉnh miền Tây qua tuyến Quốc lộ 62 cũng ghé ngang thưởng thức”.

Theo anh Hiếu, nấu bún Xiêm Lo không khó nhưng phải tỉ mỉ, cẩn thận và cũng có những bí quyết riêng để làm ra tô bún chất lượng. Cá được nấu phải là cá tươi, chả cá cũng tự tay gia đình anh làm để bảo đảm độ dẻo, dai và thanh ngọt tự nhiên. Dù đều là bún Xiêm Lo nhưng mỗi hàng quán sẽ có những cách chế biến với công thức riêng, phải làm sao có sự đặc trưng để khách hàng nhớ đến và ủng hộ lâu dài.

Quả thật, bún Xiêm Lo từ một món ăn có nguồn gốc từ nước bạn, khi du nhập về Việt Nam, qua bàn tay khéo léo của các dì, các mẹ đã thực sự trở thành món ăn thân thuộc với người dân Long An và các tỉnh lân cận. Bún Xiêm Lo hay mắm cá lia thia chỉ là một số ít trong rất nhiều món ăn độc đáo tại quê hương Long An. Chỉ với những sản vật gần gũi, bình dị, người dân quê đã sáng tạo ra những món ngon trọn vẹn cả sắc, hương, vị. Những món ăn dân dã nhưng đượm tình quê khiến ai đi xa cũng bồi hồi nhớ mãi!

Cát Tường

Chia sẻ bài viết