Tiếng Việt | English

19/03/2019 - 10:04

Một đêm ở lò giết mổ

Cán bộ trực tại các cơ sở giết mổ (CSGM) trên địa bàn tập trung làm tốt công việc của mình nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các loại dịch bệnh để cung cấp ra thị trường sản phẩm động vật bảo đảm chất lượng, an toàn theo quy định, nhất là trong thời điểm bệnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Tập trung trong công tác kiểm dịch

Bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phía Bắc, cùng với đó, mùa nắng nóng gay gắt, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (GSGC) trở nên khó lường hơn. Trước những nguy cơ xảy ra dịch bệnh, UBND tỉnh Long An chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh trên GSGC, nhất là bệnh dịch tả heo châu Phi. Theo đó, các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt chỉ đạo của UBND tỉnh để bảo đảm dịch bệnh trên GSGC không xảy ra trên địa bàn hoặc kịp thời phát hiện, xử lý triệt để, tránh lây lan diện rộng nếu nghi ngờ về dịch bệnh. Công tác trên cũng được tập trung thực hiện tại các CSGM trên địa bàn.

Thực hiện việc cắt khám thịt trước khi đóng dấu kiểm soát giết mổ (Ảnh chụp lúc 23 giờ 30 phút tại một cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Bến Lức)

Thực hiện việc cắt khám thịt trước khi đóng dấu kiểm soát giết mổ (Ảnh chụp lúc 23 giờ 30 phút tại một cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Bến Lức)

Buổi tối, khi các CSGM bắt đầu hoạt động, tùy vào quy mô hoạt động, mỗi cơ sở sẽ có từ 2 cán bộ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trở lên, phụ trách. Công việc này thường bắt đầu từ 19 giờ hôm trước đến 4 giờ ngày hôm sau. Trước đó, vào buổi chiều sẽ có 1 cán bộ đến kiểm tra, theo dõi việc nhập động vật vào lò giết mổ.

Chúng thôi theo chân anh Nguyễn Hữu Bình (cán bộ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản trực tại CSGM Nghĩa Hưng, huyện Bến Lức) để có dịp tìm hiểu thêm về hoạt động của lò mổ cũng như công việc thường ngày của những cán bộ trực tại đây. Khi chuyến xe chở heo về đến CSGM Nghĩa Hưng vào lúc hơn 19 giờ, các cán bộ trực tại đây nhanh chóng di chuyển đến xe, kiểm tra thủ tục hành chính (có đầy đủ, hợp lệ hay không), kiểm tra lâm sàng toàn bộ đàn heo (có dấu hiệu bị bệnh hay không, khỏe mạnh hay yếu, có triệu chứng bơm nước hay không,...). Nếu qua kiểm tra bước đầu bảo đảm thì mới được phép nhập vào lò mổ theo quy định. Sau đó, các anh cẩn thận ghi chép vào sổ theo dõi để kiểm tra, báo cáo.

Trong quá trình đưa heo vào giết mổ, đội ngũ cán bộ trực cũng theo dõi sát sao, yêu cầu vệ sinh sạch sẽ theo quy định. Sau khi heo được giết mổ xong, cán bộ thú y tiến hành cắt, khám thịt, đóng dấu kiểm soát giết mổ nếu bảo đảm yêu cầu và thực hiện các thủ tục liên quan đến việc xuất sản phẩm. Anh Bình chia sẻ: “Việc nhập heo vào lò mổ thực hiện đến 21 giờ, sau đó chúng tôi tiếp tục việc kiểm soát giết mổ, thường đến 4 giờ hôm sau. Đội ngũ cán bộ tại đây có 5 người. Tuy nhiên, gần đây do bệnh dịch tả heo châu Phi đang diễn ra, ngành thiếu cán bộ nên rút 1 người đi trực tại chốt kiểm dịch, vài ngày tới mới bổ sung đầy đủ. Anh em luôn tập trung thực hiện tốt công việc được giao. Chúng tôi kiểm tra đầy đủ tất cả theo quy định và không bỏ qua bất cứ khâu nào để bảo đảm sản phẩm đạt chất lượng, an toàn khi cung cấp ra thị trường”.

Đóng dấu kiểm soát giết mổ, xác nhận sản phẩm an toàn (Ảnh chụp lúc 1 sáng tại một cơ sở giết mổ trên địa bàn huyện Bến Lức)

“Cái khó là làm việc vào ban đêm, không đủ người, trong khi đó, số lượng heo nhập khá lớn, đòi hỏi anh em phải tăng cường trách nhiệm, kịp thời phát hiện, xử lý heo bị bệnh. Trong giai đoạn hiện nay, việc kiểm soát chặt chẽ các loại bệnh dịch, bảo đảm heo vào lò mổ đạt chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Anh em kiểm tra kỹ lưỡng và đề xuất cấp trên có biện pháp xử lý phù hợp, tuyệt đối không cho heo bệnh vào lò giết mổ” - anh Bình chia sẻ thêm.

Không  để gia súc, gia cầm bệnh vào lò mổ

Một ngày làm việc mới của anh Phạm Văn Thống (cán bộ kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ thuộc Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đang trực tại CSGM Lê Hữu Bình, huyện Tân Trụ) cũng giống như những anh em trực tại các CSGM khác, bắt đầu từ 19 giờ và kết thúc sớm nhất cũng tầm 4 giờ sáng ngày hôm sau.

Theo anh Thống, CSGM Lê Hữu Bình có 3 cán bộ trực. Từ 13 giờ 30 phút sẽ có 1 cán bộ vào kiểm tra, theo dõi, ghi chép việc nhập động vật vào lò mổ, nhưng công việc thật sự bắt đầu vào 19 giờ. Từ 19 đến 21 giờ là quãng thời gian cao điểm nhập động vật về lò mổ. Cán bộ trực thực hiện việc kiểm tra các thủ tục hành chính (bắt buộc phải có đầy đủ giấy tờ, giấy kiểm dịch, số xe, dây niêm phong theo quy định). Sau đó, kiểm tra lâm sàng các dấu hiệu động vật có bị bệnh hay không rồi mới cho vào khu lưu trữ (nhốt).

Kiểm tra mã vạch truy xuất nguồn gốc gia súc (Ảnh chụp tại Cơ sở giết mổ Lê Hữu Bình, huyện Tân Trụ)

Trước khi giết mổ, cán bộ yêu cầu các công nhân của lò mổ phải vệ sinh sạch sẽ GSGC. Trong quá trình giết mổ, anh em kiểm tra các bộ phận, nội tạng của động vật có gì khác thường hay không. Khi mổ xong, tiến hành việc cắt khám thịt, đóng dấu kiểm soát giết mổ và xác nhận sản phẩm an toàn. Cán bộ giám sát việc vận chuyển lên phương tiện (có tủ đông lạnh theo quy định) và cấp giấy kiểm dịch theo đúng số lượng vận chuyển, tiếp tục niêm phong phương tiện, sát trùng phương tiện để vận chuyển về nơi tiêu thụ. Cuối cùng, anh em vào sổ kiểm tra, theo dõi.

Anh Thống cho biết: “Khi GSGC nhập vào, chúng tôi quét mã truy xuất nguồn gốc để kiểm tra. Xuất sản phẩm đi, chủ cơ sở nhập số liệu như số xe, số lượng, địa chỉ để tiện cho việc truy xuất nguồn gốc. Ở đây, chúng tôi luôn yêu cầu chủ cơ sở, thương lái tuân thủ nghiêm các quy định, động vật phải bảo đảm nguồn gốc rõ ràng, không có dấu hiệu bị bệnh và có đầy đủ giấy tờ do cơ quan chức năng cấp. Tuyệt đối không cho GSGC bệnh vào lò mổ. Theo quy định, hơn 21 giờ, chúng tôi sẽ chốt sổ nhập động vật và chủ các cơ sở không tiếp nhận thêm GSGC vào lò mổ nữa. Anh em giám sát quá trình giết mổ, thực hiện tiếp các bước còn lại, khi nào giết mổ xong, chủ cơ sở cũng như công nhân tại đây làm vệ sinh sạch sẽ. Thông thường, chúng tôi cũng như những người làm việc ở lò mổ kết thúc công việc vào khoảng 4 giờ sáng hôm sau”.

“Đặc thù công việc là làm đêm, nhiều lúc cũng gặp trở ngại nhưng anh em tự động viên nhau, cùng làm tốt công việc của mình, không cho GSGC có dấu hiệu bị bệnh vào lò giết mổ, bảo đảm cung cấp ra thị trường sản phẩm động vật an toàn, chất lượng” - anh Thống cho biết thêm.

Dù vất vả, khó khăn, làm việc ngược với đồng hồ sinh học nhưng các cán bộ trực tại các CSGM cố gắng khắc phục, tập trung làm tốt công việc, kịp thời phát hiện, ngăn chặn GSGC có dấu hiệu bị bệnh vào lò giết mổ, bảo đảm cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.

Lực Nguyễn

Chia sẻ bài viết