Tiếng Việt | English

16/07/2019 - 09:08

Mùa hè vui tươi, ý nghĩa

Nhờ sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, hè này, trẻ em được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh gắn với các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Qua đó, trẻ có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần.

Thanh, thiếu niên tham gia các trò chơi vận động trong Khóa tu mùa hè

Nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống

Chùa Long Phước (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) tổ chức Khóa tu mùa hè lần 10 cho thanh, thiếu niên với chủ đề “Tuổi trẻ tình thương, trí tuệ”. Khóa tu mùa hè thu hút hơn 600 thanh, thiếu niên tham gia. Đến với khóa tu, thanh, thiếu niên được tham gia 3 nội dung: Tu, học và vui chơi. Điều đặc biệt, Khóa tu mùa hè hướng dẫn các em rất nhiều kỹ năng sống: Ứng xử trước lời dụ dỗ của kẻ xấu; phòng, chống xâm hại tình dục; cách chăm sóc bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, thanh, thiếu niên còn được tham gia các trò chơi dân gian như kéo co, đu dây, viết chữ đẹp, hóa trang,... 

Em Nguyễn Thành Tài, ngụ phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Đây là lần thứ 2 em tham gia Khóa tu mùa hè tại chùa Long Phước. Qua mỗi khóa tu, em học được nhiều điều bổ ích như tình yêu thương động vật, quý trọng sức lao động, đoàn kết giúp nhau khi hoạn nạn. Ngoài ra, em còn hiểu hơn về lợi ích và tác hại của mạng xã hội đối với giới trẻ, nhất là học được các kỹ năng sống
độc lập”.

Khóa tu mùa hè tại chùa Long Phước diễn ra từ ngày 05 đến 11/7/2019. Theo quy định, những thanh, thiếu niên tham gia khóa tu không được ra khỏi chùa, tự lo chuyện sinh hoạt cá nhân và không gặp người thân.

Đại đức Thích Lệ Trí - Trụ trì chùa Long Phước, chia sẻ: “Từ nhỏ, nhiều thanh, thiếu niên được gia đình chăm sóc, bảo bọc nên ỷ lại vào người lớn, thiếu kỹ năng sống, không cảm nhận được tình thương của những người xung quanh, có tâm lý nhận mà không biết cho đi. Xác định được điều này, Khóa tu mùa hè không chỉ là nơi vui chơi, giải trí mà còn chú trọng giáo dục tình yêu thương, sự sẻ chia và những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống cho thanh, thiếu niên”.

Hiện nay, trẻ em bị tai nạn đuối nước ngày càng nhiều, nhất là trong dịp hè. Nguyên nhân chủ yếu là trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng sơ cấp cứu, người lớn lơ là, không quan tâm đến trẻ. Chính vì thế, Đoàn Thanh niên các cấp mở các lớp dạy bơi cho trẻ và hướng dẫn các kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu khi gặp tai nạn đuối nước. Bí thư Đoàn xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc - Nguyễn Thành Lộc chia sẻ: “Địa bàn xã có nhiều kênh, rạch nhưng số trẻ em biết bơi rất ít. Để phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, địa phương tạo điều kiện cho các em học bơi ở các xã lân cận vì trên địa bàn không có hồ bơi. Đoàn Thanh niên xã còn tổ chức tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh khi gặp tai nạn đuối nước. Hoạt động này vừa trang bị kỹ năng cho trẻ, vừa nâng cao ý thức cho phụ huynh trong phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em”.

Trẻ em tham gia lớp vẽ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh

Dịp hè này, Nhà Thiếu nhi tỉnh mở các lớp kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội với gần 60 trẻ tham gia. Tại đây, các em chậm phát triển được thầy, cô giáo tạo điều kiện tham gia rất nhiều hoạt động vui chơi, giải trí gắn với rèn luyện kỹ năng xã hội, giao tiếp. Nhờ vậy, nhiều trẻ trở nên mạnh dạn hơn, biết nghe lời người lớn. Em N.T.T (ngụ TP.Tân An) gần 5 tuổi nhưng chậm nói chuyện, không tập trung, hay khóc khi người lớn không đáp ứng nhu cầu. Sau khi tham gia lớp kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội, T. trở nên ngoan ngoãn, lễ phép, nhất là phát âm rất tốt.

Trẻ em tham gia lớp vẽ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh

Đa dạng sân chơi cho trẻ

Không chỉ quan tâm mở các lớp kỹ năng giao tiếp và kỹ năng xã hội, Nhà Thiếu nhi tỉnh còn mở rất nhiều lớp năng khiếu dành cho trẻ em nhân dịp hè như võ, vẽ, ảo thuật,... Từ đó, mùa hè của nhiều em trở nên vui tươi và ý nghĩa. Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh - Lê Văn Hùng cho biết: “Hè là khoảng thời gian trẻ em được vui chơi, giải trí sau thời gian học tập căng thẳng. Để góp phần mang đến những sân chơi hè bổ ích, vui tươi cho trẻ, thời gian qua, Nhà Thiếu nhi tỉnh mở 46 lớp năng khiếu với 33 bộ môn. Thời gian các lớp rất linh hoạt, học phí phù hợp với nhiều đối tượng nhằm tạo điều kiện cho trẻ em tham gia”.

Trẻ em tham gia lớp võ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh

Phụ huynh em Võ Trần Phúc Anh, ngụ phường 2, TP.Tân An, bộc bạch: “Thấy Nhà Thiếu nhi tỉnh có mở lớp dạy võ với nhiều khung giờ khác nhau, phù hợp với điều kiện của gia đình nên tôi cho con đi học. Từ ngày học võ, tôi thấy con vui hẳn và sức khỏe ngày càng được cải thiện”.

Nếu trẻ em thành thị có nhiều điểm vui chơi thì trẻ em nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa rất “khát” sân chơi hè. Với sự khéo léo, sáng tạo, Đoàn Thanh niên các cấp “hô biến” những chiếc vỏ xe cũ thành đồ chơi hữu ích, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Đoàn xã Long Cang, huyện Cần Đước vận động xã hội hóa trên 100 chiếc vỏ xe cũ và gần 200 vỏ hộp sữa cũ, sắt vụn,... để chế tạo thành các con thú ngộ nghĩnh và những chiếc xích đu, các khóm hoa đầy màu sắc. Để làm ra những món đồ chơi khác nhau, đoàn viên thanh niên phải rất tỉ mỉ, cẩn thận và dành nhiều thời gian.

Đoàn viên thanh niên xã Long Cang “hô biến” những vỏ xe cũ thành khu vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ

Đoàn viên thanh niên xã Long Cang “hô biến” những vỏ xe cũ thành khu vui chơi, giải trí lành mạnh cho trẻ

Bí thư Đoàn xã Long Cang - Nguyễn Văn Chọn cho biết: “Việc tạo sân chơi cho trẻ em bằng các dụng cụ tái chế giảm được 2/3 kinh phí xây dựng các khu vui chơi tại địa phương. Hơn hết, việc tái chế, sử dụng các vỏ xe làm đồ chơi cho trẻ cũng đồng nghĩa giảm rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường, giáo dục tình yêu thiên nhiên cho trẻ em”. 

Đến Trường Mẫu giáo Long Cang, chúng ta sẽ thấy một khoảng không gian xanh, sạch, đẹp. Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh, ngụ xã Long Cang, nói: “Hè này, tôi vẫn gửi con ở Trường Mẫu giáo Long Cang để con vừa học, vừa vui chơi thỏa thích”.

Trẻ em vui chơi từ các dụng cụ tái chế

Hiện nay, Đoàn Thanh niên các cấp xây dựng rất nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em từ các vật dụng tái chế. Đây là sự nỗ lực đáng ghi nhận của đoàn viên thanh niên. Hy vọng, việc làm này tiếp tục được nhân rộng không chỉ tại các điểm trường mà ở các điểm sinh hoạt công cộng, từ đó tạo ra nhiều sân chơi hấp dẫn cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích