Tiếng Việt | English

02/11/2021 - 10:29

Muối I-ốt và các chế phẩm có I-ốt đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển trí tuệ và thể chất

I-ốt (Iodine) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển cơ thể con người, là vi chất dinh dưỡng quan trọng mà cơ thể cần được cung cấp hàng ngày để bảo vệ và nâng cao thể chất cũng như trí tuệ. Hưởng ứng Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt (02/11), phóng viên (PV) Báo Long An có cuộc phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - bác sĩ (BS) CKII Huỳnh Hữu Dũng về tầm quan trọng của I-ốt và cách phòng tránh các rối loạn do thiếu hụt I-ốt.

Việc bổ sung I-ốt bằng cách sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày là phương pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất

Việc bổ sung I-ốt bằng cách sử dụng muối I-ốt trong bữa ăn hàng ngày là phương pháp hiệu quả, tiết kiệm nhất

PV: Thưa BS, I-ốt có vai trò như thế nào đối với sức khỏe?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hormone điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương; phát triển hệ sinh dục cũng như các bộ phận trong cơ thể và duy trì năng lượng cho cơ thể hoạt động,... Các hormone này giúp điều chỉnh các chức năng của cơ thể để chúng luôn hoạt động ở mức tối ưu.

I-ốt là một vi chất cần thiết cho sự tổng hợp hormone tuyến giáp, phát triển xương, não bộ và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai; giúp tăng cường thể chất của trẻ em. I-ốt còn hỗ trợ chuyển hóa chất dinh dưỡng, năng lượng, điều phối oxy cho các tế bào, giúp cơ thể luôn khỏe mạnh. I-ốt còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.

Xác định tầm quan trọng của I-ốt đối với sức khỏe và sự phát triển trí tuệ, ngày 02-11 hàng năm được chọn là Ngày Toàn dân mua và sử dụng muối I-ốt. Tại Long An, những năm qua, công tác phòng ngừa các rối loạn do thiếu I-ốt luôn được chú trọng. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, duy trì thường xuyên các hoạt động theo dõi, giám sát chất lượng muối I-ốt cũng như hoạt động phòng, chống rối loạn do thiếu I-ốt nên tỉnh đạt những kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đạt trên 99%, hộ gia đình sử dụng muối I-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh là 94%, cao hơn kế hoạch đề ra (90%).

PV: BS cho biết, cơ thể thiếu hụt I-ốt sẽ gây ra những tác hại gì?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Việc thiếu hụt I-ốt xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ em. Phụ nữ mang thai không được cung cấp đủ I-ốt sẽ làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa, dễ gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non. Trẻ sinh ra có nguy cơ bị suy tuyến giáp bẩm sinh; chậm phát triển trí tuệ; hạn chế phát triển chiều cao, cân nặng và dễ bị suy dinh dưỡng; thiếu I-ốt nặng trong giai đoạn mang thai thì trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Ngoài ra, nếu không bổ sung đủ lượng I-ốt cần thiết hay thiếu hụt I-ốt khiến cơ thể không thể sản sinh đủ hormone tuyến giáp và dẫn đến tuyến giáp phình to (bướu cổ), thường xuyên mệt mỏi, giảm tư duy sáng tạo, năng suất lao động. Với trẻ em, thiếu hụt I-ốt sẽ gây khó khăn trong học tập, khả năng tiếp thu hay trí não chậm phát triển (còn gọi là thiểu năng trí tuệ do thiếu I-ốt).

PV: BS cho biết cách phòng ngừa nguy cơ do thiếu hụt I-ốt?

BS CKII Huỳnh Hữu Dũng: Cơ thể không tự tổng hợp được I-ốt mà phải được cung cấp từ bên ngoài qua nguồn thực phẩm. Tuy nhiên, I-ốt lại dễ hao hụt trong quá trình chế biến thức ăn, bảo quản thực phẩm. Để phòng tránh các rối loạn do thiếu hụt I-ốt, cách thức đơn giản mà mỗi gia đình cần ghi nhớ là sử dụng muối I-ốt hàng ngày khi chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, mỗi người chú ý nên ăn dưới 6g muối I-ốt trong 1 ngày (ít hơn 1 muỗng cà phê muối) để đề phòng các bệnh tim mạch.

Muối I-ốt cũng là muối thường nhưng được trộn thêm chất I-ốt với một lượng nhất định. Khi chế biến thức ăn, có thể cho muối I-ốt vào trước, trong hay sau khi nấu đều được. Điều cần lưu ý là cách bảo quản muối I-ốt cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng rất nhiều. Do đó, lọ đựng muối I-ốt cần được đậy nắp kín, tránh ẩm ướt và để xa hơi nóng của bếp lửa hay ánh sáng mặt trời. Ngoài ra, nên mua lượng muối I-ốt vừa đủ dùng, không tích trữ quá nhiều và sử dụng trong thời gian dài.

Đặc biệt, trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng, phụ nữ có thai cần bổ sung đầy đủ thực phẩm có chứa I-ốt như các loại hải sản (tôm, cua, cá biển, nghêu, sò, ốc,...), rau có màu xanh đậm (rau dền, mồng tơi, rau đay, rau cải,…), rong biển, sữa chua, thịt, trứng,...

I-ốt là vi chất dinh dưỡng thiết yếu đối với cơ thể, nếu nhận thấy một số triệu chứng giống biểu hiện thiếu hụt I-ốt như phần trước của cổ sưng lên do tuyến giáp phát triển lớn, tăng cân, mệt mỏi, da khô, dễ bị lạnh, kinh nguyệt không đều,... người dân nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe, kịp thời bổ sung vi chất dinh dưỡng theo sự hướng dẫn chuyên môn từ BS.

PV: Xin cảm ơn BS!

Phạm Ngân (thực hiện)

Chia sẻ bài viết