Học viên được thực hành ngay sau khi học lý thuyết
Đầu tư nghề trọng điểm
Để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế, ngành Lao động - thương binh và xã hội tỉnh tham mưu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo, Chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”.
Qua thời gian triển khai thực hiện, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phát triển cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học nghề. Toàn tỉnh hiện có 26 cơ sở GDNN (13 cơ sở công lập, chiếm 50%; 13 cơ sở ngoài công lập, chiếm 50%), trong đó có 3 trường cao đẳng, 9 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 8 cơ sở khác, doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các cơ sở GDNN còn được quan tâm đầu tư các nghề trọng điểm. Nhờ vậy, học sinh (HS), sinh viên (SV) được học tập và thực hành trong điều kiện thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Trường Cao đẳng Nghề Long An được đầu tư 5 nghề trọng điểm: Điện công nghiệp, lắp đặt thiết bị cơ khí (cấp độ quốc tế); cơ điện tử, hàn (cấp độ ASEAN); kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí (cấp quốc gia). Theo đó, HS, SV được thực hành với trang thiết bị, máy móc hiện đại, góp phần nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Phan Tấn Tới - SV lớp Điện công nghiệp, Trường Cao đẳng Nghề Long An, chia sẻ: “Nhờ được tiếp cận trang thiết bị, máy móc hiện đại nên em nắm bắt nhanh những kiến thức thực tế và kỹ năng thực hành. Hiện em đi làm thêm những công việc liên quan đến điện để vừa có thêm thu nhập, vừa rèn luyện và nâng cao tay nghề cho bản thân”.
Ngoài ra, chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) cũng được quan tâm. Nhiều GV đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó, trình độ sau đại học có 82 GV. Chương trình đào tạo luôn được bổ sung, cập nhật, đổi mới về nội dung phù hợp với tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Chú trọng thực hành
Tham gia học nghề, HS, SV được chú trọng thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp để cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề, tiếp cận trang thiết bị, máy móc hiện đại.
Tại Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa (huyện Đức Hòa), sau khi học lý thuyết, HS tham gia thực hành ngay. GV theo sát và hướng dẫn từng HS. Phó Trưởng khoa Điện, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa - Trần Thanh Tân cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, GV thay đổi phương pháp dạy. Theo đó, lý thuyết dạy ngắn gọn, nhấn vào trọng tâm và tăng thời gian thực hành. Trong giờ thực hành, GV làm trước, hướng dẫn kỹ từng bước; sau đó cho HS làm nhóm, làm cá nhân, bảo đảm sau giờ học, em nào cũng có thể tự thực hành”.
Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa còn có quan hệ với hơn 50 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, góp phần thuận lợi cho HS tham gia thực tập tại các doanh nghiệp. Từ đó, HS có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng thực hành vào môi trường làm việc thực tế, góp phần rèn luyện và nâng cao tay nghề.
Lương Quang Quốc Bảo - HS lớp Điện công nghiệp, Trường Trung cấp Nghề Đức Hòa, bộc bạch: “Nhờ trường tạo điều kiện cho thực tập tại doanh nghiệp, em được cọ xát thực tế nên nâng cao tay nghề và học hỏi rất nhiều điều. Đó là cách vận hành máy móc hiện đại, tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, em còn được doanh nghiệp hỗ trợ tiền trong thời gian thực hành, góp phần trang trải cuộc sống”.
Học sinh tăng cường thực hành nhằm rèn luyện tay nghề
Hiện nay, các cơ sở GDNN còn đa dạng hình thức đào tạo. Không chỉ đào tạo chính quy tại đơn vị, các cơ sở GDNN còn đào tạo nghề theo yêu cầu doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, đào tạo lưu động tại doanh nghiệp, đồng ruộng, trung tâm học tập cộng đồng,... đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, từng bước gắn dạy nghề với tạo việc làm, chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập của tỉnh. Từ năm 2016 đến tháng 6-2018, toàn tỉnh tuyển sinh đào tạo 51.355 người, trong đó: 965 cao đẳng, 4.321 trung cấp, 9.635 sơ cấp, 24.511 đào tạo nghề thường xuyên dưới 3 tháng và 11.847 lao động nông thôn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo từng bước được điều chỉnh theo cơ cấu ngành nghề gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đặc biệt là nhu cầu thị trường lao động.
Nhờ sự quan tâm, chú trọng trong đào tạo nghề, chất lượng đào tạo nghề ngày càng tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và góp phần quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh./.
Hướng tới, để nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hội nhập quốc tế, ngành Lao động - thương binh và xã hội đẩy mạnh xã hội hóa khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tập trung đầu tư để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, trong đó tập trung đầu tư Trường Cao đẳng Nghề Long An thành trường chất lượng cao; đầu tư các nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế; đầu tư các nghề phục vụ phát triển KT-XH của địa phương để tăng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Bên cạnh đó, ngành quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý để thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp theo quy định; xây dựng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất; nội dung chương trình bảo đảm liên thông giữa các cấp trình độ trong giáo dục nghề nghiệp nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, người lao động không ngừng học tập nâng cao trình độ, có khả năng tiếp tục chuyển từ lao động tay nghề thấp lên trình độ cao. Ngoài ra, ngành đưa vào chương trình đào tạo nghề nội dung về quan hệ lao động, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, pháp luật lao động, kiến thức về ứng xử văn hóa nơi làm việc để đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên; thường xuyên rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung chương trình, giáo trình đào tạo sát với nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo;... |
Ngọc Thạch