Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - hướng đi tất yếu
Cần Giuộc có trên 1.800ha rau màu, trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 130.000 tấn rau màu các loại, trong đó có 502ha rau ƯDCNC (vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết Huyện ủy).
Theo ông Trần Tiết Giao, ngụ ấp Long Giêng, xã Phước Hậu, ƯDCNC là hướng đi đúng đắn, tất yếu trong sản xuất nông nghiệp nhưng thực tế, nông dân còn e ngại do chi phí đầu tư nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm,... khá cao. Nếu mạnh dạn đầu tư thì giảm chi phí sản xuất, chất lượng rau màu tăng. Gia đình ông trồng hơn 4.000m2 rau trong nhà lưới, so với cách trồng truyền thống, giảm được 70% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, 40% chi phí phân bón, chi phí nhân công giảm còn 1/3, giá thành lại cao hơn 1.000-2.000 đồng/kg so với rau trồng theo cách truyền thống.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được đầu tư nhân rộng trên địa bàn huyện Cần Giuộc
Theo thống kê, hiện trên địa bàn các xã nằm trong vùng sản xuất rau ƯDCNC đều có các doanh nghiệp đến đầu tư như Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Long An đầu tư tại xã Long An với quy mô trên 5ha, Công ty TNHH Unifarm, HTX Công nghệ cao Trần Gia Farm, HTX Tam Nông Việt, xã Mỹ Lộc,... Chủ tịch UBND xã Long An - Đặng Minh Giao cho biết: “Nhiều doanh nghiệp ngoài tỉnh đang đẩy mạnh việc đầu tư tại địa phương. Những mô hình sản xuất nông nghiệp ƯDCNC góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như hỗ trợ nông dân trong việc xây dựng mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản”.
Tạo liên kết trong sản xuất
Việc thành lập các THT, HTX trở thành xu thế tất yếu ở các địa phương. Đến nay, Cần Giuộc thành lập được 22 THT, 17 HTX sản xuất rau và nuôi tôm, trong đó có 5 HTX được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, 2 HTX được cấp chứng nhận sản xuất rau theo chuỗi an toàn thực phẩm, các THT, HTX còn lại đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn, việc xây dựng, thành lập các THT, HTX là hướng đi tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Qua khảo sát cho thấy, nơi nào có THT, HTX thì nơi đó, nông dân được tập huấn kỹ thuật, chuyển giao khoa học - công nghệ một cách bài bản, liên kết sản xuất cũng như xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất giữa nông dân đến thị trường được bảo đảm tốt hơn, giá thành sản phẩm ổn định, nông dân không còn chịu cảnh “tự bơi” với thị trường như trước. Bên cạnh đó, thông qua hình thức THT, HTX, người tiêu dùng cảm thấy yên tâm hơn khi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng như đáp ứng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu hiện nay và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong các THT và HTX trên địa bàn huyện hiện nay thì chỉ có 2 THT và 9 HTX hoạt động thường xuyên, tương đối hiệu quả, trung bình các THT, HTX này thu mua từ 1,5-2 tấn rau/ngày. Riêng HTX Phước Thịnh, xã Phước Hậu, hợp đồng thu mua từ 6-8 tấn rau/ngày. Còn các THT, HTX khác hiện chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực chuyển giao khoa học - công nghệ.
Hợp tác xã Phước Thịnh mỗi ngày cung cấp cho thị trường từ 6-8 tấn rau
Theo ông Đồng Quang Đôn, cái khó lớn nhất đối với các THT, HTX hiện nay chính là việc chưa xây dựng được kế hoạch sản xuất đến từng xã viên. Hầu hết việc thu mua rau hiện nay của các THT, HTX mới chỉ dựa trên nhu cầu ngắn hạn của thị trường, chưa ký kết được những hợp đồng cung ứng dài hạn. Chính vì vậy, để các THT, HTX hoạt động hiệu quả trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC huyện Cần Giuộc đang tiến hành củng cố lại tất cả THT, HTX trên địa bàn huyện, trong đó tập trung xây dựng sản xuất theo quy trình VietGAP và vận động các THT, HTX thành lập các cửa hàng vật tư nông nghiệp để chủ động cung cấp đầu vào cho nông dân, dần xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa THT, HTX với nông dân. Đối với các HTX hoạt động hiệu quả, ngành nông nghiệp cũng vận động mở một số cửa hàng bán sản phẩm rau an toàn cung cấp cho thị trường tại chỗ cũng như giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và các đối tác.
Hơn 2 năm qua, UBND huyện Cần Giuộc phối hợp Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức được 3 đợt gặp gỡ, giao lưu giữa các THT, HTX sản xuất rau trên địa bàn huyện với một số siêu thị tại TP.HCM để xúc tiến thương mại. Đặc biệt, các THT, HTX của huyện Cần Giuộc thành công trong việc ký được 11 hợp đồng trong tổng số 20 hợp đồng được ký kết tại Hội thảo Kết nối giao thương tiêu thụ hàng hóa chủ lực của tỉnh Long An và Hội nghị Tiếp xúc giữa các doanh nghiệp, HTX, THT và nông dân trong vùng sản xuất rau ƯDCNC của tỉnh.
Theo Bí thư Huyện ủy Cần Giuộc - Nguyễn Văn Thiệp, qua hơn 2 năm thực hiện sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trong sản xuất rau và nuôi tôm nước lợ, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân, làm thay đổi tập quán canh tác truyền thống trước đây. Đặc biệt, người dân có ý thức trong việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, đầu tư nhà màng, nhà lưới vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, được thị trường chấp nhận./.
Kiên Định