Tiếng Việt | English

07/05/2016 - 05:41

Nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dệt may nhờ sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng.

Ngày 6/5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức hội thảo “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ
Sở hữu trí tuệ là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. Tuy nhiên, việc sử dụng, khai thác và định giá tài sản này ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chưa thực sự nhận thức rõ vai trò của sở hữu trí tuệ, khi trong số gần 50 công ty thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, hiện có đến 19 công ty chưa đăng ký nhãn hiệu và không có bất cứ đăng ký bảo hộ nào về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan nhà nước cũng chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa loại sản phẩm này. Do đó, chưa đưa sở hữu trí tuệ trở thành một ngành kinh tế, có đóng góp giá trị cao cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), muốn nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững và mở rộng thị trường, thì một trong những công cụ quan trọng là sở hữu trí tuệ. Việc quản lý tốt chiến lược sở hữu trí tuệ sẽ giúp giảm đến mức tối thiểu rủi ro, xây dựng mối quan hệ kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Ông Lê Ngọc Lâm cho biết: “Dệt may cũng như các sản phẩm hàng hóa khác đều có thể bị làm giả, làm nhái ở trong nước và quốc tế. Vì vậy, sở hữu trí tuệ là công cụ hữu dụng để bảo vệ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả ở trong nước và nước ngoài vì quyền sở hữu trí tuệ chỉ có giá trị trong phạm vi lãnh thổ. Khi đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ tại các nước sở tại, nếu sản phẩm của doanh nghiệp bị xâm phạm, lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hệ thống luật pháp của nước đó bảo vệ”./. 

Vân Anh/VOV-Trung tâm Tin

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích