Tiếng Việt | English

09/05/2025 - 11:18

Nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên

Với sự nhạy bén công nghệ và nhiệt huyết cống hiến vì cộng đồng, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong hướng dẫn người dân trong quá trình chuyển đổi số (CĐS). Hiểu được tầm quan trọng này, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Long An tích cực triển khai các chương trình nâng cao năng lực số toàn diện cho ĐVTN. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực số cho đội ngũ ĐVTN, tạo động lực thúc đẩy địa phương phát triển trong kỷ nguyên số.

1. Đoàn xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc là một trong những đơn vị năng động, sáng tạo, triển khai hiệu quả nhiều mô hình tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng công nghệ số, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số ở địa phương.

Đoàn xã chủ động triển khai các hoạt động đa dạng,  tập trung vào nâng cao năng lực số toàn diện cho ĐVTN. Từ các buổi chia sẻ kiến thức cơ bản về sử dụng máy tính, Internet an toàn đến các khóa đào tạo về thiết kế đồ họa, marketing trực tuyến,... đều được tổ chức bài bản, tạo điều kiện để ĐVTN tiếp cận và làm chủ công nghệ.

Đoàn viên xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc hỗ trợ nông dân quảng bá nông sản trên các sàn thương mại điện tử

Theo Bí thư Đoàn xã Phước Lâm - Nguyễn Anh Vũ, bên cạnh các lớp tập huấn trực tiếp, Đoàn xã còn chú trọng xây dựng các kênh học tập trực tuyến, mở ra cơ hội tự học, tự nâng cao kỹ năng số mọi lúc, mọi nơi cho ĐVTN. Ngoài ra, Đoàn xã thường xuyên tổ chức các cuộc thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức lịch sử, sáng tạo nội dung số, thiết kế đồ họa,... nhằm khơi dậy tinh thần học hỏi và ứng dụng công nghệ trong ĐV. Nhờ vậy, ĐVTN không ngừng trau dồi kiến thức, kỹ năng số, thúc đẩy tư duy sáng tạo.

Vận dụng linh hoạt kiến thức và kỹ năng số được trang bị, Đoàn xã Phước Lâm tích cực hỗ trợ nông dân quảng bá nông sản trên các sàn thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trong nông nghiệp tại địa phương.

Anh Nguyễn Hoàng Ngọc An (ấp Phước Hưng 1, xã Phước Lâm) chia sẻ: “Tôi trồng nấm bào ngư, trước đây chủ yếu tiêu thụ qua chợ đầu mối và một vài nhà hàng quen trong vùng. Tôi cũng thường xuyên mua hàng hóa trên sàn thương mại điện tử nên cũng muốn thử đưa nông sản do mình làm ra lên mạng xã hội để bán. Sau đó, được Đoàn xã Phước Lâm hỗ trợ, tạo cho tôi tài khoản Facebook và tài khoản sàn thương mại điện tử Shopee tên là Nấm bào ngư xám Ngọc An. Từ khi có kênh online, khách hàng ở các tỉnh khác cũng biết đến, tôi có thêm nguồn khách hàng và tăng thu nhập”.

2. Nhận thức rõ vai trò then chốt của công nghệ trong bối cảnh hiện nay, Thành Đoàn Tân An thường xuyên triển khai các hoạt động nâng cao năng lực số cho ĐVTN. Nội dung các buổi tập huấn tập trung vào ứng dụng chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, trang bị các kỹ năng, nghiệp vụ số cần thiết, các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cộng đồng tiếp cận, sử dụng ứng dụng số, đăng ký tài khoản dịch vụ công trực tuyến,...

Thành Đoàn Tân An tổ chức tập huấn nâng cao năng lực số cho đoàn viên, thanh niên

Bên cạnh bồi dưỡng kiến thức, Thành Đoàn còn tạo điều kiện để ĐVTN vận dụng linh hoạt những kỹ năng số được trang bị vào thực tiễn thông qua các đợt ra quân tuyên truyền, trực tiếp hỗ trợ người dân tiếp cận và sử dụng các ứng dụng số như VNeID, Long An Số, dịch vụ công trực tuyến. Hoạt động này góp phần thiết thực vào mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Liên (phường 1, TP.Tân An) cho biết: “Trước đây, tôi không biết đến ứng dụng Long An Số. Nhờ ĐVTN hướng dẫn tận tình, tôi đã cài đặt và thấy rất tiện lợi. Ứng dụng này tích hợp cả Báo Long An (nay là Báo và Đài Phát thanh Truyền hình Long An) giúp tôi dễ dàng đọc tin tức. Đặc biệt, tôi rất thích mục Phản ánh kiến nghị. Nhiều khi có ý kiến muốn góp ý mà không biết gửi đi đâu, nhờ ĐVTN hướng dẫn nên tôi đã biết cách sử dụng”.

Để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả phổ cập kỹ năng số trong cộng đồng, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chỉ đạo các cơ sở Đoàn tích cực ứng dụng các nền tảng công nghệ, mạng xã hội để thu hút, quản lý và điều phối nguồn lực cho các hoạt động tình nguyện. Nhờ đó, nhiều công trình, phần việc ý nghĩa, thiết thực được triển khai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, đơn vị; đồng thời, nhận được sự đánh giá cao từ cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân.

Việc ứng dụng chuyển đổi số trong thu hút, quản lý và điều phối nguồn lực cho các hoạt động tình nguyện mang lại sự đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động một cách rõ rệt.

Năm 2024, Tỉnh Đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh thu hút 421 đội hình, câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm TN tình nguyện với gần 15.000 lượt tình nguyện viên tham gia, hỗ trợ 698 hoạt động thiết thực, ý nghĩa từ cấp tỉnh đến cơ sở.

“Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp các ngành chức năng để tổ chức các chương trình tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ Đoàn nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng toàn diện về chuyển đổi số để hướng dẫn người dân một cách tận tình, hiệu quả. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn sẽ chỉ đạo sát sao các cơ sở Đoàn địa phương tăng cường hoạt động tình nguyện để ĐVTN trực tiếp đến vùng sâu, vùng xa hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến” - Bí thư Tỉnh Đoàn  - Trần Hải Phú thông tin./.

Thiên Ngọc

Chia sẻ bài viết