Người chăn nuôi luôn chủ động phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi
Người chăn nuôi lo lắng
Trước thông tin DTHCP xảy ra ở các tỉnh phía Nam, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vô cùng lo lắng. Anh Võ Thanh Hải (chủ trang trại chăn nuôi heo tại xã Bình Quới, huyện Châu Thành) chia sẻ: “Dù trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện DTHCP nhưng người chăn nuôi không khỏi lo lắng. Cách đây vài tuần, trước khi bệnh DTHCP bùng phát trở lại, giá heo hơi 50.000 đồng/kg. Sau khi DTHCP xảy ra tại các tỉnh phía Nam, giá heo hơi bắt đầu giảm, mỗi ngày giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg, đến nay còn có 35.000 đồng/kg mà thương lái cũng mua ít lắm”.
Theo anh Hải, các trang trại chăn nuôi tư nhân như gia đình anh chịu ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất từ khi DTHCP bùng phát bởi các trang trại tư nhân thường phải tự đầu tư chuồng trại, nguồn thức ăn và đầu ra cho đàn heo. Do đó, nếu có xảy ra dịch bệnh hoặc giá cả xuống thấp thì người nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì toàn bộ tiền đã đầu tư cho đàn heo.
Ông Lê Văn Lắm (xã An Thạnh, huyện Bến Lức) than thở: “Người tiêu dùng không hiểu hết bản chất của dịch tả nên chỉ cần nghe có dịch bùng phát thì kêu gọi nhau tẩy chay thịt heo. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến việc chăn nuôi. Người chăn nuôi phải tự chịu những rủi ro có thể xảy ra, thậm chí là mất sạch vốn đã đầu tư”. Hiện nay, để phòng, chống DTHCP, ông Lắm hạn chế người ra, vào chuồng trại của mình và thực hiện việc sát trùng nhiều hơn. Đó là cách để ông có thể bảo vệ tài sản của mình trước khi tình hình dịch bệnh yên ắng và thị trường tiêu thụ ổn định trở lại.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bến Lức - Lê Văn Thuận thông tin: “Toàn huyện có khoảng 9.000 con heo, phần lớn các hộ dân đều chăn nuôi nhỏ, lẻ và có 3 lò giết mổ. Hơn 2 tháng nay, có khoảng 115.000 con heo từ tỉnh khác nhập vào các lò giết mổ này nên nguy cơ xảy ra DTHCP trên địa bàn rất cao. Trước tình hình DTHCP diễn biến phức tạp, huyện tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống dịch và cách xử lý nếu có dịch bệnh xảy ra; tăng cường kiểm soát các lò giết mổ, quản lý chặt chẽ các chốt kiểm dịch, không để heo nhập vào địa bàn không rõ nguồn gốc”.
Nâng cao ý thức trách nhiệm
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh cho biết: “Trước tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp, tỉnh đã thiết lập các chốt chặn với lực lượng liên ngành kiểm soát chặt việc vận chuyển heo vào địa bàn để mua bán, giết mổ và thực hiện phun xịt tiêu độc tất cả phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhập vào địa phương. Tại các huyện, thị xã giáp biên giới, tổ chức kiểm soát triệt để việc xuất, nhập lậu động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; thành lập các tổ kiểm soát liên ngành tăng cường kiểm tra; trọng tâm là cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ, lối mở, các tụ điểm, chợ thuộc các huyện, thị xã có đường biên giới; xử lý triệt để tình trạng xuất, nhập lậu và gắn trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nếu để xảy ra tình trạng nhập lậu động vật, sản phẩm động vật làm lây lan dịch bệnh.
Đối với các hộ chăn nuôi, vận động thực hiện tốt việc tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, áp dụng biện pháp nuôi cách ly, theo dõi lâm sàng các đàn gia súc, tăng cường chăm sóc, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Khi phát hiện có heo mắc bệnh chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật nghi mắc bệnh truyền nhiễm, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, nhân viên chăn nuôi và thú y xã, phường hoặc cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp xử lý. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện phòng, chống dịch bệnh, không khai báo dịch, bán chạy heo bệnh,...
Các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc
Đồng thời, sở yêu cầu Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản khẩn trương triển khai thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với bệnh DTHCP năm 2019 trên địa bàn tỉnh; xây dựng kịch bản giả định và các biện pháp xử lý tình huống khi có bệnh DTHCP xảy ra với nhiều cấp độ, quy mô, phạm vi khác nhau; chuẩn bị dụng cụ thu và bảo quản mẫu để chủ động lấy mẫu xét nghiệm khi phát hiện trường hợp nghi heo bị DTHCP; cung ứng kịp thời hóa chất tiêu độc, khử trùng cho các huyện, thị xã, thành phố để phát động triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; tăng cường kiểm tra, thường xuyên giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn heo tại địa phương; phối hợp các ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm từ heo và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; kiên quyết xử lý đối với những trường hợp nhập lậu heo qua tuyến biên giới và vận chuyển heo không rõ nguồn gốc”./.
Huỳnh Phong