Anh Nguyễn Văn Hoài tăng thu nhập nhờ chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng mít
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Nguyễn Văn Luôn cho biết: “Tổng diện tích đất nông nghiệp của xã trên 1.194ha. Hiện nay, xã có hơn 316ha trồng cây ăn trái, trong đó mít trên 227ha, chanh gần 10ha, sầu riêng trên 10ha, vú sữa hoàng kim 1ha; cá thương phẩm, ếch trên 26ha; ươm cá tra bột trên 50ha. Đa số diện tích cây ăn trái, nuôi cá thương phẩm và ếch đều cho lợi nhuận gấp 2-3 lần so với trồng lúa. Điều này đã giúp kinh tế nông nghiệp địa phương phát triển, tạo hướng đi mới cho người dân”.
Với 6.000m2 đất trồng lúa cho năng suất thấp, bình quân mỗi năm, anh Nguyễn Văn Hoài (ấp Bằng Lăng) chỉ thu được lợi nhuận tối đa 10 triệu đồng. Số tiền này không đủ để anh trang trải chi phí sinh hoạt trong gia đình. Trong khi đó, nhiều người dân xung quanh tận dụng đất vườn tạp chưa được 1.000m2 để trồng mít nhưng lại cho lợi nhuận gấp 2-3 lần so với diện tích trồng lúa của gia đình anh. Thấy vậy, anh Hoài quyết định cải tạo đất trồng lúa sang trồng mít và chỉ sau 18 tháng, mít bắt đầu cho trái và thu hoạch, bình quân mỗi tuần, sau khi trừ chi phí, anh có lãi cả chục triệu đồng.
Anh Hoài bộc bạch: “Ban đầu, thấy người dân chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng mít tôi cũng sợ “cung vượt cầu” dẫn đến thua lỗ nặng nên cứ băn khoăn mãi không dám lên vườn trồng mít. Thế nhưng, thấy giá mít loại 1 bán thấp nhất cũng 12.000 đồng/kg, với giá này vẫn có lợi nhuận nhiều hơn so với trồng lúa nên tôi quyết định cải tạo đất trong lúa sang trồng mít. Từ khi chuyển sang trồng mít, thu nhập của gia đình tôi tốt hơn, không còn chịu cảnh thiếu trước, hụt sau”.
Gia đình ông Trần Văn Tám có thu nhập ổn định từ khi chuyển sang nuôi ếch kết hợp nuôi cá
Cách đây 4 năm, gia đình ông Trần Văn Tám (ấp Kênh Bích) chuyển một phần đất trồng lúa cho năng suất thấp sang nuôi ếch kết hợp nuôi cá thương phẩm. Hơn 1.000m2 mặt nước với 6 vèo nuôi, sau hơn 2 tháng, gia đình ông xuất bán. Tùy theo giá cả từng thời điểm nhưng từ khi chuyển sang nuôi ếch, gia đình ông có thu nhập ổn định, chất lượng cuộc sống không ngừng nâng lên.
Ông Tám bộc bạch: “Thời gian đầu, tôi không có kinh nghiệm nên ếch và cá bị thất thoát nhiều. Dần về sau, tôi có kinh nghiệm và kỹ thuật nên không bị thất thoát, thời gian thu hoạch cũng nhanh, ếch đạt trọng lượng, bán được giá, lợi nhuận cao. Ngoài ra, để tận dụng thức ăn thừa và tăng lợi nhuận, gia đình tôi còn kết hợp trên nuôi ếch, dưới nuôi cá tra. Cuối vụ thu hoạch, nếu giá ếch thấp thì sản phẩm nuôi kết hợp này đem lại nguồn thu nhập đáng kể, giúp giảm rủi ro. Nhờ lợi nhuận khá từ việc nuôi ếch nên diện tích nuôi ếch ở xã Tân Ninh không ngừng tăng lên”.
Dám nghĩ, dám làm, năng động trong phát triển kinh tế đã giúp nhiều nông dân xã Tân Ninh trở thành nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nhất là góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Ninh - Nguyễn Văn Luôn cho biết thêm: “Với mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giảm diện tích trồng lúa; hạn chế đến mức thấp nhất sản xuất lúa 3 vụ, tăng các ngành hàng có lợi thế và tính cạnh tranh cao như trồng cây ăn trái, rau thực phẩm và nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, nông dân xã Tân Ninh mạnh dạn chuyển đổi và mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp địa phương. Và đây cũng là một trong những biện pháp giúp địa phương thích ứng với tình hình hạn, xâm nhập mặn diễn biến ngày càng phức tạp”./.
Lê Ngọc