Tiếng Việt | English

15/03/2024 - 21:12

Nắng nóng kéo dài, độ mặn trên các sông tăng cao  

Theo thông báo tình hình chất lượng nước, xâm nhập mặn tại các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Long An ngày 14 và 15/3 của Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh, độ mặn trên các tuyến sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Tây tiếp tục tăng từ 0,1 - 2,7 gram/lít (g/l), riêng độ mặn trên sông Vàm Cỏ Đông, Sông Tra giảm từ 0,2 - 1,9 g/l so với thông báo tình hình chất lượng nước ngày 10 và 12-3, dao động ở mức từ 0,4 - 18,7 g/l.

Độ mặn trên các sông tăng cao 

Cụ thế, trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 1,0 g/l vượt qua cầu Xáng Lớn, huyện Bến Lức (1,4 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 76km; độ mặn 4,0 g/l đến cầu Bến Lức, huyện Bến Lức (4,0 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 58km. Trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 1,0 g/l đến cống Bà Hai Màng, huyện Thạnh Hóa (1,0 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 87km; độ mặn 4,0 g/l vượt qua bến đò Chú Tiết, TP. Tân An (4,5 g/l), cách cửa sông Soài Rạp khoảng 70km.

Theo bản tin dự báo xâm nhập mặn từ ngày 14 đến 21/3 của Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Long An, thủy triều vùng hạ lưu trên các sông xuống theo triều đến cuối tuần. Đỉnh triều cao nhất xuất hiện vào những ngày cuối tuần. Độ mặn lớn nhất tại hầu hết các trạm trong tuần tới có khả năng xuất hiện vào đầu tuần ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm.

Cụ thể, tại trạm Cầu Nổi (sông Vàm Cỏ) độ mặn cao nhất khoảng 18,1 g/l; trạm Bến Lức (sông Vàm Cỏ Đông) độ mặn cao nhất khoảng 5,5 g/l; trạm Tân An (sông Vàm Cỏ Tây) độ mặn cao nhất khoảng 4,3 g/l.

Cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra độ mặn trong và ngoài các cống ngăn mặn

Để chủ động phòng ngừa và có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả với tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2023- 2024, nhất là trong thời kỳ cao điểm xâm nhập mặn kết hợp nắng nóng gay gắt, đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2023-2024 và dân sinh an toàn, hạn chế tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng tương tự như mùa khô 2019-2020 và 2015-2016 trong hệ thống công trình thủy lợi, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh đề nghị Trung tâm Quản lý Khai thác công trình Thủy lợi phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện phía Nam và TP. Tân An thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến độ mặn; xây dựng kế hoạch vận hành các cống đầu mối hợp lý, kiểm tra và có kế hoạch xử lý triệt để các cửa cống bị rò rỉ để phủ bạt, thay thế các ron cửa cống bị hư hỏng để tránh tình trạng nước mặn xâm nhập vào bên trong nội đồng nhằm đảm bảo nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Đồng thời, đề nghị UBND các huyện phía Nam và TP. Tân An chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương thường xuyên theo dõi chặt chẽ, tổ chức kiểm tra, đo đạc tình hình chất lượng nước, độ mặn trên các tuyến kênh, rạch cắt ngang chưa có hệ thống cống điều tiết ngăn mặn; kết hợp với  theo dõi, cập nhật tình hình chất lượng nước để kịp thời thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến người dân trên các đài truyền thanh huyện, xã về tình hình chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông và trong nội đồng.

Ngoài ra, tăng cường khuyến cáo người dân không lấy nước ở các khu vực đã bị nhiễm mặn; tranh thủ lấy nước, tích trữ nước vào ao, đồng ruộng, các trang thiết bị có thể trữ nước (bồn chứa, túi chứa nước,…) khi nguồn nước còn dồi dào và nước mặn chưa xâm nhập vào các kênh, rạch nội đồng; sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và làm ô nhiễm nguồn nước nhằm đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất và sinh hoạt an toàn./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết