Tiếng Việt | English

04/03/2024 - 10:17

Chủ động ứng phó với cao điểm hạn, mặn

Hiện nay, tỉnh bước vào cao điểm mùa hạn, mặn năm 2023-2024. Độ mặn đã xâm nhập sâu vào nội đồng, cách cửa sông Soài Rạp hơn 70km, cao hơn so cùng kỳ năm 2023 và trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai các giải pháp ứng phó, đến nay, hạn, xâm nhập mặn vẫn chưa ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Ứng phó từ sớm

Mùa khô năm 2019-2020, do không có kinh nghiệm ứng phó với hạn, xâm nhập mặn nên vườn chanh đang cho trái với diện tích gần 1ha của gia đình ông Lê Văn Giàu (xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) bị thiệt hại nặng. Năm đó, gia đình ông thua lỗ hơn 100 triệu đồng.

Rút kinh nghiệm từ lần đó, mùa khô năm 2023-2024, ông Giàu chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật; đồng thời, nạo vét kênh, mương, bơm tích trữ nước trước khi mùa hạn, mặn đến.

Đặc biệt, ông còn thường xuyên theo dõi bản tin dự báo độ mặn trên các nhánh sông để kịp thời xả nước ra hoặc bơm rút nước vào. Đến nay, nguồn nước trong hệ thống mương của ông Giàu vẫn còn dồi dào, cơ bản ứng phó qua được mùa hạn, mặn năm 2023-2024.

Ông Giàu cho biết: “Thông thường, những tháng mùa khô thì giá chanh cao gấp 2-3 lần so với những tháng còn lại. Hiện chanh được thương lái thu mua tại vườn với giá 25.000 đồng/kg. Dự kiến mùa khô này, gia đình tôi sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 6 tấn chanh”.

Xã Thạnh Hòa là một trong những địa phương trồng chanh lớn nhất huyện Bến Lức với hơn 2.500ha, trong đó có hơn 400ha chanh ứng dụng công nghệ cao. Mùa khô năm 2019-2020, do không có sự chủ động về nguồn nước phục vụ sản xuất ngay từ đầu, cộng với chưa có kinh nghiệm nên gần 200ha chanh của xã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Hòa - Phạm Văn Khanh thông tin: “Sau mùa hạn, mặn 2019-2020, xã kiến nghị các cấp, các ngành nạo vét kênh, mương, xây dựng 15 cống ngăn mặn, trữ ngọt. Đến thời điểm này, không riêng cây chanh mà hầu hết diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã vẫn chủ động được nguồn nước ngọt để tưới, chưa bị ảnh hưởng bởi hạn, xâm nhập mặn”.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Mỹ Thạnh (xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa) chuyên cung cấp các loại rau, củ, quả cho các siêu thị, bếp ăn trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho thị trường từ 4-5 tấn rau, củ, quả các loại. Do đó, mỗi khi mùa hạn, mặn đến, HTX phải thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm được nguồn cung ra thị trường, tránh tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm, ảnh hưởng đến lợi nhuận của thành viên HTX.

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tại trạm bơm Cây Gáo (huyện Thủ Thừa)

Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh - Nguyễn Quốc Cường chia sẻ: “Từ năm 2020, HTX đã xây dựng kế hoạch để ứng phó lâu dài với hạn, mặn. Theo đó, HTX chủ động liên kết với các hộ tại huyện Thạnh Hóa để mở rộng vùng trồng. Vào mùa hạn, mặn, vùng trồng tại huyện Thủ Thừa chỉ trồng những loại rau màu có khả năng chịu được hạn, mặn như cà chua, bí xanh, bí đỏ,... còn các loại rau, quả khác thì tập trung trồng tại huyện Thạnh Hóa.

Ngoài ra, HTX cũng thường xuyên theo dõi tình hình hạn, mặn để kịp thời thông báo đến các thành viên nhằm chủ động trong sản xuất, hạn chế thiệt hại”.

Không lơ là, chủ quan

Ngoài sự chủ động của địa phương, nông dân, các ngành chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở cũng đã triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024.

Theo đó, các ngành chuyên môn, các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, dự báo độ mặn, nhất là hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác lúa và cây ăn trái cho vùng đất có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn, mặn.

Ngành chức năng thường xuyên kiểm tra độ mặn tại các cống đầu mối để kịp thời thông tin, khuyến cáo đến người dân

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2015-2016, hạn, xâm nhập mặn làm thiệt hại mất trắng và giảm năng suất khoảng 10.000ha cây trồng, tổng thiệt hại khoảng 194 tỉ đồng. Năm 2019-2020, hạn, xâm nhập mặn làm thiệt hại mất trắng và giảm năng suất khoảng 2.752ha, tổng thiệt hại hơn 55 tỉ đồng. Qua rà soát, đánh giá, dự kiến mùa khô năm 2023-2024, toàn tỉnh có khoảng 19.660ha cây trồng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, tập trung tại các huyện: Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Châu Thành, Tân Trụ và TP.Tân An,...

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024. UBND tỉnh phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, địa phương với quyết tâm chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với từng kịch bản hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn có thể xảy ra trong mùa khô năm 2023-2024, bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất; quản lý chặt chẽ chất lượng, vệ sinh nguồn nước để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nông dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm thông tin: “UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp tỉnh phải kiểm tra, sửa chữa, bảo đảm công tác vận hành thường xuyên, liên tục của tất cả cống đầu mối và các trạm bơm nhằm đáp ứng đủ lượng nước cung cấp cho người dân sản xuất và sinh hoạt; đồng thời, thường xuyên thông báo diễn biến chất lượng nước để người dân nắm và chủ động trong sản xuất”.

Nhờ sự chủ động trong ứng phó với hạn, xâm nhập mặn, đến thời điểm này, tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người dân không nên lơ là, chủ quan vì hạn, xâm nhập mặn được dự báo sẽ còn kéo dài và xâm nhập sâu hơn vào nội đồng trong thời gian tới./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết