Tiếng Việt | English

26/10/2023 - 09:44

Nét đẹp của người dân Xóm Nghề

Hàng năm, vào ngày 11 và 12/9 Âm lịch, người dân khắp nơi lại tụ họp về Xóm Nghề (ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để dự ngày giỗ cụ Nguyễn Trung Trực. Riêng người dân Xóm Nghề, cứ vào ngày giỗ cụ lại lập bàn hương án trước nhà để tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc (AHDT).

Đoàn viên, thanh niên tất bật chuẩn bị lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Đoàn viên, thanh niên tất bật chuẩn bị lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Xóm Nghề thuộc thôn Bình Nhựt - Tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An, phủ Tân An xưa (nay thuộc ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức). Khi xưa, nơi đây là một làng chài lưới nhỏ bên sông Vàm Cỏ Đông, nơi AHDT Nguyễn Trung Trực từng gắn bó. Và năm 1861, tại Vàm Nhựt Tảo, AHDT Nguyễn Trung Trực làm nên lịch sử với chiến công đốt cháy tàu E’spérance của Pháp.

Tưởng nhớ công lao to lớn của cụ, nhân dân đã xây dựng hàng chục ngôi đình để thờ. Riêng Long An, hàng năm, tại Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (xã Tân Bình, huyện Tân Trụ) và Di tích lịch sử Xóm Nghề (xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức), chính quyền và người dân chung tay tổ chức ngày giỗ thật trang trọng. Mỗi năm đến lễ giỗ cụ, người dân Xóm Nghề đều lập bàn hương án trước nhà như một nét đẹp văn hóa để tưởng nhớ người anh hùng có công với quê hương, đất nước.

Người dân chuẩn bị lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Người dân chuẩn bị lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực

Kế thừa truyền thống từ thế hệ trước, ông Nguyễn Thanh Long (ấp 1, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) dù vẫn thờ di ảnh và thắp hương AHDT Nguyễn Trung Trực mỗi ngày nhưng từ chiều 10/9 Âm lịch đã tất bật lập bàn hương án trước nhà tưởng nhớ bậc tiền nhân. “Cụ Nguyễn Trung Trực là người con của Xóm Nghề này, có công lớn với dân tộc, người dân lập bàn hương án thờ cụ trước nhà vào dịp lễ giỗ như khẳng định rằng, mọi người xem cụ như tổ tiên trong nhà. Cụ vẫn sống mãi trong lòng người dân Xóm Nghề” - ông Long chia sẻ.

Người dân Xóm Nghề lập bàn hương án thờ cụ Nguyễn trước nhà dịp lễ giỗ để tỏ lòng thành kính nhớ ơn

Người dân Xóm Nghề lập bàn hương án thờ cụ Nguyễn trước nhà dịp lễ giỗ để tỏ lòng thành kính nhớ ơn

Ông Nguyễn Thanh Liêm - người có uy tín tại địa phương và nhiều năm giữ vai trò “chủ lễ” trong ngày giỗ cụ Nguyễn tại Xóm Nghề, cho biết, việc người dân địa phương lập bàn hương án cúng giỗ cụ trước nhà không phải chỉ mới có gần đây mà đã được duy trì từ rất lâu. Ông Liêm nói: “Người dân nơi đây, hầu như nhà nào cũng thờ di ảnh cụ Nguyễn. Từ năm đầu lễ giỗ của cụ được chính quyền tổ chức long trọng tại di tích Xóm Nghề, người dân trong vùngđã lập bàn hương án và thỉnh di ảnh cụ thờ trước nhà, thể hiện lòng tôn kính. Dần dần, việc làm này trở thành nét đẹp truyền thống của dân xứ này”. Theo ông Liêm, dịp lễ giỗ không chỉ có con cháu trong dòng tộc mà người phương xa cũng đến viếng. Công tác chuẩn bị thường bắt đầu từ cả tháng trước. Khách đến viếng trong các ngày chính lễ nhưng người dân Xóm Nghề thì có mặt ở khu di tích trước đó cả tuần.

“Lễ giỗ AHDT Nguyễn Trung Trực là ngày hội lớn của địa phương nhằm ghi nhận những cống hiến và sự hy sinh của cụ Nguyễn. Người dân Xóm Nghề lập bàn hương án thờ cụ Nguyễn trước nhà là nét đẹp văn hóa, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, bày tỏ lòng thành kính của hậu thế với bậc tiền nhân” - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức - Văn Thị Hồng Nga cho biết./.

Lịch sử Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX diễn ra nhiều phong trào yêu nước. Trong hàng ngàn, hàng vạn người AHDT đứng lên đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, AHDT Nguyễn Trung Trực - người con của vùng sông nước Nam bộ nổi tiếng với câu nói “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.

Khánh Duy

Chia sẻ bài viết


Cách viết đơn xin việc chuyên nghiệpTìm hiểu genz là gì