Nhằm đánh giá kết quả triển khai, thực hiện nhiệm vụ năm học 2015-2016 Vùng thi đua 6 - Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) 12 tỉnh miền Tây Nam bộ, Sở GD&ĐT Long An - Trưởng vùng thi đua, tổ chức hội nghị giao ban, cùng thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của các địa phương, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị lên Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và các bộ, ngành, Trung ương.
Giám đốc 12 Sở Giáo dục và Đào tạo Vùng thi đua 6 ký giao ước thi đua với sự chứng kiến của các vị lãnh đạo tham dự hội nghị
Giải pháp thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
Vùng thi đua 6 gồm Sở GD&ĐT 12 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và Long An. Để thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế", mỗi tỉnh có Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh phù hợp với từng địa phương.
Ngành GD&ĐT Long An luôn chú trọng nâng cao trình độ, năng lực giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới
Trong năm học 2015-2016, các Sở GD&ĐT tập trung thực hiện nhiệm vụ với nhiều giải pháp. Trong đó, tại tỉnh Kiên Giang, ngành GD&ĐT tổ chức thi đua chuyên đề "Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT" với nội dung "Mỗi đơn vị có một công trình tập thể; mỗi cán bộ, công chức, viên chức có một hoạt động đổi mới; mỗi học sinh (HS) có một việc làm tốt trong học tập và rèn luyện". Qua đó, ngành thúc đẩy tinh thần thi đua trong việc quản lý, dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.
Đồng thời, cán bộ, giáo viên (GV) và HS có thêm sự đoàn kết cũng như tích cực trong việc nghiên cứu, trau dồi kiến thức mới. Các tỉnh Long An, Trà Vinh và Vĩnh Long chú trọng đổi mới công tác tuyển dụng GV giảng dạy. Theo đó, GV cần thi tuyển các nội dung như thi kiến thức chung, thi vấn đáp và thi thực hành tiết dạy nhằm lựa chọn những GV có đủ năng lực, trình độ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới hiện nay. Ngoài ra, các tỉnh còn lại cũng có những giải pháp hay và phù hợp với địa phương nhằm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Với những giải pháp thiết thực và phù hợp, chất lượng GD&ĐT Vùng thi đua 6 hứa hẹn sẽ có bước tiến mới trong năm học 2015-2016.
Vẫn còn nhiều khó khăn
Tuy các Sở GD&ĐT có những giải pháp tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng yêu cầu, thiếu GV và tăng tỷ lệ HS bỏ học là những vấn đề “đau đầu” của các tỉnh miền Tây Nam bộ hiện nay.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Kiên Giang nêu những khó khăn địa phương đang gặp phải
Năm học 2015-2016, Vùng thi đua 6 có 6.624 trường học với 3.225.305 HS; 220.856 cán bộ, GV. Mạng lưới trường lớp được củng cố và phát triển hợp lý theo quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương. Trong đó, nhiều trường ngoài công lập được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, với số trường học đó vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em nhân dân. Đặc biệt, tại các địa bàn có khu công nghiệp, cụm công nghiệp, dân nhập cư – trong đó phần lớn là công nhân, có nhiều con em trong độ tuổi đi học nhưng các trường không đáp ứng đủ nhu cầu, tạo nhiều sức ép và quá tải đối với các trường học nơi đây.
Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang - La Công Tâm cho biết: Trong năm học này, tuy tỉnh có 259 phòng học được xây mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của HS. Hiện nay, tỉnh còn 298 phòng tạm bợ, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của HS. Đặc biệt, cơ sở vật chất trường tiểu học khó khăn trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của An Giang còn khá thấp, chỉ đạt 12%. Do đó, An Giang đề nghị Bộ GD&ĐT cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho tỉnh nói riêng và Vùng thi đua 6 nói chung, nhằm tạo điều kiện và môi trường thuận lợi nhất cho HS.
Không những thiếu về cơ sở vật chất, Vùng thi đua 6 còn thiếu đội ngũ GV, đặc biệt ở các cấp tiểu học và mầm non. Trong đó, Đồng Tháp thiếu hơn 600 GV mầm non, gần 200 GV tiểu học; Bạc Liêu thiếu gần 200 GV mầm non, riêng Tiền Giang phải hợp đồng hơn 1.400 GV mầm non.
Bên cạnh đó, Vùng thi đua 6 với tình trạng HS bỏ học còn cao. Tỷ lệ bỏ học trong năm học và trong hè 2014-2015 là 1,16%, tăng 0,33% so với năm học trước, trong đó, tỷ lệ bỏ học cấp THPT tăng 1,02% so với năm học trước.
Trước thực tế đó, các Sở GD&ĐT đã đưa ra các giải pháp thực hiện trong năm học 2015-2016. Trong đó, ngành tập trung phát huy có hiệu quả hơn nữa phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực"; phối hợp chặt chẽ 3 môi trường giáo dục; GV đổi mới phương pháp dạy, kịp thời bồi dưỡng HS yếu kém, HS mất kiến thức cơ bản,...
Nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh tặng quà lưu niệm đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ dự hội nghị
Giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang - Lê Hoàng Tươi chia sẻ kinh nghiệm giảm tỷ lệ HS bỏ học: Tỉnh thực hiện nghiêm trong việc giảm tỷ lệ HS bỏ học, đặc biệt tăng cường công tác khuyến học, khuyến tài ở khắp các địa phương. HS có hoàn cảnh khó khăn luôn được kịp thời hỗ trợ. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc kiểm điểm đơn vị nào có HS bỏ học do hoàn cảnh khó khăn.
Tại hội nghị, các đại biểu nêu lên những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của ngành. Từ đó, đề xuất, kiến nghị lên ban, bộ, ngành Trung ương để được giải quyết. Phó Vụ trưởng- Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.Hồ Chí Minh - Nguyễn Viết Dũng ghi nhận và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đơn vị và sẽ trình lên Bộ GD&ĐT trong kỳ hợp giao ban tới. Ngoài ra, ông còn đề nghị Vùng thi đua 6 rà soát ở đơn vị mình có tình trạng thực hiện dạy không đúng chương trình hay không, nếu có, kịp thời chấn chỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thu, chi của các đơn vị trường học./.
Ngọc Sương