30 năm qua, ngành Khuyến nông tỉnh chính là “trụ đỡ” cho ngành Nông nghiệp tỉnh
Những năm 90, nông dân chủ yếu sử dụng sức người, gia súc để canh tác, chưa đưa cơ giới hóa hoặc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng. Xác định được vấn đề này, ngành Khuyến nông tỉnh vừa đẩy mạnh tuyên truyền, vừa thực hiện các chương trình khuyến nông trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như lúa, thanh long, khóm, con heo, con bò,... Trong đó, ngành Khuyến nông tỉnh tập trung cải tiến chất lượng giống, cải thiện kỹ thuật canh tác, phát triển vùng sản xuất, chăn nuôi tiềm năng,...
Cụ thể, trên cây lúa, ngành Khuyến nông tỉnh phối hợp các cơ quan chuyên môn khảo nghiệm, thử nghiệm, tuyển chọn, giới thiệu hàng trăm loại giống để tìm ra các loại có năng suất, chất lượng cao, phù hợp thổ nhưỡng, nhất là đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Kết quả, đến nay, ngành Khuyến nông tỉnh tìm ra được các giống lúa chất lượng, phù hợp với thị trường tại các thời điểm khác nhau như OM4900, OM6162, OM6561, VD20, Nàng Hoa 9, RVT,...
Cùng với cải tạo nguồn giống, hoạt động khuyến nông còn hướng dẫn, giúp nông dân nâng cao hiểu biết và ứng dụng các giải pháp cải tiến về kỹ thuật, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, ứng dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng,... Qua đó, trình độ sản xuất của nông dân nâng lên rõ rệt.
Ông Bùi Văn Phương (ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Nhờ tham gia các lớp tập huấn trên cây lúa, tôi đi thăm đồng, nhìn thời tiết là “bắt” được bệnh cho cây lúa để có biện pháp xử lý kịp thời. Trước đây, nông dân chủ yếu trồng lúa dựa vào kinh nghiệm, chưa biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên lợi nhuận không cao. Còn bây giờ, nông dân không phải “thức khuya, dậy sớm” như ngày trước mà sản lượng, chất lượng nông sản tăng gấp mấy lần so với trước”.
Theo ông Phan Văn Mỹ (đại diện Hợp tác xã Nông nghiệp Tiến Phát, xã Thuận Nghĩa Hòa, huyện Thạnh Hóa), năm 2005, sau khi được ngành Khuyến nông tỉnh, huyện tư vấn về chương trình nhân giống cộng đồng, cam kết chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất giống, ông Mỹ cùng 3 nông dân ở địa phương thống nhất thành lập Tổ nhân giống với diện tích 2ha, giống nếp IR4625.
Nhờ sản xuất đúng quy trình cùng với chiến lược kinh doanh bài bản, hoạt động sản xuất, kinh doanh giống nếp ngày càng phát triển. Kết quả, đến nay, Tổ nhân giống phát triển thành HTX Nông nghiệp Tiến Phát với 18 thành viên tham gia, trung bình sản xuất 50-60ha lúa giống/năm. Giá lúa giống cao hơn giá lúa thương phẩm từ 2.000-3.000 đồng/kg, góp phần tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh Lâm khẳng định, 30 năm qua, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh hỗ trợ tích cực trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp,...
Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp hiện đại, hình thành các mô hình liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản theo chuỗi, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Trên cơ sở đó, ông yêu cầu ngành Khuyến nông tỉnh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến với người dân theo hướng chủ động, sáng tạo; tập trung đẩy mạnh chuyển giao khoa học - kỹ thuật và tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển sản xuất bền vững gắn với Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; tập trung vào những lĩnh vực sản xuất có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương;...
Nhìn lại chặng đường 30 năm không quá dài, không quá ngắn nhưng ngành Khuyến nông tỉnh thực sự là “trụ đỡ” cho ngành Nông nghiệp tỉnh phát triển nhanh, bền vững, góp phần vào sự phát triển KT-XH địa phương./.
Thời gian tới, ngành Khuyến nông tỉnh tiếp tục bám sát chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, có giá trị tăng cao; không ngừng cải tiến, đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động khuyến nông; tiếp tục đẩy nhanh tiến trình ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao kết hợp với phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn; tăng cường công tác nghiên cứu và tổ chức ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật;...”.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh - Trịnh Hoàng Việt
|
Lê Ngọc