Tiếng Việt | English

04/02/2022 - 20:26

Ngành Nông nghiệp tỉnh thăm đồng đầu năm

Sáng mùng 4 Tết Nhâm Dần, trên tinh thần “vui xuân không quên nhiệm vụ”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cùng các đơn vị chuyên môn làm việc tại một số địa phương về tình hình triển khai các giải pháp phòng, chống hạn, mặn phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Nguyễn Chí Thiện yêu cầu ngành Nông nghiệp các địa phương thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng nước

Theo đó, đoàn công tác kiểm tra thực tế tại một số cống ngăn mặn trên địa bàn TP Tân An, Tân Trụ, Thủ Thừa, Thạnh Hóa và các phương án phòng chống, ứng phó hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm nay. Ngay cả những ngày nghỉ tết, các công trình đầu mối điều tiết nước đều bố trí người trực 24/24, vận hành các cống bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Quản lý cống Châu Phê (phường 5, TP.Tân An) - Nguyễn Văn Lục cho biết: “Trong những ngày tết chúng tôi vẫn trực bình thường. Đồng thời, thường xuyên cập nhật tình hình chất lượng nước. Hiện nay, độ mặn tại cống trung bình khoảng 0,1gam/lít nên vẫn bảo đảm cho việc lấy nước vào dự trữ”.

Kiểm tra tình hình chất lượng nước tại cống Châu Phê, phường 5, TP.Tân An

Để phòng ngừa, ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn, ngành Nông nghiệp phối hợp các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin thời tiết, thiên tai, đo độ mặn định kỳ và thông báo tình hình chất lượng nước trên các phương tiện truyền thông để người dân chủ động trong canh tác.

Ông Nguyễn Hồng Nhân (xã Thủy Tây, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Hiện nay, chất lượng nguồn nước sản xuất vụ Đông Xuân vẫn bảo đảm. Tình hình độ mặn và chất lượng nước được ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên cập nhật và thông báo đến người dân. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện cũng có kế hoạch đóng các cống ngăn mặn để bảo vệ cây trồng nên chúng tôi rất yên tâm”.

Kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa Đông Xuân tại huyện Thạnh Hóa

Năm nay, huyện Thạnh Hóa gieo sạ được hơn 19.500ha lúa Đông Xuân, trong đó, trà lúa chủ yếu đang ở giai đoạn đẻ nhánh và đòng trổ. Ngoài ra, huyện còn có hơn 1.200ha lúa Hè Thu ở giai đoạn mạ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa - Phùng Anh Tuấn cho biết: “Thời gian tới, huyện cũng chỉ đạo các ngành chuyên môn thường xuyên phối hợp địa phương thăm đồng để phát hiện sớm, nhanh các loại dịch bệnh đã được các ngành chuyên môn tỉnh khuyến cáo, kịp thời khuyến cáo người dân phòng trừ. Hy vọng tình hình nhiễm mặn năm nay không đến nỗi phức tạp như những năm 2018 – 2019 và các trà lúa phát triển ổn định, nông dân bội thu trong vụ Đông Xuân này”.

Do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng Giêng Âm lịch kết hợp gió chướng mạnh, độ mặn trên các tuyến sông trong tỉnh gồm Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra dao động ở mức 0,6 - 14,3 gam/lít, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,4 - 3,5 gam/lít và chưa ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy vậy, ngành chức năng cũng như người dân vẫn chủ động các biện pháp ứng phó, không chủ quan để bảo vệ mùa màng, hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


diệt muỗi Tác dụng của Phân kali với cây trồng Diệt mối tại TPHCM tận gốc