Mưa đã đến với quê nhà. Những giọt mưa rơi đều trên mái lá, tiếng mưa vang lên dịu dàng như một bài ca quen thuộc. Tôi nhớ những ngày mưa thuở nhỏ nơi quê hương thanh bình, lúc ấy, mọi việc đều tươi vui và êm ái.
Niềm vui lớn nhất của người dân quê tôi là được nhìn ruộng đồng “hồi sinh” sau màn mưa, bụi lúa non bắt đầu mọc cao như những đứa trẻ mới tập bò, cứ vươn về phía trước. Mỗi giọt mưa như một lời ru hời nào đó của mẹ thiên nhiên, tưới tắm nền đất nhiều nặng nhọc, làm bật mầm sự sống, trỗi dậy niềm hy vọng sau cuộc cần lao.
Minh họa: Internet
Tôi vẫn nhớ bữa cơm chiều mưa của mẹ nấu, mái lá không dung được sợi khói bao giờ, dù nó cả đời nấng nuôi bếp lửa, cũng giống như mẹ nuôi tôi... Khói loạng choạng bay ra đồng để lại gian bếp ấm nồng nồi canh rau tập tàng của mẹ.
Theo Hán tự thì chữ “tàng” thuộc bộ thảo, là cỏ hoang nên tên gọi “tập tàng” là tập hợp nhiều loại rau. Đại loại là các loại rau dại mọc khắp vườn quê, đồng ruộng, dưới lòng mương máng. Rau tập tàng có nhiều loại rau như rau má, rau dền, rau sam, mã đề, mồng tơi, bồ ngót, lá lốt, rau trai, rau ngổ,... Đó là món quà hậu hĩnh mà thiên nhiên ban tặng sau những cơn mưa. Nếu hái mỗi một thứ thì không đặng nồi canh nên gặp gì hái nấy, mỗi thứ một ít cho vừa vặn bữa cơm gia đình.
Khi cơn mưa vừa ngơi hạt, mẹ tôi mặc áo bà ba nâu, đầu đội nón lá, tay cắp rổ tre ra sau vườn tìm hái rau tập tàng. Sau cơn mưa là những lá cành xanh mướt mọc lên, xanh như niềm hy vọng nào đó ở chốn thôn dã này. Chúng không cần chăm bón, cứ thế hết mưa lại nắng nhưng vẫn hồn nhiên xanh. Mẹ tôi chỉ cần hái mỗi thứ một ít, về nấu lên nồi canh với con cá rô đồng cha vừa câu được. Thế là bữa cơm gia đình đã vẹn tròn hạnh phúc!
Trời vẫn mưa trên mái lá, bữa cơm chiều quê giản đơn và ấm đầy hơi mẹ, chúng tôi non nớt như bầy chim nhỏ ướt mềm cánh gió. Chỉ có gian bếp trong ngôi nhà xưa làm lòng tôi ấm lại.
Bây giờ, mỗi khi trời mưa, tôi thèm được ngồi cạnh lửa than hồng trong căn bếp nhỏ. Tôi nhớ mùi đất ẩm thấm mưa nơi quê nhà, nhớ nồi canh rau tập tàng quá đỗi!/.
Kỳ Sơn