Làng nghề đóng ghe xuồng xã Mỹ Hiệp (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) hiện chỉ còn 4 hộ theo nghề. Tuy nhiên, nhịp sản xuất ở đây vẫn là nét đặc trưng để nhận biết mùa nước nổi hàng năm. Số lượng xuồng ghe tiêu thụ mạnh và tăng dần đơn hàng từ thời điểm tháng 7 (âm lịch).
Bên cạnh vai trò là phương tiện mưu sinh của người dân đi giăng câu, đặt lưới, đặt lọp… vùng sông nước, ghe xuồng hiện nay còn cung ứng cho một số nơi phục vụ du lịch sinh thái. Ngoài sản xuất hàng truyền thống, làng nghề đã thích ứng với thời đại, có thêm mẫu ghe xuồng thu nhỏ để trưng bày, làm quà lưu niệm phục vụ khách du lịch.
Xưởng đóng xuồng của anh Huỳnh Văn Đại ở ấp Tây Thượng là cơ sở lớn nhất trong xã, phục vụ khách hàng khắp ĐBSCL. Mỗi ngày, nơi đây sản xuất ra 20 chiếc xuồng, đến mùa nước nổi số lượng tăng lên gấp đôi với đa dạng kích thước, kiểu dáng. Mức độ bận rộn của thợ đóng xuồng phụ thuộc vào con nước hàng năm, như năm nay đang có tín hiệu khá mừng.
Qua rồi cái thời hưng thịnh, nghề đóng xuồng ghe được duy trì bởi những người thâm niên, không ngừng cải tiến kỹ thuật, sản xuất đa dạng sản phẩm. Nhờ vậy, lao động bám nghề có nguồn thu nhập ổn định từ 300.000 - 500.000 đồng/ngày.
Ngược lên đầu nguồn huyện An Phú (tỉnh An Giang) sau nhiều năm đìu hiu, nghề đan lọp, đan lờ ở xã Phú Hội năm nay đã sôi động trở lại. Lũ về sớm, các hộ làm ngư cụ có cơ hội sản xuất mạnh nhờ nhận được đơn đặt hàng từ khắp nơi yêu cầu. Hơn chục hộ làm lờ, lợp tại xã khởi động hơn 1 tháng nay vẫn không đủ số lượng cho bạn hàng.
Ông Thái Văn Phương, hộ sản xuất quy mô trong xã cho biết, thương lái nhiều nơi đặt hàng khá sớm, hiện gia đình ông đã tiêu thụ hơn 2.000 lợp tôm. Nếu như năm ngoái, độ rằm tháng 7 (âm lịch) mới thấy “nước lên”, thì năm nay có tín hiệu sớm hơn, bà con làm việc tất bật trước cả tháng. Không chỉ sản lượng tiêu thụ mạnh, giá cả cũng tăng cao hơn, từ 75.000 đồng/lợp đã lên 80.000 - 100.000 đồng.
Có những nơi không hình thành nên làng nghề, mà quy mô chỉ vài hộ hoặc hội tụ thành xóm. Bà con làm lưới, đăng, đó, vó, xà di, lợp, lờ… Mỗi ngư cụ có một cách đặt riêng để dẫn dụ cá tôm. Mỗi nghề có nơi tiêu thụ riêng, có người tự làm để đi đánh bắt, có hộ làm số lượng lớn bán cho bạn hàng, ai cũng tăng thêm chút thu nhập. Mùa làm ăn của người dân đơn giản, với dụng cụ thô sơ, chiếc xuồng con là đủ hành trang rày đây, mai đó kiếm tiền.
Con nước lên dâng theo niềm phấn khởi, hy vọng của bà con. Trên các con kênh, cánh đồng, hình ảnh người dân cào hến, giăng lưới bắt cá xuất hiện càng nhiều hơn. Đa phần người sống “ăn theo” con nước là lao động thuộc hộ nghèo, kinh tế khó khăn, lớn tuổi… So với việc thời vụ, làm thuê, nhiều người chấp nhận tạm ngưng để sống vài tháng ròng theo con nước, nếu “trúng mánh” có thể kiếm được kha khá.
Ông Đỗ Văn Phu (xã Phú Xuân, huyện Phú Tân) bộc bạch: “Năm nào cũng vậy, đến mùa nước lên tôi không đi làm mướn nữa. Chịu khó hàng ngày ra đồng kiếm cá, lươn… ít nhất cũng được 400.000 - 500.000 đồng bỏ túi”.
Giữa dòng nước đỏ ngầu, mấy chiếc xuồng con con làm nghề cào hến cũ kỹ càng nhạt nhòa bóng hình. Ông Pho (xã Hòa Lạc) cùng một “bạn nghề” lặng lẽ trên 2 chiếc xuồng riêng biệt nhưng luôn giữ khoảng cách gần nhau. Thi thoảng đôi bạn già hỏi thăm về “năng suất” cào hến.
Ông Pho cho biết, bình quân 1 ngày cào được vài chục ký, đem về luộc chín bán cho thương lái khoảng 18.000 - 25.000 đồng/kg. Hến có nhiều ở kênh, rạch, sông, cồn… Khi mặt trời vừa ló dạng cũng là lúc hến trồi lên để tìm mồi, người theo nghề cào hến sẽ bắt đầu ngày mới từ rất sớm. Một ngày vất vả từ sáng đến chiều nhưng có nguồn thu nhập khá nhờ sản vật tự nhiên, đối với họ, đây là nguồn thu rất đáng kể.
Mùa này, không chỉ có ngoài chợ, dọc theo 2 bên đường quê cũng “mọc” lên nhiều sạp hàng bán ốc, cua, cá, tôm, chuột, rắn… xôm tụ. Gia đình bà Nguyễn Thị Lệ ở xã Bình Thạnh Đông (huyện Phú Tân) thường ngày bán trái cây theo mùa, nay đã lên thêm kệ bán các sản vật gọi chung là cá đồng.
Phụ bà một tay, người chồng mỗi ngày chạy vài cuốc xe đến TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc để chở các loại cá, ốc về. Hễ có “cầu” là có “cung”, đến mùa, những sạp hàng tương tự của bà Lệ hoạt động hết công suất.
“Ban đầu chỉ bán chút đỉnh vài loại ốc để có thêm thu nhập, rồi nhiều người hỏi thăm, đặt hàng. Đặc biệt, nhà tui chỉ bán cá, tôm, ốc ngoài đồng tự nhiên, nên năm nào tới mùa nước mới có sạp hàng này. Một phần mua ở chợ đầu mối, một phần mua của dân tại địa phương đi đặt lưới, dớn hàng ngày, vậy mà có bao nhiêu cũng bán hết” - bà Lệ chia sẻ.
Năm nào cũng vậy, người dân khắp miền Tây đón đợi mùa đánh bắt cá đồng lớn nhất trong năm, dù việc mưu sinh trên đồng nước đã không còn nhiều tôm cá như thuở xưa. Giờ đây, khi thiên nhiên đang biến đổi, mùa nước lên vẫn là cuộc hẹn, cuộc mưu sinh sôi động của những người đã quen nếp sống hàng chục năm qua.
Tuy vài tháng ngắn ngủi không thể khiến người ta trở nên giàu có, nhưng cũng kiếm được “đồng vào đồng ra”. Năm nào nước lớn, khai thác được nhiều thì mừng, năm nào ít hơn họ cũng vui vẻ đón nhận./.
Theo baoangiang.com.vn
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/nghe-an-theo-con-nuoc-noi-a404307.html