Tâm linh là gì?...
An Ninh Cuối Tháng (chuyên đề của Báo Công An Nhân Dân) số tháng 11/2022, ở mục Đối thoại và suy ngẫm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Đinh Hồng Hải - Chủ nhiệm bộ môn Nhân học - Văn hóa, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, trả lời phỏng vấn: “Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng” và đưa ra các bộ từ điển đầu tiên của Việt Nam như Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh, Hán Việt tự điển của Thiều Chửu,... Hán Việt tự điển của Đào Duy Anh giải thích: “Tâm linh là trí tuệ có trong lòng người”.
Tự điển của Huỳnh Tịnh Paulus Của và tự điển của Thiều Chửu đều có “linh” chứ không có “tâm”. Gần đây nhất, Tự điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giải thích: “Tâm linh là linh hoạt, lanh lẹ, tinh, thính” và Tự điển Hán Việt của Nguyễn Quốc Hùng giải thích: “Tâm linh là lòng dạ, đầu óc sáng suốt của con người”.
PGS.TS Đinh Hồng Hải cho biết, ông đã tìm đọc các văn bản pháp lý và văn bản của Nhà nước về tôn giáo và tín ngưỡng, cũng không thấy có điểm nào giải thích ý nghĩa của hai chữ tâm linh. Tuy nhiên, trong dân gian vẫn thường nói: “Bà ấy sống tâm linh lắm”, “Đừng dại dột đụng vào chỗ ấy, tâm linh đáng sợ lắm”,...
Ảnh minh họa (Internet)
GS.TS khoa học, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang là nhà nghiên cứu, lý luận văn hóa có uy tín, với tiêu đề Văn hóa tâm linh - di sản của tài nguyên văn hóa Việt Nam” (đăng báo Thanh Niên số 223, ngày 11/8/2022) không giải thích ngữ nghĩa tâm linh mà nhấn mạnh: “Văn hóa tâm linh là một di sản đặc biệt của mỗi dân tộc, ẩn chứa nhiều truyền thống và giá trị đặc sắc cần nghiên cứu, bảo tồn và phát huy”.
Theo GS, văn hóa hiện đại bao gồm văn hóa sản xuất của cải, vật chất là toàn bộ những sáng tạo trong lĩnh vực lao động, sản xuất (như văn hóa trồng lúa nước chẳng hạn); văn hóa đảm bảo đời sống (ăn, mặc, ở, đi lại, diễn xướng,...); văn hóa quy phạm là những sáng tạo nhằm tạo kỷ cương, trật tự xã hội và cuối cùng là văn hóa tâm linh đáp ứng nhu cầu gửi gắm đức tin của cá nhân và cộng đồng. “Nếu như văn hóa sản xuất của cải, vật chất là nền tảng chi phối đặc trưng của một nền văn hóa thì văn hóa tâm linh lại là thành tố giúp người ta nhận diện ra một nền văn hóa” - GS Vũ Minh Giang viết.
GS Vũ Minh Giang minh thị: “Văn hóa tâm linh ở Việt Nam mang tính đa dạng của văn hóa tộc người, và vì vậy, đời sống tâm linh của các cộng đồng cư dân phong phú. Đây là đặc trưng, nét đặc sắc của văn hóa tâm linh Việt Nam”. Ông cũng luận giải về tôn giáo, tín ngưỡng chân chính luôn có đích hướng thiện và đều mưu cầu hạnh phúc cho loài người. Vì vậy, cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tìm mọi cách để phát huy tốt nhất những mặt tích cực của tôn giáo, tín ngưỡng.
Sinh vi danh tướng, tử vi thần
Cùng bài viết trên, GS Vũ Minh Giang nhận định: Đặc điểm nổi trội của văn hóa tâm linh Việt Nam là tín ngưỡng sùng bái người có công chống giặc ngoại xâm. Thường xuyên phải đứng lên cầm vũ khí chống quân xâm lược, người Việt coi độc lập dân tộc và lợi ích quốc gia là lý tưởng thiêng liêng, nên những người hy sinh vì nước, có công đánh giặc ngoại xâm đều hóa thần hiển thánh. Từ nhân vật huyền thoại Thánh Gióng đến những nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo,... đều được tôn thánh, nhân dân lập đền, miếu thờ phụng theo triết lý Sinh vi danh tướng, tử vi thần (Sống làm danh tướng, chết làm thần).
Ngoài ra, khi viết lời đề tựa cho quyển sách Nhớ chị Ba Định, nhà sử học, GS Trần Văn Giàu đã viết: “Chị Ba Định ạ! Ngày xưa người dân làng quê bảo nhau rằng những người như chị là “Sống làm tướng, chết thành thần”. Vâng, trong tâm thức dân gian, dù là thiên thần hay nhân thần đã khuất cũng đều hiển linh phù hộ độ trì cho quốc thái dân an”.
GS Vũ Minh Giang lý giải việc nhân dân ta tôn vinh từ hình tượng Mẹ Âu Cơ đến tâm thức coi những con sông lớn mang lại nguồn sống cho cộng đồng là sông Cái (sông Mẹ) đã nói lên vai trò của phụ nữ, người mẹ trong văn hóa Việt Nam. GS cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc lịch sử và xã hội sâu xa, nằm trong văn hóa truyền thống Việt Nam. Đối tượng được kính ngưỡng tôn thờ là phụ nữ (Thánh Mẫu - người mẹ hiển thánh).
Có yếu tố tiếp biến từ Đạo giáo bên Trung Hoa, Phật giáo Ấn Độ, song về cơ bản, thờ Mẫu Việt Nam là một tín ngưỡng bản địa. GS cho rằng: “Việc thờ Mẫu còn gửi gắm khát vọng giải thoát khỏi thành kiến, ràng buộc của xã hội bị tư tưởng Khổng giáo chi phối. Và, như ta đã biết, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt Nam đã được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào năm 2016”.
Theo tư liệu, từ khi Hai Bà Trưng trở thành nữ thần (đầu Công nguyên), tại nhiều đền thờ trên cả nước, đến nay, số đền thờ nữ thần chiếm gần một nửa số di tích đền thờ còn lại. Ngay trên một vùng sông nước Thủ Thiêm (quận 2, TP.Thủ Đức, TP.HCM) có 9 miễu thờ thì hết 6 miễu là thờ Bà. Và, thờ Bà chính là tín ngưỡng thờ Mẫu. Miễu cũng là nơi tín ngưỡng dân gian thờ tự những vong linh tử nạn trên đường sông nước hoặc vong hồn trôi sông dạt chợ, vong chiến sĩ tử trận (không phân biệt giới tuyến). Tín ngưỡng này xuất hiện trong lệ Làm Chay ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An), với nghi thức rước vong, chiêu u về dưới trướng ông Tiêu.
Còn trong lễ Vu Lan của Phật giáo, có nơi sắm xe đi rước vong từ các am đánh dấu chỗ xảy ra tai nạn giao thông làm chết người, đưa vong hồn người xấu số về chùa để cầu siêu,... Đây là dạng tín ngưỡng tâm linh mang ý nghĩa nhân văn của người đang sống đối với vong linh người chết.
Văn hóa tâm linh trong đời sống
Thực tế cho thấy, ở những nơi có điểm du lịch văn hóa gắn kết với các điểm tâm linh, những di tích kiến trúc thờ tự cổ độc đáo thường thu hút đông đảo du khách đến lễ bái, thực hành tín ngưỡng tâm linh, ngoạn cảnh như Khu du lịch Thất Sơn ở tỉnh An Giang mang đầy màu sắc tâm linh qua các điểm thờ tự kỳ bí, hay trên dãy núi Bà ở tỉnh Bình Định với cổng chào “Khu du lịch Tâm linh Phật giáo” rất uy nghiêm. Từ cổng chào leo lên hàng trăm bậc đá đến tượng Phật Thích ca Mâu ni cao lớn nhất Đông Nam Á và cạnh đó là quần thể Linh Phong tự (chùa Ông Núi) Cây che đá chất chập chồng/ Biển giăng dưới núi chùa lồng trong mây (thơ Quách Tấn),...
Gắn với đạo lý báo ân, báo hiếu theo tín ngưỡng Phật giáo, ngày nay, tại các chùa có nghi thức “Bông hồng cài áo” với tiếng thơ, lời ca đằm cảm xúc tôn vinh người mẹ, kêu gọi đạo “làm con phải hiếu”. “Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc”... Trong cái không gian tâm linh ấy, không ít người khóc òa vì muốn báo ân, báo hiếu mà cha, mẹ không còn. Các nhà khảo cổ khi khai quật di chỉ mộ táng, xuất lộ nhiều di vật tùy táng từ thời tiền sử, thể hiện hình thức nghi lễ sơ khai về đạo hiếu của người tiền sử trước khi đạo Phật du nhập vào nước ta. Vậy phải chăng, nghi lễ Vu Lan là sự tiếp biến đạo hiếu truyền thừa của cổ nhân. Đây cũng là một nét văn hóa tâm linh độc đáo.../.
Quang Hảo