Giết mổ gà tiêu chuẩn VietGAP tại Công ty chăn nuôi Long Bình, Đồng Nai - Ảnh: Trần Mạnh
Hôm trước, tôi ghé qua Myanmar tìm hiểu những cái mới ở đây, giữa bối cảnh dân làm ăn quốc tế đồn rằng thị trường này đang lên rất dữ. Lòng vòng mấy trung tâm xem dân tình mua sắm, tôi chợt sững lại trước một mô hình nhà hàng thương hiệu Thái Lan với thực đơn nhiều món gà vô cùng hấp dẫn. Hỏi ra mới biết đây là mô hình nhà hàng nhượng quyền. Tuy nhiên, cái sững người không phải vì thương hiệu đó nhượng quyền, mà vì tập đoàn này trước giờ chủ yếu chăn nuôi, bán toàn sản phẩm tươi sống hoặc chế biến và đóng gói.
Vậy đó, từ cái gốc rất nông dân như Việt Nam mình là chăn nuôi gà, bây giờ họ đã xây dựng thành một chuỗi giá trị từ đầu vào là sản xuất thức ăn cho gà, nuôi gà, bán thịt gà và trứng tươi, bán thịt và trứng gà đã chế biến thành thức ăn đóng gói, thức ăn đông lạnh và... bữa ăn đông lạnh.
Mỗi dòng sản phẩm như thế chắc phải có 10 - 20 loại sản phẩm khác nhau. Người tiêu dùng có gu ăn uống thế nào là họ cho ra sản phẩm tương ứng để hút khách. Không dừng lại ở sản phẩm, họ bắt đầu mở rộng chuỗi giá trị vào ngành bán lẻ, mở cửa hàng tiện lợi bán sản phẩm tươi sống và chế biến của công ty, trong đó dĩ nhiên phải kể đến rất nhiều sản phẩm tươi và chế biến từ gà.
Không dừng lại và thỏa mãn vì đã bán được sản phẩm cho người tiêu dùng mua về nhà, họ đi thêm một bước là phục vụ bữa ăn với thực đơn có nhiều món trứng và thịt gà cho người tiêu dùng khi đi ăn ở ngoài hoặc không có thời gian để nấu. Sững người vì đó là cả một chuỗi giá trị cộng thêm cho một sản phẩm rất nông dân là gà!
Trong khi đó, bà con nông dân Việt Nam mình đang bế tắc, nuôi từ 42-70 ngày mới bán được một con gà vậy mà đôi lúc lời mỗi con có 2.000 đồng, nhưng nhiều lúc lỗ quá phải đóng trang trại đi làm chuyện khác. Bây giờ thử làm bài so sánh xem con gà này trên hành trình di chuyển từ nông dân đến người tiêu dùng thay đổi diện mạo ra làm sao.
Lúc xuất chuồng giá khoảng 26.000 đồng/kg, qua mấy lần bị mua bán, lên đến chợ đầu mối, giá lên 50.000 đồng/kg. Khi đến tay người tiêu dùng, giá là 60.000-70.000 đồng/kg. Bây giờ ra thử một kiôt bán gà rán nhỏ xíu nhưng có thương hiệu ở TP.HCM, nửa con gà nướng giá 45.000 đồng, ước tính 90.000-100.000 đồng/kg.
Vào đến nhà hàng thức ăn nhanh có thương hiệu cỡ khu vực hay quốc tế, với 3 miếng gà viên chiên nhỏ xíu, cỡ 100g thịt gà, giá 40.000 đồng, nghĩa là nếu tính ra thành ký thì giá là 400.000 đồng. Vậy hỏi trong chuỗi giá trị từ gà hơi xuất chuồng 26.000 đồng đến gà rán 400.000 đồng này, ai làm hay nhất để hưởng lợi?
Quay lại câu chuyện nhà hàng gà bên Myanmar, sao doanh nghiệp Thái Lan - hàng xóm của Việt Nam - làm được như vậy? Họ xây dựng nguyên một chuỗi giá trị từ sản xuất thức ăn chăn nuôi gà đến cửa hàng tiện lợi, kiôt gà rán, rồi mô hình nhà hàng với thực đơn chủ đạo là gà, họ đâu có dừng lại ở bước 1 là 26.000 đồng/kg mà đi một bước dài đến bữa ăn sẵn sàng cho người tiêu dùng với cái giá 400.000 đồng/kg. Sẵn đây cũng nói luôn họ phát triển cả chuỗi giá trị này ra thế giới, với các mô hình phân phối sản phẩm tiêu dùng và nhượng quyền mô hình ẩm thực.
Bàn về chuyện trước thềm hội nhập TPP nông dân phải làm gì, có trễ quá không khi thực tế hiện nay hàng loạt trang trại đã vào hồi đóng cửa? Có nói, có bàn cũng có giúp được gì cho nông dân? Có ai cầm tay chỉ họ cách bước thêm một bước, gia tăng giá trị sản phẩm của mình từ gà hơi thành gà tươi, bán trực tiếp được cho người tiêu dùng chưa?
Nếu làm được như thế thì mức lãi của họ không phải là 2.000 đồng, mà phải là 20.000 đồng/kg và không việc gì phải đóng cửa bỏ chạy. Còn doanh nghiệp có biết đã đến lúc phải tối ưu hóa chuỗi giá trị như công ty Thái Lan đó, để làm sao gà Việt Nam bán được với giá 400.000 đồng/kg?
Cũng là con gà, chỉ mới nói hai “quốc tịch” khác nhau đã một trời một vực./.
Nguyễn Phi Vân/tuoitre online