Đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng. Dự báo về tác động của TPP tới nền kinh tế Việt Nam, ngành chăn nuôi được đánh giá là bị tác động tiêu cực nhiều nhất. Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đang là sinh kế của gần 10 triệu người nhưng trên 50% ở quy mô nhỏ. Khi gia nhập TPP, “ngành chăn nuôi Việt Nam gần như là một vật hy sinh cho TPP”.
Ngành thịt lợn và thịt gia cầm sẽ bị buộc phải rời khỏi thị trường
Theo nghiên cứu đánh giá tác động của TPP đối với kinh tế Việt Nam vừa được Viện Nghiên Cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, xét tổng thể ngành chăn nuôi không phải là ngành Việt Nam đang có lợi thế. Sự gia tăng cạnh tranh từ hàng nhập khẩu sẽ buộc ngành phải tái cấu trúc mạnh mẽ để tăng hiệu quả nhằm tồn tại được trên thị trường. Nhiều hộ nông dân, các trang trại, các doanh nghiệp kém hiệu quả trong ngành, ví dụ như trong phân ngành thịt lợn và thịt gia cầm sẽ bị buộc phải rời khỏi thị trường trong khi những hộ, trang trại, doanh nghiệp còn tồn tại được sẽ phải tái cấu trúc để có thể cạnh tranh.
Ngành chăn nuôi Việt Nam cần dần hiện đại hóa theo chuẩn quốc tế để hội nhập giành thắng lợi (Ảnh minh họa: KT)
Trong giai đoạn chuyển tiếp đó, theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, các chính sách hướng đến việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi là cần thiết nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng, và nhằm giảm bớt những thua thiệt cho những đối tượng buộc phải chuyển đổi công việc hoặc buộc phải rời khỏi ngành.
Tác động có thể dự báo nhãn tiền là chỉ có người tiêu dùng và nhà nhập khẩu ngành chăn nuôi sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ hơn và được lợi, trong khi người sản xuất và nhà xuất khẩu trong nước phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào.
Nguyên nhân của tình trạng này, theo TS Nguyễn Đức Thành: Ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của nhà cung cấp nước ngoài khi thuế nhập khẩu và các biện pháp phi thuế quan được cắt giảm và dỡ bỏ. Bởi ngành chăn nuôi của Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là hình thức chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc vào phần lớn vào việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tình trạng bệnh tật còn phổ biến, ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường còn nhiều yếu kém.
Đáng buồn hơn, yếu kém này là điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm từ sữa… Những đặc điểm này khiến cho năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi chưa cao. Vì thế, thực phẩm từ các nước vốn có lợi thế là Mỹ, Úc, New Zealand, Canada,… được nhập khẩu về nước ta ngày càng nhiều.
Kết quả nghiên cứu của VEPR còn cho thấy, trong các trường hợp tự do hóa thương mại, sản lượng của các ngành chăn nuôi đều giảm, ngoại trừ nhóm động vật sống. Trong đó, sản lượng phân ngành thịt các động vật khác (lợn, gia cầm…) bị thiệt hại mạnh nhất cả về phần trăm và giá trị.
Cùng với sản lượng giảm, nhu cầu lao động trong ngành chăn nuôi sẽ giảm, cả đối với lao động phổ thông và lao động có trình độ, kỹ năng. “Với năng suất thấp và sức cạnh tranh yếu như hiện nay của ngành chăn nuôi, người chăn nuôi gia cầm sẽ bị thiệt hại lớn nhất về sản lượng và phúc lợi”.
Quả trứng gà phải “cõng” 14 đến 17 loại thuế và phí…
Trước thực trạng đáng báo động đối với ngành chăn nuôi khi TPP đang cận kề, TS Nguyễn Đức Thành cho biết, nếu TPP được ký kết, sau khi dỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan, các ngành được bảo hộ bằng thuế quan sẽ bị tác động mạnh.
TS Lê Đăng Doanh: Tiêu chuẩn TPP đặt ra có thể quá cao, nhưng không quá đáng! “Nền chăn nuôi Việt Nam cần nhanh chóng tái cơ cấu biến người nông dân vốn chưa quen kỷ luật lao động kỷ luật cao thành những công nhân nông nghiệp, họ phải được đào tạo, kỷ luật lao động cao. Vào TPP là cuộc thử thách để Việt Nam vươn lên. Việt Nam cần có quyết tâm thay đổi, trong đó doanh nghiệp và nông dân cần quyết tâm học hỏi để vươn lên. Tiêu chuẩn TPP đặt ra có thể hiện tại quá cao, nhưng không phải là quá đáng, vì đó là xu hướng thế giới. Việt Nam cần thay đổi, cần dần hiện đại hóa để hội nhập thắng lợi”. |
Cho nên, quan điểm của ông Thành là “các chính sách về thuế trong chăn nuôi cũng nên có định hướng rõ ràng hơn về việc khuyến khích các mô hình chăn nuôi mới như các trang trại công nghệ cao, các hợp tác xã kiểu mới, hay những trang trại quy mô lớn có liên kết chặt chẽ với các hộ nông danh và nhà phân phối. Cấu trúc các loại thuế và phí cho sản phẩm chăn nuôi cũng cần được cơ cấu lại”.
Thực tế hiện nay, ông Thành cho biết: Các loại phí còn cao, phức tạp như trường hợp con gà và trứng gà phải “cõng” 14 đến 17 loại thuế và phí khác nhau từ thuế nhập khẩu thức ăn, phân bón, thuốc từ sâu, thuốc thú y đến thuế VAT và các loại phí kiểm dịch. Bên cạnh đó, nhiều loại thuế và phí còn chồng chéo và không hợp lý, làm tăng chi phí cho nông dân và doanh nghiệp. Các biện pháp giảm thiểu các vấn đề này còn mang tính đơn lẻ thay vì có hệ thống và toàn diện.
Đồng quan điểm, ông Tống Xuân Chinh cho hay, chi phí đội giá thành sản xuất trong ngành chăn nuôi ở Việt Nam, trong đó khoảng 6-7% về giống, 9-10% về thức ăn, các khâu trung gian về giết mổ là 8-12%. Như thế, cộng lại, khi so sánh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài sẽ thấy, chi phí trung gian ở Việt Nam rất lớn.
“Nếu chủ động được thức ăn, giảm trung gian về giống, giết mổ… sẽ giảm được giá thành sản phẩm đáng kể. Đây sẽ là bước quan trọng để nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm chăn nuôi”- ông Chinh khẳng định.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cảnh báo: Để hội nhập, Việt Nam phải biết chấp nhận từ bỏ một số ngành không có lợi thế vì nhiều ngành khác. Bởi theo bà Lan, “từ trước đến nay, ở ta quá tham, cái gì cũng muốn làm, ngành nào cũng đầu tư. Có những ngành đầu tư lớn nhưng cuối cùng phải dẹp bỏ. Hội nhập cũng đặt ra bài toán là chọn ngành nào để đầu tư, phát triển và phải biết từ bỏ một số ngành yếu kém"./.
Xuân Thân/VOV.VN