Tiếng Việt | English

26/07/2018 - 16:37

Ngôi miếu Bắc Bỏ và ân tình người dân ấp Đá Biên

Thương cảm những chiến sĩ tuổi mới đôi mươi từ miền Bắc vào Nam chiến đấu, hy sinh trong trận chiến trên rạch Đá Biên, vợ chồng ông Tư Tờ (Nguyễn Văn Tờ) lập ngôi miếu nhỏ để thờ, gần 30 năm qua vẫn ngày đêm thắp nhang cho các anh hùng liệt sĩ. Ngôi miếu Bắc Bỏ nay là Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8...

Ông Tư Tờ bên ngôi miếu Bắc Bỏ cũ

Ông Tư Tờ bên ngôi miếu Bắc Bỏ cũ

Nhớ trận đánh Đá Biên

Đường vào nhà ông Tư Tờ còn khó khăn. Bên kia dòng kênh 79, tấm bảng Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 nằm giữa ngã 3 kênh 79 và con rạch Bắc Bỏ. Có người đến viếng, ông Tư Tờ phải chạy vỏ lãi ra đón. Hai bên dòng kênh là những vạt tràm nhỏ chừng 1 năm tuổi. Chạy khoảng 5 phút, chiếc vỏ lãi dừng lại một gò đất cao - nơi mà gần 30 năm qua, vợ chồng ông ngày đêm thắp nhang cho những liệt sĩ Trung đoàn 207, Quân khu 8 hy sinh trong trận Đá Biên.

Ngồi trong ngôi miếu Bắc Bỏ cũ, bên cạnh là Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207, ông kể về trận Đá Biên. Lúc ấy, ông vừa tròn 10 tuổi... Đó là những ngày đầu tháng 10/1973, Trung đoàn 207 đang chiến đấu ở vùng Mỏ Vẹt thì được lệnh hành quân, chi viện cho Mỹ Tho. Đêm 3/10, Trung đoàn từ Ba Thu, biên giới Campuchia về ấp Đá Biên, huyện Mộc Hóa (tỉnh Kiến Tường cũ, nay thuộc ấp Đá Biên, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa) lúc trời vừa sáng. Không thể tiếp tục di chuyển, đơn vị trú quân vào các vạt rừng tràm, chờ đêm tối tiếp tục hành quân. Tháng 10 năm ấy, đúng vào mùa nước nổi, cả khu vực Đá Biên chỉ còn những vạt tràm là nơi trú ẩn. Phần lớn Trung đoàn 207 là sinh viên Đại học Xây dựng mới được bổ sung về đơn vị, chưa quen địa hình, lại thiếu kinh nghiệm nên vô tư mắc võng nghỉ ngơi, đốt củi nấu cơm, nước. Bị máy bay trinh sát của địch phát hiện, trong phút chốc, máy bay, xe bọc thép, pháo cối từ Kiến Bình, Kiến Tường đến bao vây, dội xuống bất cứ chỗ nào nghi ngờ có bộ đội ta trú ẩn. Địch khép vòng vây hòng bắt sống chỉ huy trung đoàn. Trước tình thế vô cùng hiểm nguy, đơn vị nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu với tinh thần cảm tử, bắn cháy máy bay trực thăng, tiêu diệt nhiều tên địch. Sau một ngày giao tranh ác liệt, lực lượng mở đường máu, đưa chỉ huy trung đoàn thoát khỏi vòng vây. Đổi lại tinh thần cảm tử là 291 đồng chí anh dũng hy sinh.

Ông Tư Tờ chạy vỏ lãi rước khách đến thăm

Ông Tư Tờ chạy vỏ lãi rước khách đến thăm

Những ngày tiếp theo, địch đưa trực thăng đến khu vực này nhằm tiêu diệt bộ đội ta, đồng thời canh giữ không cho lấy xác các chiến sĩ hy sinh. 12 ngày sau, đại đội trinh sát cùng lực lượng địa phương tổ chức lực lượng vào tìm đồng đội. Đá Biên mùa nước nổi, xác các anh không nơi chôn cất, đồng đội và người dân địa phương phải dùng lưới mùng, nylon bó lại treo lên hoặc cột chặt vào cây tràm. Những hài cốt thất lạc hòa vào đất trời Đá Biên.

Năm 1990, sau khi rời quân ngũ, vợ chồng ông Tư Tờ về ấp Đá Biên lập nghiệp. Ông thường nghe hàng xóm kể về vùng đất linh thiêng này. “Vợ chồng tôi đắp thêm đất trên gò, lập ngôi miếu nhỏ bằng cây tràm, lợp mái lá để ngày đêm thắp nhang. Những người miền Bắc xa xôi tử trận bên con rạch Bắc Bỏ nên tôi và mọi người gọi là ngôi miếu Bắc Bỏ. Cái tên ấy vẫn tồn tại đến giờ” - ông Tư Tờ cho biết.

Ngôi miếu Bắc Bỏ cũ vẫn còn, nằm một góc của khuôn viên Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207. Miếu Bắc Bỏ rộng chừng 20m2, có bàn thờ liệt sĩ. Nhiều năm trôi qua, người đến thăm vẫn thấy dòng chữ lờ mờ “Hy sinh gì (vì - PV) Tổ quốc” cùng ngày tháng lập miếu do vợ chồng ông nắn nót ghi trên ngôi miếu, phía trên là lá cờ Tổ quốc. Sau này, mỗi năm, gia đình ông cùng bà con trong ấp cùng nhau đắp bồi nên khuôn đất rộng cả trăm mét vuông. Ngôi miếu cũng được xây lại cao hơn, lợp mái tole vừa làm nơi thờ cúng liệt sĩ, vừa là chỗ nghỉ chân, trú mưa, tránh nắng của những người đi làm đồng. 21 năm qua, ngôi miếu ấy vẫn tồn tại giữa vùng quê nghèo Đá Biên...

Ân tình người dân Đá Biên

Ông Tư Tờ cho biết thêm, cứ mùng 8-9 âm lịch hàng năm, vợ chồng ông nấu mâm cơm, mang ra miếu cúng. Dần dần, những người làm ruộng quanh vùng cũng tập trung làm giỗ. “Đối với người dân Đá Biên, việc thờ cúng anh linh các liệt sĩ đã thành cái lệ hàng năm” - ông Tư Tờ tâm sự.

Năm 2016, các thế hệ  sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về  xây dựng tượng đài tri ân những người anh K16  đã hy sinh tại Đá Biên

Năm 2016, các thế hệ sinh viên Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về xây dựng tượng đài tri ân những người anh K16 đã hy sinh tại Đá Biên

“Một ngày đầu năm 2012, một đoàn khoảng 5-6 người ghé thăm nhà tôi, kể quá trình tìm đồng đội hy sinh trong trận chiến năm 1973. Nghe cái tên Bắc Bỏ rất lạ, họ tìm hiểu. Tôi dẫn đoàn ra miếu, kể về trận đánh năm nào. Cả đoàn rơi nước mắt, mừng vui vì sau gần 40 năm đã tìm được những đồng đội hy sinh. Tất cả rất cảm động khi biết 21 năm qua, đồng đội được người dân Đá Biên thờ cúng. Cũng trong lần trở về ấy, họ nói sẽ cố gắng vận động để xây lại ngôi miếu khang trang hơn” - ông Tư Tờ nhớ lại.

Nguyện vọng đó nhanh chóng được thực hiện. Thông qua vận động, Ngân hàng VietinBank tài trợ 5 tỉ đồng xây dựng khu tưởng niệm vào năm 2012. Gia đình ông Tư Tờ cũng hiến 5.000m2 đất để xây dựng khu tưởng niệm.

Dù là ngôi miếu Bắc Bỏ đơn sơ năm xưa hay Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 khang trang bây giờ, gần 30 năm qua, vợ chồng ông Tư Tờ và người dân Đá Biên vẫn ngày đêm thắp nhang, tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ. “Đó là cái tâm, nghĩa tình của người dân Đá Biên đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc” - ông Tư Tờ tâm tình.

Ngày ngày, ông Tư Tờ vẫn nhang khói, thờ cúng những chiến sĩ Trung đoàn 207 hy sinh trong trận Đá Biên

Ngày ngày, ông Tư Tờ vẫn nhang khói, thờ cúng những chiến sĩ Trung đoàn 207 hy sinh trong trận Đá Biên

Rời miếu Bắc Bỏ, tôi thực sự khâm phục ông - một con người chất phác. Ngôi miếu Bắc Bỏ và Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 vẫn nằm đó, giữa vạt tràm và mênh mông đồng lúa. Vong linh những anh hùng liệt sĩ năm nào giờ hóa vào từng tấc đất Đá Biên. Ở nơi đó, người dân Đá Biên lúc nào cũng tỏ lòng thành kính đối với các chiến sĩ Trung đoàn 207./.

Dù được đầu tư xây dựng nhưng hiện nay, đường vào Khu tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 207 còn khó khăn, phải dùng xuồng để đi. Người dân ấp Đá Biên cũng như gia đình ông Tư Tờ mong các cấp chính quyền xây dựng một cây cầu bắc qua dòng kênh 79 và sớm lắp đặt hệ thống điện để việc thăm viếng, nhang khói cho các liệt sĩ Trung đoàn 207 được chu đáo hơn.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết