Tiếng Việt | English

10/06/2024 - 09:49

Ngôi trường mang tên liệt sĩ Huỳnh Thị Mai

Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai là trường có học sinh đông nhất trong nhóm các trường mầm non, mẫu giáo của TP.Tân An, tỉnh Long An cũng là đơn vị thường xuyên nhận cờ đơn vị thi đua xuất sắc do UBND tỉnh trao tặng. Đặc biệt, công tác giáo dục truyền thống, lòng biết ơn cho học sinh được trường chú trọng, với nhiều hình thức sinh động, sáng tạo.

Hoạt động giáo dục truyền thống tại Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai

1. “Hàng năm, vào dịp 30/4, 22/12, trường đều phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức các hoạt động: Hành quân, tái hiện chiến thắng 30/4 cho học sinh. Qua những hoạt động này, các bé có được những trải nghiệm chân thực, vui vẻ, hiểu hơn về lịch sử, truyền thống và những hy sinh lớn lao của người đi trước nhằm giáo dục lòng biết ơn trong trẻ. Hơn nữa, trường vinh dự mang tên một liệt sĩ, cán bộ cách mạng nên học sinh càng cần phải hiểu để tự hào về điều đó” - Phó Hiệu trưởng trường Mầm non Huỳnh Thị Mai - Trần Hồng Phúc nói.

Theo thông tin lịch sử, bà Huỳnh Thị Mai tham gia cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, Bí thư Thị ủy Tân An trước khi hy sinh.

Huỳnh Thị Mai tên khai sinh là Huỳnh Thị Dung, có bí danh là Hai Mai, Huỳnh Ngọc Tuyền, sinh năm 1930 ở làng Bình Chánh, huyện Thủ Thừa. Có thông tin cho rằng, tên Huỳnh Thị Mai xuất phát từ việc bà sử dụng bí danh của chồng (Năm Mai) để hoạt động cách mạng từ sau khi ông hy sinh.

Bà Huỳnh Thị Mai tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi và được kết nạp Đảng năm 18 tuổi. Năm 1966, bà là Thường vụ Huyện ủy Bến Thủ, nhiều lần lãnh đạo các cuộc đấu tranh có quy mô lớn với địch, có cuộc số người tham gia lên đến hàng ngàn quần chúng. Năm 1969, bà được rút lên Phân khu 2, là ủy viên chính thức, phụ trách công tác phụ nữ.

Trong tình hình địch đánh phá cơ sở ác liệt, tháng 10/1970, Phân khu chỉ đạo tái lập Huyện ủy Thủ Thừa, phân công bà Huỳnh Thị Mai làm Bí thư. Trong giai đoạn này, trên chiến trường Long An cũng như ở huyện Thủ Thừa, địch tập trung nhiều lực lượng đánh phá ác liệt với thủ đoạn thâm độc gây thiệt hại cho ta. Dù gặp nhiều khó khăn, phức tạp nhưng Huyện ủy Thủ Thừa, đứng đầu là bà Huỳnh Thị Mai vẫn chỉ đạo các chi bộ, bộ đội địa phương, du kích kiên cường bám trụ, tìm mọi cách tấn công địch, phá lỏng, làm tan rã thế kìm kẹp của địch để giữ và mở rộng địa bàn đứng chân, tiếp tục tiến công phá hoại kế hoạch bình định của địch trên địa bàn huyện.

Đồng chí Huỳnh Thị Mai cùng Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo lực lượng ta thường xuyên tổ chức nhiều trận đánh lớn, nhỏ tấn công địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Đầu năm 1972, địch mở chiến dịch đánh phá các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Cần Đước,... Tại Thủ Thừa, Huyện ủy chỉ đạo lực lượng vũ trang các xã tranh thủ thời cơ hỗ trợ bộ đội chủ lực tiến công tiêu diệt địch, đẩy mạnh nhiệm vụ xây dựng cơ sở, hình thành thế trận chiến tranh nhân dân với ba mũi giáp công, giành lại thế chủ động ở vùng nông thôn. Phong trào trừ gian diệt ác được đẩy mạnh. Phong trào cách mạng chuyển biến tích cực, quân, dân Thủ Thừa phục hồi thế và lực chiến tranh nhân dân trong toàn huyện. Phần lớn hoạt động phòng vệ dân sự của địch bị vô hiệu hóa, tề ấp, tề xã hoạt động cầm chừng, nhiều đồn, bót bị phá bỏ, hàng chục tên ác ôn bị tiêu diệt, vùng giải phóng được giữ vững.

Thư viện của Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai

Đến tháng 3/1974, đồng chí Huỳnh Thị Mai được điều về thị xã Tân An giữ vị trí Bí thư Thị ủy. Tháng 6/1974, sau hội nghị Tỉnh ủy mở rộng ở Ba Thu, trên đường về, bà bị địch phục kích bắn hy sinh. Ghi nhớ những đóng góp của nữ cán bộ cách mạng Huỳnh Thị Mai, ngày nay, tại TP.Tân An có tuyến đường mang tên Huỳnh Thị Mai. Cơ sở 2 của Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai cũng nằm trên tuyến đường đó.

2. Theo bà Trần Hồng Phúc, hiện trường có 3 cơ sở, nằm trên đường Huỳnh Văn Gấm, Huỳnh Thị Mai và hẻm 134, Quốc lộ 1. Trường hiện có 17 nhóm lớp, trong đó có 2 nhóm nhà trẻ. Cơ sở vật chất đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Ngoài các phòng học được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học cần thiết, trường còn có các phòng chức năng: Âm nhạc, tin học, ngoại ngữ, thể chất, giáo dục montessori và cả thư viện.

Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai là trường đi đầu trong xây dựng thư viện trường mầm non trên địa bàn TP.Tân An. Thư viện trường hiện có khoảng 1.000 đầu sách cho học sinh và giáo viên. Bà Trần Hồng Phúc chia sẻ, để có được thư viện cho học sinh, Ban Giám hiệu đi TP.HCM, tìm các cửa hàng bán kệ cũ, sách cũ, chọn mua từng kệ sách, từng quyển sách để tiết kiệm chi phí. “Kệ mua về không dùng được ngay, giáo viên cùng nhau thiết kế lại cho phù hợp theo tiêu chí thích hợp, an toàn và đẹp. Còn về sách, dù là sách cũ, chúng tôi cũng chọn lựa từng quyển để bảo đảm sách vẫn đẹp, nội dung sách phù hợp với trẻ” - bà Trần Hồng Phúc chia sẻ.

Học sinh Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (TP.Tân An) hành quân nhân dịp kỷ niệm ngày 22/12

Bên cạnh chăm sóc, giáo dục trẻ theo chương trình giáo dục mầm non, Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai còn chú trọng giáo dục kỹ năng cho trẻ qua nhiều hoạt động: Làm quen với tiếng Anh, ngoại khóa trải nghiệm, tổ chức gian hàng, ngày hội cho trẻ vui chơi,...

Qua các hoạt động đó, trường tạo cơ hội cho trẻ học kỹ năng tự phục vụ, hành vi văn minh, tự bảo vệ,... Nhờ vậy, trường nhận được sự tin tưởng của đông đảo phụ huynh trên địa bàn TP.Tân An./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết