Tiếng Việt | English

08/02/2017 - 14:45

Người dưng khác họ đem lòng mến nhau

2 con người không họ hàng thân thuộc, cũng chẳng máu mủ ruột rà nhưng lại yêu thương, nương tựa nhau để sống. Vì cùng chung hoàn cảnh khó khăn, vì tình người, họ trở thành người thân trong gia đình mặc dù chỉ là người dưng khác họ...


Chị Nguyễn Thanh Tuyền và bà Nguyễn Thị Diền cùng yêu thương, đùm bọc lẫn nhau

2 mảnh đời

“Bà lớn tuổi rồi, sao chị không để bà ở nhà nghỉ ngơi mà lại theo chị đi bán vé số?”. Nhiều khách hàng vẫn thường hỏi như vậy khi thấy một phụ nữ độ tuổi trung niên tay cầm xấp vé số đi bán, tay còn lại dắt cụ già trong bộ đồ bà ba dò dẫm từng bước theo sau. Nghe nhiều người hỏi, chị Nguyễn Thanh Tuyền, 47 tuổi, quê ở xã Long Thuận, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An nhẹ nhàng giải thích: “Bà không phải mẹ ruột. Tôi và bà gặp, quen nhau trong những lần đi chùa. Thấy hoàn cảnh bà đáng thương, cũng một thân một mình như tôi nên về ở gần nhau. Hàng ngày, tôi bán vé số kiếm tiền, còn bà, nếu gặp người tốt bụng cho tiền thì bà nhận để xoay sở cuộc sống”.

Ai cho tiền thì bà Nguyễn Thị Diền (76 tuổi) nhận chứ không mở lời xin dù rất nghèo! Những người cho bà năm, mười ngàn đồng là những người tốt bụng, “cảm” trước hình ảnh của bà nên giúp đỡ. Theo lời kể của bà Diền, quê bà ở tận tỉnh An Giang. Nhà nghèo, năm 12 tuổi, bà đi bán bánh để kiếm sống, phụ giúp gia đình. Tuổi thơ cứ ngỡ trôi qua trong tháng ngày bình lặng chốn quê nhà nhưng năm 13 tuổi, một cơn
bệnh vĩnh viễn cướp đi ánh sáng trong đôi mắt ngây thơ của cô bé Diền ngày đó. Bà Diền nói với giọng buồn buồn: “Khi mới bị mù, tôi muốn chết cho xong. Đi loanh quanh trong nhà cũng té lên, té xuống. Nhờ người nhà động viên, tôi đi đứng quen dần và lấy lại niềm tin, nghị lực từ đó”.

Cú sốc đó rèn cho bà bản năng vượt qua nghịch cảnh! Ngày cha mẹ qua đời, bà đến nhà thuốc Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp xin phụ giúp việc bốc thuốc, cạo gió. “Dường như khi mất cái này thì người ta lại được bù đắp bằng thứ khác. Vì vậy, dù đôi mắt không nhìn thấy nhưng sau thời gian tập luyện, tôi đi lại và làm việc nhanh nhẹn, thành thạo tại nhà thuốc. Từ ngày đó, tôi thường xuyên đi chùa lễ Phật để cầu may mắn, sức khỏe” - bà Diền chia sẻ.

Cũng trong những lần đi chùa, bà gặp chị Tuyền - người phụ nữ có cuộc đời không mấy trọn vẹn. Thời con gái, chị cũng có mái ấm gia đình nhưng không hạnh phúc. Sau khi lựa chọn con đường riêng của mỗi người, chị Tuyền ở cùng cha mẹ ruột và nuôi các con. “Bây giờ, các con trưởng thành, có cuộc sống riêng ổn định, bản thân không thể sống nhờ cha mẹ, anh em mãi trong khi họ cũng chẳng khá giả gì nên tôi chọn cuộc sống tự lập một thân một mình” - chị Tuyền chia sẻ. Nếu sống một mình với nghề bán vé số, tuy không giàu nhưng chị Tuyền có thể tự lo cho bản thân; đằng này, chị lại gánh vác, chia sẻ thêm phần đời bất hạnh của bà Diền chỉ vì tình người, tình thương mà thôi!

1 cuộc sống

Từ ngày chọn cuộc sống đơn thân cho đến nay, chị Tuyền sống bằng nghề bán vé số. Và chiếc ghe nhỏ vừa là mái nhà, vừa là phương tiện mưu sinh theo con nước của chị suốt mấy năm qua. “Sáng đi bán, chiều về quanh quẩn trên chiếc ghe nhưng tôi cảm thấy vui và thoải mái. Vui vì mình tự lo được cho bản thân bằng nghề chân chính. Mấy năm nay, có bà Ba (bà Diền) ở gần, cuộc sống thêm vui vì có người bầu bạn. Bà ngại, sợ phiền nên không chịu ở chung ghe mà được sự giúp đỡ của nhiều người, bà mua một chiếc ghe khác đậu cạnh tôi. Tuy 2 người ở 2 ghe nhưng hễ tôi đi đến đâu thì kéo ghe bà theo, neo đậu cạnh bên” - chị Tuyền cho biết.

Có khi, ghe chị Tuyền neo đậu tại chân cầu La Khoa, huyện Thạnh Hóa, khi thì theo con nước đến cầu Đức Hòa rồi đi bán vé số quanh khu vực dân cư gần đó. Và, hiện tại, chị đang “dừng chân” ở cầu Phú Mỹ - nơi giáp nhau giữa tỉnh Tiền Giang và Long An. Dù ở đâu, cuộc sống của chị Tuyền, bà Diền vẫn vậy! Vẫn là những ngày dậy từ sáng sớm, cuốc bộ trên đường đến chiều để bán 100 tờ vé số. “Cuộc sống bây giờ tuy chỉ đủ trang trải hàng ngày nhưng tôi chỉ mong có sức khỏe để đi bán vé số là được rồi” - chị Tuyền nói.

100 tờ vé số với 100.000 đồng tiền lời, chị ăn uống tiết kiệm, dành dụm một ít phòng lúc ốm đau. Có hôm, khi ngang qua chợ, thấy thức ăn ngon, chị mua về cho bà Diền. “Nó giúp hoài, tôi rất ngại! Vì vậy, có lần, khách mua vé số thấy tôi đáng thương nên cho vài trăm ngàn đồng. Tôi đưa cho Tuyền một ít nhưng nó nhất quyết không lấy mà nói “bà Ba để dành khi bệnh đau có tiền uống thuốc”. Những lúc khỏe, tôi tự nấu ăn, còn khi bệnh, dù đi bán vé số về mệt nhưng Tuyền vẫn xách nước, nấu cơm giùm tôi” - bà Diền kể.

Câu chuyện “chia ngọt sẻ bùi” của 2 con người xa lạ khiến nhiều người cảm động! Anh Trần Công Minh, 53 tuổi, chủ Cửa hàng Xăng dầu Thân Hòa, ở xã Phú Mỹ, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang cho biết: “Chị Tuyền và bà Diền đậu ghe cặp mé sông phía sau nhà tôi một vài lần. Lúc đầu cứ tưởng 2 người là mẹ con ruột nhưng trong thời gian neo đậu ở đây, cùng trò chuyện mới biết họ chẳng bà con gì. Ấy vậy mà, chị Tuyền nhiệt tình giúp bà. Dù đó chỉ là những chuyện nhỏ như nấu những bữa cơm đơn giản, dắt bà lên ghe, xách giùm thùng nước cũng là việc làm tốt dành cho một người lớn tuổi lại bị mù như bà Diền”.

Thấy 2 người dưng lại thương nhau đến vậy nên anh Minh, tuy cũng là người dưng nhưng sẵn sàng giúp đỡ họ. Theo lời chị Tuyền và bà Diền, những ngày đậu ghe ở gần cây xăng của anh Minh, anh kéo điện cho chị thắp sáng. Trong nhà có bánh trái, anh cũng cho và còn hỗ trợ tiền cho bà sửa lại chiếc ghe gần hư sau những ngày tháng lênh đênh.

“Người với người sống để yêu nhau” - câu triết lý sống ấy cũng là câu chuyện đùm bọc, yêu thương của 2 con người xa lạ như chị Tuyền, bà Diền trong cuộc sống hôm nay./.

Thùy Hương

Chia sẻ bài viết