Tiếng Việt | English

20/10/2023 - 13:00

Người giữ ‘bếp nhà’

Mỗi người có một khái niệm khác nhau về hạnh phúc và trong mỗi giai đoạn, hạnh phúc với mỗi người cũng khác nhau. Nhiều người cho rằng, phụ nữ đóng vai trò chính trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, thế nhưng, nếu không có nam giới thì liệu phụ nữ có đảm đương hết vai trò đó không? Cùng xây dựng hạnh phúc gia đình là trách nhiệm chung của mỗi thành viên và cần có sự chung tay của cả người vợ lẫn người chồng.

Lần tái hợp này, vợ chồng chị Phương Thảo điều chỉnh cách ứng xử để có thể hòa hợp với nhau

Lần tái hợp này, vợ chồng chị Phương Thảo điều chỉnh cách ứng xử để có thể hòa hợp với nhau

“Gương vỡ lại lành”

Nhiều cặp đôi sau khoảng thời gian chung sống đã không tìm được tiếng nói chung. Họ chia tay và mang trong lòng những tổn thương tưởng chừng như không thể chữa lành. Lúc đó, việc cho đối phương một cơ hội là điều dường như không thể xảy ra. Đã có khoảng thời gian dài, cả hai thậm chí không thể chạm mặt nhau, nơi nào “có anh” thì “không có tôi”. Nhưng rồi sau tất cả, họ hóa giải được mâu thuẫn trước kia và trở về chung một mái nhà.

Gia đình chị Phương Thảo (xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) là một trong những trường hợp như thế. Anh chị cùng làm chung trong lĩnh vực giày da. Anh lo khâu tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chị đảm nhận việc sản xuất, gia công. Mâu thuẫn gia đình cũng bắt đầu từ công việc.

Chị Thảo chia sẻ, vợ chồng làm chung nên dễ phát sinh mẫu thuẫn. Những lúc đơn hàng gấp, do áp lực công việc, anh nặng lời với chị. Rồi khi phải bồi thường hợp đồng, anh cho rằng chị làm trễ tiến độ. Chị lại cho rằng những đơn hàng đó khó thực hiện và tay nghề công nhân của xưởng chưa đáp ứng được nhưng anh vẫn nhận về làm. Những mâu thuẫn cứ thế âm ỉ trong 7-8 năm.

Ngày quyết định ly hôn, chị cứ tưởng sẽ không thể nào tha thứ được cho anh vì những tổn thương anh đã gây ra cho mình. Sau 3 năm, anh và chị đều đã gầy dựng được sự nghiệp riêng và họ lại trở thành đối tác của nhau. Những lúc công ty anh gặp khó khăn, chị điều động nhân lực hỗ trợ. Rồi khi công ty chị thiếu vốn sản xuất, anh lại cho mượn. Cứ thế, mối quan hệ ngày càng được hàn gắn, nhất là khi 2 người đã có 2 đứa con chung.

Từ chỗ hỗ trợ nhau trong công việc, họ “gương vỡ lại lành”. Lần “trở lại” này, vợ chồng anh chị đều điều chỉnh bản thân, cách ứng xử, thái độ làm việc bởi hơn ai hết, họ hiểu được đã tổn thương từ đâu và cần điều chỉnh những gì.

Tương tự trường hợp của chị Phương Thảo, gia đình chị Trúc Thanh (phường 3, TP.Tân An) cũng trải qua một lần đổ vỡ vì những bất đồng trong quan điểm sống. Vợ chồng chị đều là dân tỉnh đến TP.HCM lập nghiệp.

Giai đoạn khó khăn, cả 2 động viên nhau cố gắng. Vậy mà, khi cuộc sống ổn định hơn, anh chị lại phát sinh mâu thuẫn. Khoảng thời gian sau ly hôn, chị Thanh chìm trong oán giận. Được sự động viên của gia đình và bạn bè, chị dần tìm lại cân bằng trong cuộc sống và vẫn giữ liên lạc với chồng cũ để cùng lo cho con. Trải qua một số biến cố trong cuộc sống, anh chị dần có cái nhìn thoáng hơn về đối phương và nhiều lần trao đổi thẳng thắn về những chuyện đã qua. Ở đó, có lỗi của anh và cũng có một phần lỗi của chị.

Và sau 4 năm chia tay, họ trở về bên nhau sau khi đã hóa giải được những mâu thuẫn. Chị Thanh cho biết: “Mình không thể đòi hỏi “nửa kia” phải sống theo cách của mình. Khi biết chấp nhận mọi việc ở mức độ tương đối, chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn. Lần tái hợp này không còn tình yêu nồng nàn của thời tuổi trẻ mà là sự thông cảm, hiểu nhau hơn”.

Những câu chuyện “gương vỡ lại lành” trong xã hội ngày nay không ít bởi với họ, tình yêu vẫn còn và khi biết thông cảm, hiểu nhau hơn và điều chỉnh bản thân, họ lại quay về bên nhau để tiếp tục xây tổ ấm, nuôi dạy các con.

“Hậu phương” của phụ nữ 2 giỏi

Người ta vẫn thường nói: "Phía sau sự thành công của một người đàn ông luôn có bóng dáng phụ nữ" và ngược lại, để phụ nữ hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm với gia đình và xã hội cần có sự hỗ trợ của người đàn ông bên cạnh họ. Chính sự yêu thương, thấu hiểu và chia sẻ của người chồng sẽ giúp phụ nữ có thêm động lực để cố gắng. Chia sẻ về điều này, chị Tuyết Nhi (xã Mỹ Lạc, huyện Thủ Thừa) cho biết: “Ông xã ủng hộ tôi rất nhiều cả trong công việc và gia đình. Khoảng thời gian tôi dạy học ở huyện Tân Thạnh, anh giúp tôi chăm lo cho gia đình 2 bên. Mỗi khi gia đình tôi có việc, anh đều sốt sắng hỗ trợ”.

Nói về danh hiệu Phụ nữ 2 giỏi, chị Tuyết Nhi cười tươi: “Tôi chỉ nhận 1 giỏi thôi, còn 1 giỏi kia để dành tặng chồng. Nếu không có anh hỗ trợ, chia sẻ, có lẽ tôi không thể đảm đương hết việc trường, việc nhà”.

Nhờ sự hỗ trợ của chồng, chị Tuyết Nhi (bìa phải) hoàn thành tốt hơn công việc ở trường

Nhờ sự hỗ trợ của chồng, chị Tuyết Nhi (bìa phải) hoàn thành tốt hơn công việc ở trường

Còn khi nói về “hậu phương” vững chắc của mình, cô Cẩm Tiên - giáo viên Trường Mầm non Huỳnh Thị Mai (TP.Tân An), tự hào: “Mẹ chồng chính là người động viên tôi rất nhiều. Và “hậu phương” của tôi chính là mẹ chồng. Mẹ luôn hỗ trợ từ việc nhà đến việc chăm sóc các con để vợ chồng tôi yên tâm công tác”.

Công việc của một giáo viên mầm non khá vất vả. Những hôm đi ca sáng, cô Cẩm Tiên phải đến trường thật sớm để đón trẻ, chồng và cha mẹ chồng hỗ trợ cô đưa các con đi học. Những lúc cao điểm như đầu năm học mới, tham gia các hội thi,... “hậu phương” luôn chu toàn “việc nhà” để cô an tâm lo “việc nước”.

Cô Cẩm Tiên chia sẻ thêm: “Sống chung với cha mẹ chồng nhưng tôi hoàn toàn không có áp lực. Những lúc bất đồng quan điểm, các thành viên cùng trao đổi thẳng thắn, góp ý nhẹ nhàng. Cha mẹ chồng tôi không bảo thủ nên ý kiến nào của các con hợp lý, cha mẹ sẽ ủng hộ”.

Với cô Cẩm Tiên, mẹ chồng là “hậu phương” vững chắc để cô có nhiều thời gian dành cho công việc hơn

Với cô Cẩm Tiên, mẹ chồng là “hậu phương” vững chắc để cô có nhiều thời gian dành cho công việc hơn

“Giữ lửa” hạnh phúc gia đình là trách nhiệm và sự chung tay của tất cả các thành viên, trong đó, phụ nữ đóng vai trò chính bởi họ là những người vợ, người mẹ, người “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Khi “bếp nhà đỏ lửa” thì hạnh phúc sẽ được vun đầy./.

Tâm An

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích