Cô Nguyễn Thị Thùy Trang tìm được niềm vui trong dạy trẻ
Hết lòng vì trẻ
Vì yêu trẻ con, thích vui chơi, trò chuyện cùng các bé nên cô Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1994, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, ngành Giáo dục mầm non. Sau khi tốt nghiệp, cô thi đậu kỳ thi tuyển viên chức của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Trụ và về dạy tại Trường Mẫu giáo Lạc Tấn cho đến nay. Đây là ngôi trường mà cô từng học thuở bé. Cũng từ đó, cô trở thành đồng nghiệp với các giáo viên mà cô từng được học.
“Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ, các cô còn lo lắng cho tôi “với sức vóc nhỏ nhắn này liệu trụ nổi với nghề được bao lâu”. Vậy mà, đến nay cũng đã hơn 7 năm công tác, tôi được phụ huynh tin yêu, đồng nghiệp tín nhiệm giới thiệu nhân sự đề nghị tổ trưởng chuyên môn khối mẫu giáo 3-4 tuổi. Là tổ trưởng chuyên môn, tôi luôn hỗ trợ hết mình cho các đồng nghiệp, tham mưu lãnh đạo nhà trường các giải pháp hữu ích cho công tác của đơn vị” - cô Trang nói.
Tuy là GV trẻ nhưng bằng lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề cô Trang luôn để lại ấn tượng sâu sắc đối với các bạn nhỏ và phụ huynh. Cô Trang tâm sự: “Trẻ thơ như tờ giấy trắng, GV vẽ lên đó những điều hay, dạy cho các cháu những kỹ năng sống làm người, biết lễ phép, vì GVMN là người đặt nền móng ban đầu cho các cháu”. Cô cũng chính là "người mẹ thứ 2", dỗ dành mỗi khi trẻ khóc nhè, dìu các con đứng dậy mỗi khi té ngã và cũng là người đầu tiên dạy con biết từng con chữ “a”, chữ “o”. Với tinh thần trách nhiệm của một nhà giáo, cô luôn đặt chất lượng giáo dục lên hàng đầu và thực hiện tốt những công việc mà một GVMN cần làm.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học hệ mầm non, cô Trang tích cực tham gia nhiều lớp tập huấn chuyên môn do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, nhà trường tổ chức. Những lớp tập huấn này giúp cô tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để đem đến với trẻ, cộng hưởng với sự quan tâm, hết lòng chăm sóc chỉ dạy nên học trò xem cô như "người mẹ thứ 2".
Với những nỗ lực của mình, cô Nguyễn Thị Thùy Trang đạt nhiều thành tích tiêu biểu trong sự nghiệp "trồng người"
Cô Trang luôn ý thức rằng, để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thì GV cần phải có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc và yêu thương học sinh như con của mình. Cô luôn tích cực, chủ động cập nhật các phương pháp giáo dục tiên tiến để ứng dụng vào trong các hoạt động tổ chức cho trẻ. Bởi vậy, mỗi hoạt động của cô đều thu hút và khơi gợi sự hứng thú, tích cực của trẻ. Cô còn thường xuyên được nhà trường phân công bồi dưỡng các bé tham gia các cuộc thi năng khiếu.
Với nỗ lực không ngừng, cô Trang đoạt giải Nhì Hội thi GV dạy giỏi cấp tỉnh; đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 3 năm liền và rèn trẻ đoạt giải cao trong các hội thi như Bé vẽ tranh, Bé khéo tay, An toàn giao thông, Liên hoan tiếng hát tuổi mầm non.
“Là GV mầm non, tôi phải đối diện với vô vàn những áp lực vô hình. Trẻ bị ngã, bị những thương tổn khó có thể tránh mỗi khi vui chơi cùng bạn bè, rồi kéo theo đó là áp lực từ phía phụ huynh. Dẫu vậy, tôi luôn cố gắng vượt qua vì mỗi ngày được đến trường, chăm sóc, dạy dỗ những mầm non tương lai, tôi cảm thấy đó là một niềm hạnh phúc, niềm vui to lớn mỗi ngày” - cô Trang tâm sự.
Tất bật cả ngày
Sau giờ hoạt động góc trong lớp, đến giờ ăn, cô Nguyễn Thị Hồng Xuân (SN 1987) - GV lớp lá, Trường Mầm non Thị Trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, cho các bé ra bàn ăn. Cô cùng đồng nghiệp hướng dẫn các em ngồi đúng chỗ và mang phần ăn đến cho từng bé. Cô cũng liên tục quan sát, nhắc nhở học sinh ăn nghiêm túc và giúp đỡ khi các bé cần. Giờ ăn kết thúc, các bé quay vào phòng, cô lại ân cần thay quần áo, chải lại tóc, xếp chỗ ngủ cho từng em. Hơn 12 giờ trưa, khi các bé đã ngủ, cô mới có chút thời gian cho mình.
Cô Nguyễn Thị Hồng Xuân trong giờ ăn cùng trẻ
Đó chỉ là một phần công việc thường ngày của những GVMN nói chung và cô Xuân nói riêng. Cô Xuân vào nghề gần 15 năm và cảm thấy hạnh phúc khi làm công việc yêu thích từ lúc còn nhỏ. Cô Xuân bộc bạch: “Làm GVMN tuy vất vả nhưng rất vui. Niềm vui lớn nhất của tôi là được học sinh yêu quý”.
Cô Xuân học chuyên ngành Sư phạm mầm non của Trường Đại học Đồng Tháp. Sau khi tốt nghiệp, cô dạy tại tỉnh Đồng Tháp 2 năm. Từ năm 2011 đến nay, cô dạy tại Trường Mầm non Thị Trấn Tầm Vu. Thời gian đầu đi dạy, cô Xuân gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Nhờ sự quan tâm của Ban Giám hiệu nhà trường, sự giúp đỡ của đồng nghiệp, cô dần thích nghi và làm tốt nhiệm vụ được giao. Cô Xuân chia sẻ: “Để trẻ làm quen với trường, lớp, GV phải gần gũi, yêu thương; cho trẻ tham gia nhiều hoạt động, tương tác trực tiếp với đồ vật để mạnh dạn, tự tin. Trẻ thường thích khám phá, trải nghiệm, do đó, để các em nhớ bài lâu hơn, tôi thường tạo điều kiện để trẻ cùng làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, vừa học, vừa chơi tạo tâm lý thoải mái cho trẻ”.
“Đầu năm học, trẻ hay khóc. Vì vậy, lúc đón bé từ mẹ, tôi phải dỗ dành cho trẻ nín khóc. Đặc biệt, đầu năm học, cô giáo phải tạo ấn tượng tốt, yêu thương, nhẹ nhàng với trẻ để bé cảm thấy an tâm vui chơi; đồng thời, trang trí lớp học đẹp mắt để trẻ hứng thú học tập, phụ huynh cảm thấy an tâm khi gửi trẻ đến trường” - cô Xuân nói.
Cô Nguyễn Thị Hồng Xuân sắp xếp lại đồ chơi, đồ dùng dạy cho trẻ
Với trẻ mầm non, ngoài giảng dạy, các cô còn chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Phải liên tục xây dựng hoạt động cho các bé vừa học, vừa chơi, cô Xuân ít có thời gian nghỉ ngơi. Thế nhưng, chưa khi nào cô cảm thấy hối hận về quyết định trở thành GVMN của mình.
Trong quá trình công tác, cô Xuân đạt nhiều thành tích, tiêu biểu như đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; GV giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023; GV giỏi cấp huyện nhiều năm liền; Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, 2022; nhận Bằng khen của UBND tỉnh về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học 2015-2016. Ngoài ra, cô cùng đồng nghiệp tập luyện học sinh đạt nhiều thành tích cao như giải Nhất Tiếng hát mầm non huyện năm học 2022-2023;...
Bất kỳ nghề nghiệp, công việc nào cũng có nỗi vất vả riêng. Tuy nhiên, nghề GVMN có những đặc thù, nỗi niềm riêng không dễ gì trải lòng. Chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ đã khó, với GVMN, khi đảm nhận trách nhiệm chăm sóc, giáo dục vài chục đứa trẻ trong một lớp học không phải điều đơn giản. Bởi vậy, các cô giáo mầm non chẳng khác nào “người mẹ thứ 2” của trẻ./.
Trà Long