Sàng lọc bệnh nhân tiểu đường tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. (Ảnh: BVCC)
Đường máu tăng cao vì ăn thừa đạm
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường, chuyên khoa nội tiết - đái tháo đường, cho biết với bệnh nhân được chẩn đoán bị tiểu đường, trong phương pháp điều trị ngoài uống thuốc cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Hiện hầu hết mọi người bị đái tháo đường thường kiêng chất bột đường vì biết dễ làm đường máu tăng. Nhưng nhiều người chưa biết rằng không phải tất cả đường trong máu đi trực tiếp từ thực phẩm chúng ta ăn vào.
Đường glucose có vai trò sống còn với cơ thể, nên chúng ta có cơ chế tạo đường glucose từ các nguồn khác nhau khi chúng ta không ăn. Khả năng chuyển đổi đường từ các nhóm thức ăn khác nhau: chất bột đường: 100%; chất đạm: 60%; chất béo: <>
Bác sĩ Cường phân tích nguồn dự trữ đường (dưới dạng glycogen) lớn nhất trong cơ thể là ở gan. Gan được ví như là một nhà máy sản xuất ra rất nhiều thứ chúng ta cần hằng ngày, một trong những thứ quan trọng nhất là đường glucose.
Khi chúng ta ăn, thực phẩm được tiêu hóa đến phần nhỏ nhất trong ruột và được hấp thu vào máu.
Một số vật chất đó được sử dụng làm năng lượng, một số khác được dùng để xây dựng và tái tạo cơ thể, số còn lại được chuyển đổi thành dạng cất trữ. Thực phẩm có chứa carbonhydrate (cơm, gạo, bánh mì, bánh phở, bún miến, khoai củ, ngô, sắn, các loại quả) khi vào đến ruột được bẻ gãy đến phần tử nhỏ nhất là đường glucose.
Chính vì vậy khi ở dạng thô, các loại thức ăn ở các dạng rất khác nhau, nhưng vào đến ruột và máu thì đều được chuyển đổi thành đường glucose.
Do vậy bệnh nhân tiểu đường cần biết tính lượng gram carbonhydrate (hay lượng chất đường) ăn vào, dù thức ăn đó có là cơm, phở, bánh mì, khoai củ, sữa hay hoa quả ngọt.
Thực phẩm có chứa chất đạm như thịt, cá, thịt gia cầm, sữa khi vào đến dạ dày - ruột đều bị bẻ gãy thành các axit amin.
Các axit amin này dùng để xây dựng cơ thể, số không dùng hết được đưa đến gan và chuyển đổi thành đường glycogen để cất trữ. Chính vì vậy, khi ăn quá nhiều chất đạm hoặc truyền thừa lượng đạm cũng làm gia tăng đường máu nhưng có độ trễ muộn hơn.
Tụy heo, bò có làm tăng insulin?
Một điều nữa có thể bạn chưa biết rằng insulin chính là một chất đạm, do vậy dù có ăn nhiều tụy heo, bò... thì cũng không thể làm tăng lượng insulin trong máu được vì insulin có trong tụy bò, heo đã bị tiêu hóa thành các axit amin rồi mới được hấp thu vào máu.
Các nhà khoa học cũng đã cố gắng tạo ra các dạng thuốc insulin có thể uống bằng cách gói các phần tử insulin vào trong vỏ bọc khó bị phá hủy bởi men tiêu hóa, sau đó chúng sẽ được hấp thu vào máu.
Đã tồn tại những chế phẩm insulin uống như vậy, nhưng rất tiếc là việc đó tiêu phí rất nhiều insulin và khả năng hấp thu cũng không đều nhau nên hệ quả là đường máu rất khó ổn định.
Trong đêm khi ta ngủ, gan biến đổi đường glycogen dự trữ thành đường glucose và đưa chúng vào máu. Chính vì vậy đường máu của chúng ta luôn được duy trì từ 3,3 - 5,5mmol/l (60-100mg/dl).
Mỡ và cơ có thể chuyển đổi thành đường glucose nếu chúng ta nhịn ăn lâu ngày. Insulin có vai trò quan trọng điều chỉnh toàn bộ quá trình này. Nếu không đủ lượng insulin, quá trình biến đổi trên trở nên không kiểm soát được và đường máu vẫn tăng cao mặc dù chúng ta không ăn gì.
Chất đạm. (Ảnh minh họa)
Ăn đủ để tránh suy thận
Bác sĩ Nguyễn Huy Cường nhấn mạnh hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường là thấp glucid và giàu protein đang được phổ biến. Tuy nhiên, nhu cầu khuyến nghị chế độ ăn cho người bệnh tiểu đường được khuyên là 10 - 20% năng lượng từ protein.
Phần trăm năng lượng protein trong một số bữa ăn nhẹ và những thực phẩm được thiết kế cho bệnh tiểu đường là cao tới 30% năng lượng, trong khi glucid chỉ cung cấp 40% năng lượng trong các thực phẩm này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người tiểu đường bị bệnh thận có thể bị suy thận nhanh hơn nếu dùng quá nhiều chất đạm trong bữa ăn.
Vì vậy, người ta khuyến cáo nên ăn từ 15 - 20% năng lượng khẩu phần/ngày từ chất đạm (người bình thường là 12 - 14%).
Một người nặng 60kg có thể ăn chừng 200-350g thịt, cá/ngày. Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ…) vừa rẻ tiền mà các loại đậu, lạc có chỉ số đường huyết thấp hơn. Hạn chế tối đa thịt hộp, pa tê, xúc xích, thay vào đó hãy ăn cá, trứng sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu...
Ưu tiên cá mòi và cá trích vì trong hai loại cá này có chứa chất béo có lợi cho việc chống lại bệnh tim mạch và ung thư. Người tiểu đường có thể ăn các loại thịt heo, thịt bò đã lấy sạch mỡ. Tránh tuyệt đối da gà, da vịt bởi nó có chứa rất nhiều cholesterol.
Ngược lại đối với người có biến chứng thận do tiểu đường type 2 thì nên tiêu thụ protein ít hơn 10% lượng calo hằng ngày để giảm gánh nặng cho thận./.
Theo tuoitre.vn
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-tieu-duong-kieng-tinh-bot-va-chat-ngot-nhung-an-nhieu-dam-de-nguy-hiem-20240418210139542.htm