Tất bật chăm sóc
Đời sống người dân ngày càng cao, thú chơi mai ngày tết cũng tăng theo. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn mở rộng diện tích, tăng số lượng mai để phục vụ thị trường.
Nhiều nông dân đang tất bật chăm sóc mai chuẩn bị cho thị trường tết
Theo thống kê của UBND xã Long Thạnh, huyện Thủ Thừa đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích mai của xã đã đạt trên 15ha và phần lớn đang vào giai đoạn chăm bón, xử lý để mai ra hoa vào đúng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Là một trong những người đầu tiên trồng mai tại địa phương, ông Nguyễn Văn Thiên ngụ ấp 3, xã Long Thạnh, cho biết: “Trước đây, gia đình tôi chủ yếu trồng lúa, hiệu quả kinh tế không cao, thu nhập gia đình bấp bênh. Sau một lần đi tham quan cây cảnh ở Vĩnh Long, tôi quyết định chuyển hẳn 1,5ha lúa sang trồng mai. Thay vì lên liếp như các nhà vườn khác, tôi vun đất thành ụ rồi trồng mai để tránh bị ngập nước khi lũ về”.
Hiện, vườn mai của ông Thiên có trên 5.000 gốc. Trong đó, có một số gốc mai có giá trị lớn, khoảng hơn 250 triệu đồng/gốc. Ông Thiên so sánh, trồng mai thu lợi hơn gấp nhiều lần trồng lúa. Trung bình 1ha đất, nông dân trồng khoảng 1.000 gốc mai. Sau 4 - 5 năm chăm sóc, mỗi gốc mai bán được với giá trung bình trên 2 triệu đồng, thu được lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng.
Tương tự ông Thiên, bà Lê Thị Cà, ngụ cùng địa phương cũng mạnh dạn chuyển đổi 1ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng mai. Bà Cà cho biết: “Chi phí đầu tư ban đầu để trồng mai rất lớn, khoảng 120 triệu/ha cho việc lên liếp, mua cây giống, hệ thống tưới,… Ngoài ra, thời gian để có được thu nhập từ mai cũng khá dài, phải trên 4 năm thì mai mới bán được”.
Ươm mai con mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình
Được biết, bên cạnh việc trồng mai bán gốc, gia đình bà Lê Thị Cà còn ươm thêm cây con để bán. Theo đó, mỗi năm gia đình bà ươm từ 10.000 – 15.000 cây, mỗi cây bán với giá 7.000 đồng. Nhờ đó mà gia đình bà có thêm được một khoản thu nhập đáng kể hàng năm.
Cũng giống như nhiều người trồng mai xã Long Thạnh, thời điểm này, người trồng mai ở xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa cũng đang tất bật chăm sóc mai để phục vụ cho thị trường tết.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa – Nguyễn Kinh Kha, hiện nay, xã Tân Tây là địa phương có diện tích mai lớn nhất huyện, với hơn 170ha. Trong đó, có gần 70% diện tích mai ở giai đoạn từ 3,5 - 4,5 tuổi đang được nông dân tất bật chăm sóc để phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.
Ghé thăm vườn mai có diện tích gần 1ha của ông Võ Văn Chùm tại ấp 3, xã Tân Tây, đúng lúc ông đang cắt cành, tỉa lá cho gần 1.000 gốc mai lớn nhỏ. Ông Chùm chia sẻ: “Để có được một gốc mai vàng đẹp, nở đúng thời điểm Tết đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mỉ suốt cả năm. Trong đó, yêu cầu quan trọng nhất là người trồng phải có chế độ chăm sóc phù hợp và thường xuyên phòng ngừa các loại sâu, bệnh trên cây mai”.
Song song đó, cũng theo ông Chùm, việc trồng và chăm sóc mai mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí nên người trồng may cần phải có niềm đam mê. Ngoài ra, người trồng cũng cần phải khéo léo và óc sáng tạo để tạo hình, uốn cho cây bình thường trở nên có giá trị. “Nhiều người cho rằng, nghề trồng mai là nghề hái ra tiền nhưng để hái được những đồng tiền đó thì thật không dễ dàng. Nhất là vào thời điểm cận tết, hầu hết chủ vườn đều phải “ăn ngủ cùng cây mai”, đó là chưa kể đến những năm thời tiết xấu, người trồng mai còn không có cả tết” – ông Chùm chia sẻ thêm.
Kỳ vọng một mùa vụ bội thu
Theo nhiều nhà vườn, tâm lý người chơi mai bao giờ cũng thích những cây mai có hoa to, nụ nhiều, màu vàng rực rỡ và đặc biệt là phải nở đúng Giao thừa. Nhưng mai là loại cây khó trồng, nhạy cảm với thời tiết, đòi hỏi người trồng phải am hiểu kỹ thuật để chăm sóc, xử lý kịp thời thì mới trổ bông đúng tết. Vì thế, thời điểm này, việc lo lắng cùng cây mai là tâm trạng chung của nhiều nhà vườn.
Để có một gốc mai đẹp, nở đúng thời điểm Tết đòi hỏi người trồng phải tính toán thời gian, theo dõi thời tiết, chăm chút tỉ mỉ cả năm
Ông Võ Văn Mơ, ngụ ấp 3, xã Tân Tây cho biết: “Hiện tại, mai trong vườn nhà tôi có nhiều lứa tuổi khác nhau, trong đó, số lượng mai từ 4 - 5 năm tuổi bán với giá vài triệu đồng/cây chiếm diện tích nhiều. Mai càng nhiều tuổi thì giá càng cao vì cây to, tán rộng, trong vườn hiện có gần 10 cây trên 10 năm tuổi, nếu bán phải có giá từ 30 - 35 triệu đồng/cây, còn giá trên 10 triệu đồng thì có hàng chục cây. Những cây mai già này thường được khách hàng đến tận vườn chọn mua”.
Còn ông Phạm Văn Phướng, ngụ ấp 1, xã Long Thạnh, thì cho biết, năm ngoái, thời tiết không thuận lợi, nắng nóng, mưa trái mùa nhiều nên hoa mai nở hơi sớm. Tuy nhiên, năm nay thời tiết thuận lợi hơn, mùa khô tới sớm, nắng không quá gắt, mưa trái mùa ít nên tỷ lệ mai nở sớm khá thấp. Ông Phướng cho biết: “Hiện, các gốc mai trong vườn của tôi đều phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa đúng thời điểm sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái. Với giá trung bình từ 2 - 4 triệu đồng/cây, tôi hy vọng sẽ bán được trên 100 cây, thu lãi khoảng 200 triệu đồng từ vụ mai tết”.
Chủ tịch UBND xã Long Thạnh - Bùi Thanh Tuấn cho biết: “Năm nay, nông dân trên địa bàn xã chuẩn bị gần 2.000 gốc mai để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2020. Nhưng trước diễn biến thất thường của thời tiết, UBND xã cùng ngành chuyên môn khuyến cáo người dân cần thường xuyên thăm vườn và chủ động trong khâu chăm sóc để có được một vụ mai tết bội thu”.
Theo dự báo của nhiều người trồng mai, năm nay nguồn cung của mai sẽ dồi dào do các địa phương trồng mai trong và ngoài tỉnh đều mở rộng về diện tích và số lượng mai. Hy vọng rằng từ nay đến tết với thời tiết thuận lợi, mai sẽ trổ đúng dịp, các chủ vườn có thêm nguồn thu, mang đến một cái tết vui vẻ, đầm ấm, sung túc cho mọi người./.
Bùi Tùng - Nguyễn Dung