Tiếng Việt | English

14/11/2016 - 19:56

Nhiệt điện than “vướng” quy chuẩn tiêu thụ tro, xỉ

Cần có quy định cho doanh nghiệp tiếp nhận, xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện than làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng.

Theo kiểm tra từ các cơ quan chuyên môn của Bộ Công Thương, tính đến tháng 11, các nhà máy nhiệt điện than cả nước đã thực hiện đầy đủ việc lập và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Một số nhà máy đã đi vào vận hành nhưng chưa có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường mà báo chí phản ánh như Vũng Áng, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Formosa Hà Tĩnh cũng đã gấp rút hoàn thành và đã đáp ứng các quy định.

 

Sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng đang còn gặp một số vướng mắc.
Hiện tại, nước thải công nghiệp, sinh hoạt của các nhà máy được xử lý đạt Quy chuẩn về môi trường và hầu hết được tuần hoàn tái sử dụng cho các mục đích khác nhau trong nhà máy. Nước làm mát sau quá trình trao đổi nhiệt để làm mát bình ngưng, được giải nhiệt và xả ra nguồn tiếp nhận như sông hoặc biển và đảm bảo nhiệt độ thấp hơn 40 độ C để không ảnh hưởng tới môi sinh.

Các nhà máy nhiệt điện than đều đã lắp đặt hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống xử lý khí NOx và xử lý khí SO2 (2 nhà máy với công nghệ cũ nên không lắp hệ thống xử lý SO2 là Nhiệt điện Phả Lại I và Ninh Bình). Do vậy, khí thải của các nhà máy được xử lý đáp ứng QCVN 22:2009/BTNMT về khí thải công nghiệp nhiệt điện.

Riêng việc kiểm soát khói bụi, dù được quan tâm nhưng với công nghệ hiện nay, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO, lúc này hệ thống lọc bụi tĩnh điện chưa đưa vào hoạt động do nguy cơ cháy nổ nên có hiện tượng khói đen tại miệng ống khói. Bộ Công Thương đang chỉ đạo các nhà máy nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiện tượng này.

Chất thải nguy hại được kiểm soát chặt chẽ theo quy định. Tuy nhiên, một số nhà máy vẫn mắc một số lỗi như thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ… Bộ Công Thương đã chỉ đạo các chủ đầu tư, doanh nghiệp nhanh chóng xử lý và đã khắc phục gần như triệt để.

Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đã thực hiện đầy đủ công tác bảo vệ môi trường, song các dự án nhiệt điện hiện còn vướng mắc trong thực thi pháp luật bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện.
Riêng công tác phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo ĐTM, thiết kế cơ sở của các dự án; sự phối hợp, phân cấp giữa các cơ quan Trung ương và địa phương trong quá trình kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án còn chưa chặt chẽ.

Theo Bộ Công Thương, khó khăn lớn nhất hiện nay của các dự án nhiệt điện than là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó tập trung ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ sử dụng làm các loại vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng.

Do đó, các cơ quan liên quan cần sớm ban hành quy định về điều kiện của doanh nghiệp trong tiếp nhận, xử lý chất thải rắn thông thường theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này sẽ giải quyết một cách triệt để vấn đề tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất, hoặc vật liệu xây dựng./.

Cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án NĐT được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt NĐT là 24.370 MW./.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết