Mã QR của chị O.N. bị kẻ gian dán đè - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hình thức thanh toán qua mã QR ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam những năm qua. Theo đó, thay vì nhập tên ngân hàng, số tài khoản như trước, người dùng chỉ cần quét mã, các thông tin sẽ được tự động điền rất nhanh chóng.
Vì tính tiện dụng và thói quen tiêu dùng không tiền mặt của người dân ngày càng trở nên phổ biến, hiện các cửa hàng từ bé tới lớn ở Việt Nam đều có các mã QR để khách hàng quét khi thanh toán.
Tuy nhiện, lợi dụng mã QR bên ngoài các cửa hàng, nhiều trường hợp đã dán đè mã khác để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dán đè mã QR để chiếm đoạt tài sản diễn ra phổ biến
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 25/8, chị N.O. (chủ cửa hàng tạp hóa ở Hà Nội) cho biết vào thời điểm cuối tháng 7/2023, chị từng bị kẻ gian chiếm đoạt mất 50.000 đồng vì mã QR ngân hàng của mình để trước cửa hàng bị dán đè bằng một mã khác.
Theo chị O., sau khi bán hàng, khách có chuyển 50.000 đồng qua hình thức quét mã QR. Tuy nhiên, tài khoản chị O. không có biến động số dư, vì vậy chị đã nhờ khách cho kiểm tra lịch sử giao dịch.
Lúc kiểm tra, chị mới "tá hỏa" khi tiền lại đến một số tài khoản khác. Chị O. sau đó dùng điện thoại của mình quét lại mã, cũng hiện lên số tài khoản khác không phải của mình.
Sau đó, chủ cửa hàng tạp hóa này phát hiện một miếng dán mã QR khác được dán đè lên mã của mình.
Bà C.B. (chủ một cửa hàng tạp hóa) cũng gặp phải tình trạng tương tự. Bà B. cho biết mình cũng không hề hay biết kẻ gian đã âm thầm dán đè mã QR từ thời điểm nào.
Bà kể: "QR nhà tôi dán ở tường ngay trước cửa hàng, mà không biết bị dán đè từ lúc nào. Có một khách hàng mua đồ xong chuyển 5 triệu, sau khi khách quét mã, may mắn là khách có đưa cho tôi kiểm tra xem có đúng số tài khoản không.
Khi kiểm tra thì thấy không đúng số tài khoản, tôi có đọc cho khách số tài khoản để nhập thủ công, nhưng không hề nghĩ là bị dán đè mã QR.
Đến tối, một người đến mua 15.000 tiền hàng cũng quét mã thanh toán, nhưng mãi tiền không đến tài khoản thì tôi có ra kiểm tra mới biết mã QR của mình bị một mã khác dán đè lên".
Chuyên gia cảnh báo gì?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 25/8, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - người sáng lập dự án chống lừa đảo, chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) - cho biết tình trạng kẻ gian dán đè mã QR diễn ra nhiều trong thời gian qua.
Ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đặc biệt, ông Hiếu cho biết hiện các ví điện tử, các tài khoản ngân hàng có thể dễ dàng mua được trên mạng mà không phải để lộ thông tin danh tính, vì vậy việc lừa đảo bằng hình thức này càng trở nên dễ dàng.
Trước thực tế trên, ông Hiếu khuyên người dân khi quét mã thanh toán xong phải luôn kiểm chứng lại thông tin số tài khoản và tên chủ tài khoản với chủ cửa hàng.
Đồng thời, các chủ cửa hàng nên kiểm tra lại camera an ninh để xem dấu hiệu của kẻ lừa đảo, người đã đặt mã QR. Ngoài ra, luôn rà soát những mã QR có liên quan đến việc chuyển tiền ở trong cửa hàng của mình, chứ không nên dán bên ngoài cửa hàng./.
Mã QR là một trong những hình thức thanh toán trên di động đang được nhiều người lựa chọn. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã mua hàng mà không cần dùng tiền mặt hay thẻ ngân hàng.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng 55% về số lượng. Trong đó, phương thức mã QR tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
|
Phạm Tuấn/tuoitre.vn