Tiếng Việt | English

02/03/2023 - 11:00

Nhiều giải pháp kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Vì sức khỏe người tiêu dùng, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tăng cường nhiều giải pháp kiểm dịch động vật (KDDV), kiểm soát giết mổ (KSGM) gia súc, gia cầm; đồng thời, khẳng định xử lý nghiêm, không bao che các cán bộ thú y, cơ sở giết mổ (CSGM) làm sai quy định của pháp luật.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Hữu Ân (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An)

Toàn tỉnh hiện có 48 CSGM gia súc và gia cầm, trong đó, 5 CSGM công nghiệp, 7 CSGM bán công nghiệp và 36 CSGM thủ công. Từ đầu năm đến nay, số lượng KDĐV, KSGM heo xuất tỉnh tăng trên 30%. Nguyên nhân là những lò giết mổ thủ công tại TP.HCM ngưng hoạt động nên một số thương lái đưa về các CSGM trên địa bàn tỉnh để tiếp tục giết mổ cung cấp cho thị trường TP.HCM. Bình quân mỗi đêm, các CSGM trên 230 con trâu, bò; trên 4.100 con heo; 14 con dê và trên 65.300 con gia cầm. Trên 70% số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ cung cấp cho người tiêu dùng tại TP.HCM như chợ Bình Điền, chợ Hóc Môn.

Với nhu cầu KDĐV, KSGM khá lớn trong khi Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh thiếu hụt nhân sự (thiếu 44 người) nên việc bố trí nhân sự cho công tác KDĐV, KSGM tập trung còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhu cầu của các CSGM. Từ đầu năm 2023 đến nay, CSGM của ông Nguyễn Hữu Ân (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa) nhập bình quân 800 con heo/ngày (tăng 500 con so với trước đó). Thời gian hoạt động của cơ sở bắt đầu sau 21 giờ. CSGM có 4 khu tách biệt và nhiều cổng xuất hàng trong khi chỉ có 4 nhân viên thú y làm nhiệm vụ KDĐV, KSGM từ lúc nhập vào đến thành phẩm đưa ra các chợ. Điều này gây áp lực rất lớn trong quá trình thực thi nhiệm vụ của các nhân viên thú y. Ngoài ra, việc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật cho trên 100 xe tải/đêm theo dạng viết tay nên chưa đáp ứng kịp thời gian xuất hàng của các thương lái.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh - Lê Thị Mai Khanh cho biết: “Đặc thù công việc KDĐV, KSGM làm việc từ sau 21 giờ mỗi đêm đến hết số lượng gia súc, bình quân 6-8 giờ/đêm và không có ngày nghỉ trong tháng nhưng buổi sáng, các nhân viên thú y phải đi làm theo giờ hành chính, không bảo đảm việc hồi phục sức khỏe. Trong khi đó, Chi cục đang thiếu nhân viên, chỉ có 162 người/206 người theo đề án vị trí việc làm. Công tác tuyển dụng tuy đã thực hiện nhưng không đủ số lượng nên việc phân công, bố trí nhân sự làm việc ở một số CSGM chưa bảo đảm. Vì vậy, Chi cục cũng khó khăn trong việc thực hiện đầy đủ quy trình KSGM”.

Nhằm thực hiện tốt công tác KDĐV, KSGM, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh chia sẻ: “Sở đang rà soát, phối hợp các địa phương tiến hành kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở để thực hiện đúng quy trình giết mổ. Đồng thời, Sở sẽ chỉ đạo ngành Thú y phối hợp CSGM ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, giảm khâu thủ tục giấy tờ bằng thủ công để giảm thời gian làm việc ban đêm cho lực lượng KDĐV, KSGM tại các CSGM; phối hợp địa phương rà soát, sắp xếp tổ chức hoạt động giết mổ, hạn chế giết mổ thủ công, đề nghị chủ cơ sở đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm; quán triệt nhân viên thực hiện nghiêm quy trình KDĐV, KSGM, tăng cường đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật chuyên môn, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tuyển dụng nguồn nhân lực để bố trí cho việc KDĐV, KSGM tại các cơ sở;...”.

KDĐV, KSGM là một trong những biện pháp để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh kiên quyết không bao che, mạnh dạn xử lý nghiêm các cán bộ thú y, CSGM làm sai quy định của pháp luật./.

Minh Thư

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích