Tờ POLITICO hôm qua (12/4) đưa tin cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của Ireland đã thay mặt Liên minh châu Âu (EU) mở cuộc điều tra về việc nền tảng mạng xã hội X sử dụng dữ liệu cá nhân để đào tạo chatbot có tên Grok, một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được thiết kế để giao tiếp và tương tác với người dùng qua văn bản.

Biểu tượng chatbot Grok của Công ty xAI
Cơ quan điều tra xem xét liệu mạng xã hội nói trên, thuộc sở hữu của tỉ phú Elon Musk, có đang xử lý dữ liệu cá nhân một cách hợp pháp trong quá trình đào tạo Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) cho chatbot Grok hay không. Năm ngoái, sau khi X (có trụ sở chính khu vực châu Âu đặt tại Ireland) bắt đầu khai thác dữ liệu cá nhân từ những bài viết công khai của người dùng, Ủy ban bảo vệ dữ liệu Ireland (DPC) đã đâm đơn kiện với cáo buộc hành vi trên vi phạm quyền riêng tư. Công ty X sau đó đã đồng ý dừng sử dụng dữ liệu của công dân EU để đào tạo mô hình AI.
Vụ việc trên phần nào nêu bật vấn đề cho các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia trong việc bảo vệ dữ liệu người dân trên nền tảng trực tuyến. Trong số các khu vực trên thế giới, EU là nơi có những quy định về kiểm soát AI được cho là chặt chẽ nhất. Hồi tháng 8/2024, đạo luật kiểm soát AI đầu tiên trên thế giới chính thức có hiệu lực tại EU, đưa ra những quy định nghiêm ngặt với các doanh nghiệp phát triển mô hình AI. Trước đây, tháng 3/2024 EU cũng đã điều tra các công ty công nghệ hàng đầu như Apple, Meta, Google liên quan hành vi không tuân thủ quy định của Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA), cũng được tạo ra nhằm quản lý hoạt động của các mô hình trí tuệ nhân tạo, theo Reuters.
Nhức nhối khâu bảo vệ dữ liệu
Đào tạo hệ thống AI là một quá trình phức tạp có thể liên quan đến việc thu thập và xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ từ nhiều nguồn khác nhau. Khi các công ty muốn đào tạo AI, tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà họ sẽ có những phương án khai thác dữ liệu khác nhau. Khi đó, dữ liệu có thể được xem như "mạch máu" để phát triển mô hình AI mạnh mẽ. Không thể phủ nhận hiện nay đang xuất hiện nhiều hệ thống trí tuệ nhân tạo tiên tiến, với nhiều tiện nghi nhưng cũng đi kèm rủi ro xâm phạm quyền riêng tư của người dùng.
Trước đây, Google hồi năm 2024 từng đối mặt vụ kiện tập thể liên quan đến cáo buộc thu thập dữ liệu người dùng Chrome mà không có sự đồng ý của họ. Nguyên đơn trong vụ kiện cáo buộc Google đã thu thập dữ liệu người dùng Chrome, ngay cả khi họ không bật tính năng đồng bộ hóa với tài khoản Google. Một vụ việc khác là Công ty OpenAI (Mỹ) vướng vào các cáo buộc vi phạm bản quyền, khi sử dụng bài viết của các nhà báo, nhà văn để đào tạo cho mô hình AI của ChatGPT.
Trong khi đó, một vụ việc hơi có chiều hướng "ngược lại" mới đây là khi Công ty Apple (Mỹ) hồi tháng 2 khẳng định sẽ ngăn chính phủ Anh tiếp cận dữ liệu mã hóa của người dùng. Theo đó, Bộ Nội vụ Anh yêu cầu Apple trao quyền tiếp cận dữ liệu, viện dẫn đạo luật liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia và yêu cầu cung cấp bằng chứng cho lực lượng thực thi pháp luật./.
EU cân nhắc nới lỏng quy định quản lý AI?
EU ngày 9/4 cho biết liên minh đang cân nhắc điều chỉnh các quy định về AI nhằm giúp doanh nghiệp châu Âu bắt kịp đối thủ cạnh tranh tại Mỹ và Trung Quốc. Khối này sẽ xem xét tạo điều kiện đơn giản hóa Đạo luật AI, trong đó EU sẽ đánh giá xem liệu có thể tinh giản những thủ tục hành chính hay không, AFP đưa tin. Dữ liệu do Ủy ban châu Âu công bố vào tháng 1/2024 cho thấy khối này đang tụt hậu so với các khu vực khác, bao gồm Mỹ, về mặt đổi mới và đầu tư vào AI, do "quy định quá mức và rào cản hành chính", khiến các công ty công nghệ quyết định chuyển đi nơi khác.
Đạo luật AI là công cụ để EU có thể quản lý các doanh nghiệp trong việc tiếp cận người dùng ở châu Âu với các mô hình trí tuệ nhân tạo. Song, giới quan sát cho rằng nếu những quy định quá khắt khe có thể kìm hãm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong khu vực. Phó tổng thống Mỹ JD Vance trong một bài phát biểu tại Pháp hồi tháng 2 nói rằng việc châu Âu áp những quy định quá mức đối với AI có thể giết chết ngành công nghiệp này.
|
Theo Báo Thanh Niên
Nguồn: https://thanhnien.vn/nhieu-tro-ngai-khi-quan-ly-mo-hinh-ai-185250412224233508.htm