Tiếng Việt | English

24/09/2020 - 11:30

Nhìn từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia

Đường lên đỉnh Olympia là chương trình truyền hình về kiến thức dành cho học sinh THPT do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức, bắt đầu từ năm 1999. Qua 20 năm, chương trình vẫn có sức hút đối với nhiều bạn xem đài. Mỗi năm, chương trình chọn được một quán quân giành học bổng du học tại Australia. Vừa qua, giải quán quân năm 2020 thuộc về bạn Nguyễn Thị Thu Hằng (Ninh Bình) và Hằng trở thành 1 trong 4 quán quân nữ qua 20 mùa tổ chức chương trình. Sau khi học tập, hầu hết các quán quân đều ở lại Australia làm việc. Có nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, chúng ta hãy cùng chia sẻ nhé!

Chương trình Đường lên đỉnh Olympia mùa 20 vừa tìm ra gương mặt quán quân - Nguyễn Thị Thu Hằng

Làm việc ở đâu cũng là cống hiến

Mấy ngày gần đây, khi chương trình Đường lên đỉnh Olympia tìm ra gương mặt quán quân thứ 20, nhiều người lại bàn tán về chương trình và các quán quân. Có ý kiến cho rằng, các bạn “vô ơn” khi được tạo điều kiện du học nhưng không trở về nước phục vụ mà ở lại Australia và đây là hiện tượng “chảy máu chất xám”, tôi lại nghĩ khác. Có rất nhiều người Việt Nam đang làm việc tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều người tham gia nghiên cứu những công trình khoa học giúp ích cho cả nhân loại. Và cũng rất nhiều người Việt Nam đang làm việc trong các tập đoàn hàng đầu thế giới về các lĩnh vực công nghệ, y tế, nghiên cứu,... Họ đã làm rạng danh đất nước, “ghi tên” Việt Nam vào thành tựu chung của nhân loại. Từ thực tế trên, cũng thẳng thắn nhìn nhận lại chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài của Việt Nam chưa cao. Hầu hết các quán quân sau khi hoàn thành chương trình đại học Australia đều học tiếp cao học, nghiên cứu sinh bằng nguồn học bổng hoặc do “tự thân vận động”. Các bạn ấy không du học bằng ngân sách nhà nước nên không thể ràng buộc phải về Việt Nam phục vụ. Lựa chọn nơi sống và làm việc ở đâu là quyền của các bạn, bởi chỉ có người trong cuộc mới biết mình có thể phát huy hết khả năng ở nơi nào.

Phạm Thị Tường Vy (giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Định, quận 8, TPHCM)

Mỗi người có sự lựa chọn phù hợp với bản thân

Việc các quán quân chương trình Đường lên đỉnh Olympia không về nước làm việc sau khi hoàn thành chương trình học ở Australia là việc bình thường. Mỗi người sẽ xác định được mình phù hợp với môi trường làm việc ở đâu để có sự quyết định. Đến nay, có 3/18 quán quân trở về nước làm việc. Sau thời gian học tập tại nước ngoài, các quán quân quen với nhịp sống, cách làm việc ở đó và việc chọn ở lại Australia là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, mức thu nhập của các quán quân tại đất nước này có thể giúp họ lo cho gia đình nên nhiều người chọn ở lại. Sau thời gian học tập, làm việc, khi đã đạt được một vị trí nhất định thì càng không thể từ bỏ tất cả để quay về Việt Nam khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ nữa. 20 quán quân này chỉ là những người giỏi tham gia một chương trình truyền hình, ở nước ta, người giỏi còn nhiều, tôi nghĩ, điều quan trọng là mình phải đào tạo được người tài và có chính sách để giữ chân họ.

Bùi Thanh Phương (Công ty ANZ, TP.Tân An)

Quê mình đang cần các anh, chị

Tôi ngưỡng mộ và khâm phục tài năng của các anh, chị. Các anh, chị là người giỏi, là nhân tài của đất nước đã được tạo điều kiện du học. Nơi nào cũng làm việc và cống hiến, nhưng sẽ tốt hơn biết bao nếu các anh, chị quay về phục vụ quê hương. Quê mình đang rất cần những người tài như các anh, chị. Nếu có sự đóng góp của các quán quân, tôi nghĩ, nước ta sẽ phát triển nhanh hơn, vững tin hơn trên con đường hội nhập.

Nguyễn Thị Thùy Trang (học sinh Trường THPT Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa)

Góp phần xây dựng quê hương

Dẫu biết rằng điều kiện làm việc và chế độ phúc lợi ở nước ngoài khá tốt, nhưng ở Việt Nam còn có gia đình các bạn. Gia đình, thầy cô đã nuôi dưỡng, đào tạo, đất nước đã tạo điều kiện cho các bạn du học thì các bạn cũng cần làm gì đó để đáp đền. Tôi không nói việc ở lại nước ngoài là không tốt, nhưng trong khi đất nước mình đang phát triển, rất cần những người giỏi như các bạn thì các bạn cũng nên ưu tiên trở về quê hương. Hiện nay, Việt Nam có nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư, họ phải thuê chuyên gia từ nước ngoài, vậy thì khi có khả năng, sao các bạn không về quê hương làm việc?./.

Trần Trí Hoàng (Công ty Phần mềm Việt - Trung, TP.HCM)

Hoàng Oanh (ghi)

Chia sẻ bài viết