Tiếng Việt | English

06/05/2016 - 05:41

Nhớ đến nao lòng món cá kho quẹt của mẹ

Khi đó, cả gian bếp của mẹ tôi thấm đẫm mùi thơm kỳ diệu của mắm, muối, hành, tiêu, cá, thịt, đặt biệt là mùi của khói...

Hồi còn đi học, thứ sáu tuần nào mẹ cũng gọi điện cho tôi. Đơn giản vì mẹ biết sắp đến ngày nghỉ cuối tuần. Mẹ sợ tôi mãi vui không về nên lần nào cũng nói: “Về đi, mẹ kho khô quẹt cho mà ăn”.

Biết ngay mà, cá kho quẹt là món khoái khẩu của tôi nên lúc nào mẹ cũng mang ra để “dụ dỗ”. Và khi nghe tôi nói sẽ về, mẹ cười: “Hứa rồi thì phải về nghen, đừng để mẹ trông”. Tuy không thấy được khuôn mặt mẹ, nhưng tôi có thể hình dung được nụ cười hiền lành làm sáng bừng gương mặt khắc khổ của mẹ.

Tôi nhớ có lần cô giáo bị bệnh cho lớp nghỉ học. Dù chưa đến cuối tuần nhưng cơn thèm kho quẹt trỗi dậy, tôi quyết định về nhà ngay hôm đó. Để mẹ bất ngờ, trên đường về tôi ghé chợ mua cá khô, thịt ba rọi và đủ thứ lỉnh kỉnh để mẹ làm món cá kho quẹt mà tôi thích.

Mẹ tôi làm món cá kho quẹt công phu, tỉ mỉ như người ta nấu cao lương mỹ vị. Cá khô, thường là cá lù đù hoặc cá lưỡi trâu vì rẻ tiền. “Phải ngâm trước cho mềm và bớt mặn”- mẹ nói với tôi như vậy. Thịt ba rọi thì mẹ rửa sạch rồi ngâm với chút muối, sau đó vớt ra để ráo.

Lần nào cũng vậy, công việc của tôi là băm tỏi ớt và xắt hành vì đó là phần việc dễ nhất, chứ còn xắt thịt thì tôi chịu thua vì tôi ghét cái da heo dai dai rất khó xắt. “Tại mẹ hà tiện chớ nếu muốn cho miếng thịt ngon, giòn thì nên cắt bỏ phần da”. Vừa xắt thịt ba rọi thành những miếng nhỏ dài dài, vuông vuông, mẹ vừa nói với tôi.

Cá khô ngâm chừng 10 phút thì đổ ra rổ, vẩy cho ráo nước. Chuẩn bị xong đâu đó, mẹ sai tôi nhóm lửa, bắc cái nồi đất lên bếp. Nồi nóng, mẹ cho chút xíu dầu ăn rồi đổ thịt vào xào với lửa nhỏ. Mẹ bảo phải đảo đều tay để thịt không bị dính, khét.

Khi những miếng thịt tứa mỡ, chuyển sang màu vàng thì mẹ cho tỏi ớt vào rồi cho nước mắm, đường, bọt ngọt. Chờ gia vị thấm vào miếng thịt mẹ mới cho cá khô vào và đảo nhanh tay một lần duy nhất (để cá không bị rã). Sau đó mẹ đậy vung, để lửa riu riu cho đến khi nước mắm keo lại sền sệt, cả thịt và cá khô đều có màu vàng thật đẹp. “Rắc tiêu, hành lá vào xong là tắt bếp, như vậy mới giữ được mùi thơm của gia vị”- mẹ tôi giảng giải.

Khi đó, cả gian bếp của mẹ tôi thấm đẫm mùi thơm kỳ diệu của mắm, muối, hành, tiêu, cá, thịt, đặt biệt là mùi của khói... Ai đã từng một lần được ngồi bên chái bếp sau hè, nhìn ngọn lửa bập bùng và những làn khói mỏng manh bay lên từ bếp lửa ấm áp của mẹ sẽ thấy tâm hồn mình giàu có biết chừng nào.

Hẳn là những bà mẹ khác cũng có những món “độc chiêu” dành cho con cái của họ như món cá kho quẹt ăn với bầu luộc của mẹ tôi. Đối với những đứa con xa nhà, hình ảnh quê hương chính là hình bóng mẹ già trong chái bếp chiều hôm. Tôi cũng vậy. Có những lúc giữa bộn bề công việc, tôi lại thần người ra. Dường như đâu đây trong không gian quanh tôi có mùi cá kho quẹt của mẹ.../.

Huỳnh Ngọc Trâm/nld.com.vn 

Chia sẻ bài viết