Tiếng Việt | English

24/10/2023 - 09:55

Nhớ mùa nước nổi năm nao

Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long đem về nguồn thủy sản dồi dào, bồi đắp phù sa cho đồng ruộng, góp phần làm nên nét đẹp bình dị của miền Tây sông nước hữu tình. Nhưng những năm gần đây, nước về chậm và ít, nguồn cá, tôm hiếm dần, mùa nước đẹp năm nao giờ chỉ còn là ký ức của nhiều người.

Mùa nước nổi về, người dân lại ra đồng đánh bắt thủy sản. Hôm nào đánh bắt nhiều thì đem bán, còn ít thì để dành ăn trong nhà

Đặc sản mùa nước nổi ít dần

Đầu tháng 10, chúng tôi men theo đường Kênh 79 về xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Nơi đây được xem là vùng trũng của khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh nên nước về sớm nhất. Ở đây có những hộ dân gắn bó gần cả đời với nghề câu lưới mỗi khi mùa nước nổi về.

Trên cánh đồng nước, ông Dương Vũ Phương (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đang thăm xà di nhưng gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng vì gần cả trăm cái xà di mà chỉ được khoảng 10kg cá rô đồng. Ông Phương buồn thiu: “Đi từ 6 tới 12 giờ trưa, thăm cả trăm cái xà di mà có khoảng 10kg cá rô đồng, bán được 350.000 đồng.

Năm nay, nước về bằng với trung bình nhiều năm nhưng chủ yếu nước mưa, triều cường nên lượng cá, tôm ít lắm! Mấy năm lũ đẹp, 100 cái xà di, tui thu hoạch mấy chục kilôgam cá đồng, ngày kiếm cũng mấy triệu. Còn năm nay, chưa ngày nào tui có thu nhập được 1 triệu đồng”. Nói rồi, ông Phương tiếp tục chống xuồng đi thăm các xà di còn lại.

Chúng tôi ghé thăm khi ông Nguyễn Văn Nhanh (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) đang loay hoay sửa lại cái dớn. Thấy có người hỏi về chuyện nghề câu lưới mùa nước nổi, ông Nhanh lắc đầu: “Năm nay, đầu tháng 8 (Âm lịch) nước mới về. Hồi đầu con nước, tui đặt 8 cái dớn kiếm được 10-20kg cá/ngày. Còn giờ nước lớn, cá tỏa đi khắp nơi, tui chỉ kiếm được từ 7-8kg cá/ngày, thu nhập 300.000-400.000 đồng. Mấy năm trước, mùa nước về, tui có thu nhập gần 50 triệu đồng, còn năm nay chỉ mong lấy lại vốn vì lỡ mua thêm mấy cái dớn, khoảng 2 triệu đồng/cái”.

May mắn hơn ông Phương, ông Nhanh, ông Trần Văn Dũng (ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) thu hoạch khá tốt từ việc đặt lọp. Ông Dũng bộc bạch: “Tôi thường lựa những chỗ có rau, cỏ nhiều mới đặt lọp. Mấy ngày nay, tôi thu hoạch tốt lắm, bình quân cả chục kilôgam cá/ngày, kiếm gần 500.000 đồng. Dù năm nay lượng cá, tôm ít nhưng ai siêng vẫn có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, bởi vậy người dân nơi đây mong lũ lắm!”.

Những tiểu thương... bất đắc dĩ

3 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại chợ Bàu Sậy (thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng). Nơi đây từng được mệnh danh là điểm thu mua cá đồng lớn nhất vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Song, những năm gần đây, nhiều người thu mua cá đồng chuyển sang thu mua cá nuôi, người đánh bắt chuyển thành các tiểu thương... bất đắc dĩ.

Bà Trương Thị Mừng (tiểu thương chợ Bàu Sậy) cho biết: “Trước đây, chợ này có gần 10 tiểu thương thu mua cá đồng, giờ chỉ còn 2 người, số còn lại chuyển sang thu mua cá nuôi hoặc chuyển nghề khác. Thông thường, 2 giờ sáng, những người đánh bắt cá đồng sẽ đem đến bán tại điểm tập kết, không khí nhộn nhịp, tấp nập lắm! Riêng những năm gần đây, nguồn thủy sản ít dần, người đánh bắt chủ yếu tự bán để kiếm thêm thu nhập nên mỗi ngày, tôi chỉ thu mua được khoảng 200kg cá đồng các loại, trong đó chủ yếu cá tạp”.

Bà Trương Thị Mừng (bìa trái) một trong hai tiểu thương còn duy trì nghề thu mua cá đồng

Bà Trương Thị Mừng (bìa trái) một trong hai tiểu thương còn duy trì nghề thu mua cá đồng

5 giờ sáng, khu vực bán cá đồng tại chợ Bàu Sậy bắt đầu tấp nập nhưng lượng cá linh, cá rô (đặc sản mùa nước nổi),... không nhiều. Chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên (xã Vĩnh Trị, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Đánh bắt cả đêm chỉ được 8kg cá rô đồng. Đem cân cho thương lái thì bị ép giá nên tôi tự bán, giá cao hơn bán cho lái từ 10.000-15.000 đồng/kg, được thêm đồng nào đỡ đồng đó!”.

Tương tự trường hợp chị Nguyễn Thị Cẩm Tiên, chị Trần Thị Liên (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) cũng tự bán cá để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Chị Liên nói: “Vợ chồng tôi đánh bắt cả đêm, sáng thức sớm đem ra chợ bán. Ngày nào bán đắt thì cỡ 7 giờ là hết, sau đó có thời gian nghỉ ngơi để chuẩn bị chiều tối đi đánh bắt tiếp. Ngày nào bán chậm thì coi như không có thời gian nghỉ ngơi. Trước đây, đánh bắt nhiều cá, vợ chồng tôi chủ yếu cân cho thương lái, nay ít quá nên tự bán để có thêm thu nhập”.

Mùa nước nổi ở miền Tây được xem là mùa “ăn nên làm ra” của nhiều người. Đối với người miền Tây, mùa nước nổi là mùa mưu sinh, kiếm sống từ nghề câu lưới bởi mùa nước nổi được thiên nhiên ưu đãi nguồn cá, tôm dồi dào, bồi đắp phù sa cho đất đai thêm màu mỡ. Song những năm gần đây, mùa nước nổi về chậm và ít, đồng nghĩa với nguồn cá, tôm ít dần. Những mùa nước đẹp năm nao giờ chỉ còn là ký ức!./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết