Mục tiêu của nghị quyết là tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu của người dân chỉ từ trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, giá cả nông sản bấp bênh nên đời sống của một bộ phận người dân còn nhiều khó khăn. Từ thực tế đó, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân nắm vững từng nội dung nghị quyết, thống nhất cao về tư tưởng và hành động. Trong đó, xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ƯDCNC gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi đúng trong thời điểm hiện tại và tương lai.
Đối với lĩnh vực trồng trọt, xã vận động nông dân từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống, hệ thống và kỹ thuật canh tác, sử dụng cơ giới từ khâu làm đất cho đến khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; cơ cấu lại mùa vụ hợp lý để phòng ngừa sâu, bệnh gây hại, chủ động ứng phó với những biến đổi của thời tiết.
Đến nay, xã xây dựng được 2 cánh đồng “3 giảm, 3 tăng” và 1 cánh đồng “1 phải, 5 giảm”; xây dựng 1 trạm bơm điện có đê bao khép kín 420ha ở ấp Nguyễn Bảo; duy trì tổ nhân lúa giống với diện tích 6ha, chủ yếu cung cấp nhu cầu lúa giống cho địa phương. Hàng năm, xã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, nhất là chương trình quản lý dịch hại (IPM) giúp nông dân sản xuất ngày càng hiệu quả.
Anh Trần Văn Nguyện, ngụ ấp Bùi Thắng, phấn khởi chia sẻ: “Việc tham gia cánh đồng lớn và ƯDCNC vào sản xuất mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân. Không chỉ được chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nông dân còn được hướng dẫn sử dụng giống lúa xác nhận nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Cán bộ chuyên môn cũng thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình dịch hại, khuyến cáo nông dân phòng trừ kịp thời và hiệu quả”.
Nuôi bò giúp nông dân tận dụng được thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập cho gia đình
Trong lĩnh vực chăn nuôi, số lượng đàn gia súc, gia cầm tuy phát triển chậm nhưng công tác phòng, chống dịch bệnh luôn được quan tâm thực hiện thường xuyên. Nông dân còn được tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để phát triển sản xuất, chủ yếu là nuôi bò thịt. Dù không phải là thế mạnh nhưng với nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, nông dân không tốn nhiều chi phí chăn nuôi, tận dụng được thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập cho gia đình.
Còn nhiều khó khăn phải vượt qua
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 31/5/2011 của Ban Thường vụ Huyện ủy về “Xây dựng vùng lúa chất lượng cao giai đoạn 2011-2015” và bước đầu triển khai Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 28-3-2016 của Huyện ủy về “Tiếp tục xây dựng vùng lúa chất lượng cao gắn với phát triển nền nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hiện đại”, bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, xã còn gặp không ít khó khăn, thách thức.
Hiện nay, nông dân còn chú ý nhiều đến sản lượng mà chưa quan tâm chất lượng, giá trị nông sản. Một số nông dân còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, xem nhẹ vấn đề bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Phương thức sản xuất mang nặng tính truyền thống, tự phát, thiếu tập trung, chưa liên kết tốt trong sản xuất và tiêu thụ dẫn đến tình trạng thương lái ép giá, sản xuất thiếu bền vững.
Bí thư Đảng ủy xã - Lê Phước Vẹn cho biết: “Với mục tiêu xây dựng hoàn thành 200ha vùng lúa chất lượng cao gắn với 150ha lúa ƯDCNC trong năm 2017, xã tiếp tục vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất; đầu tư nâng cấp hệ thống kênh, mương thủy lợi, xây dựng đê bao khép kín kết hợp làm đường giao thông liên hoàn trong từng khu vực trạm bơm, cánh đồng lớn; khuyến khích, mời gọi các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng trạm bơm điện, cơ sở chế biến, thu mua nông sản, giúp nông dân an tâm sản xuất”.
Từ đầu năm đến nay, xã tiến hành nạo vét tuyến kênh 500 (ấp Nguyễn Tán và Huỳnh Tịnh); xây dựng 3 cầu giao thông nông thôn: Kênh Trâm Bầu, kênh 500 Quận Tấn, kênh 2000 Bùi Cũ; tráng bêtông 2 tuyến đường: Kênh Kiểm và kênh Ba Tri, tổng chiều dài gần 4,5km;... Qua đó, tạo thuận lợi trong tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, giúp người dân đi lại, vận chuyển vật tư, máy móc thiết bị và hàng hóa nông sản dễ dàng hơn.
Nhơn Hòa Lập được công nhận danh hiệu xã văn hóa năm 2011. Đến nay, xã cơ bản đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,05%. |
“Để nghị quyết đi vào cuộc sống và đạt các chỉ tiêu, phấn đấu đến năm 2020, toàn xã có vùng lúa chất lượng cao là 2.857ha, trong đó có 838ha lúa ƯDCNC, xã tăng cường tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân những yêu cầu về sản xuất theo cơ chế thị trường và hội nhập, yêu cầu về chất lượng nông sản và lợi ích của việc ƯDCNC trong sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn người dân sử dụng hợp lý tiềm năng đất đai, nguồn nước, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu” - ông Lê Phước Vẹn thông tin./.
An Kỳ