Tiếng Việt | English

24/02/2021 - 15:27

Những câu hỏi phổ biến nhất về bảo hiểm xe máy bắt buộc

Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được áp dụng tại Việt Nam hơn 10 năm nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về quyền lợi của người mua bảo hiểm.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021/NĐ-CP, đưa ra những cải cách triệt để và toàn diện về loại hình bảo hiểm này. Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 04/2121/TT - BTC quy định chi tiết một số điều của Nghị định, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/3/2021.

Sau đây là những câu hỏi phổ biến nhất liên quan đến những thay đổi của chính sách bảo hiểm xe máy bắt buộc.

Hồ sơ bồi thường được đơn giản hóa như thế nào?

Tại Nghị định 03/2021, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải thu thập tài liệu của cơ quan công an trong các vụ tai nạn gây tử vong đối với bên thứ ba và hành khách. So với quy định cũ, Nghị định cũng cắt giảm 1/5 tài liệu liên quan đến cơ quan công an. Còn với các vụ tai nạn không gây tử vong, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm hay người được bảo hiểm.

Khi tham gia giao thông, người điều khiển xe máy phải mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô - xe máy để xuất trình cho lực lượng chức năng

Theo Bộ Tài chính, việc cắt giảm các loại hồ sơ, giấy tờ phải thu thập theo hồ sơ bồi thường có tác động tích cực về mặt kinh tế, giảm chi phí liên quan đến việc tổ chức giải quyết bồi thường đối với cả bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm vì tất cả các bên đều đồng chịu trách nhiệm trong việc thu thập hồ sơ bồi thường.

Nạn nhân sẽ nhận tiền bồi thường ở thời điểm nào?

Nghị định 03/2021 cũng đưa ra các quy định về tạm ứng bồi thường nhằm hỗ trợ nạn nhân nhanh chóng khắc phục hậu quả tai nạn.

Theo đó, để bảo đảm nạn nhân tiếp cận nhanh chóng tài chính, kịp thời chữa trị, chi trả chi phí y tế, Nghị định 03/2021 quy định về tạm ứng bồi thường theo hướng rõ ràng, minh bạch. Cụ thể trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.

Cụ thể, trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 105 triệu đồng). Tạm ứng 50% mức bồi thường bảo hiểm/1 người/1 vụ đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu (tương ứng 75 triệu đồng).

Việc tạm ứng bồi thường đơn giản và nhanh chóng sẽ giúp cho các bên liên quan đến vụ tai nạn được hỗ trợ kịp thời, trong đó nạn nhân tai nạn giao thông được giúp khắc phục tổn thất về người và tài sản, còn chủ xe và lái xe cũng nhanh chóng ổn định cuộc sống sinh hoạt và hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Mức bồi thường tăng lên bao nhiêu?

Điều 4, Thông tư 04/2121/TT – BTC của Bộ Tài chính quy định về mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về người và tài sản do xe máy gây ra. Mức trách nhiệm bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả cho thiệt hại về người và tài sản trong mỗi vụ tổn thất xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.  

Theo đó, mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng do xe cơ giới gây ra là 150 triệu đồng cho một người trong một vụ tai nạn.

Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) gây ra là 50 triệu đồng trong một vụ tai nạn.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử như thế nào?

Lần đầu tiên, các doanh nghiệp bảo hiểm được cho phép phát hành giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử cho loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế bảo đảm bao gồm đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định và tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo đó, doanh nghiệp phải tích hợp tính năng tra cứu Giấy chứng nhận bảo hiểm trên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp bảo hiểm, cho phép cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát và bên mua bảo hiểm, người mua bảo hiểm tra cứu, xác minh thời hạn và hiệu lực bảo hiểm của Giấy chứng nhận bảo hiểm.

Mức chi hỗ trợ nhân đạo được điều chỉnh tăng ra sao?

Trên cơ sở các quy định cũ, Nghị định mới cũng quy định các doanh nghiệp sẽ trích 1% tổng số phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới. Quỹ này nhằm phát huy vai trò là cơ chế hỗ trợ cho chính sách bảo hiểm bắt buộc, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông và thực hiện mục tiêu an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nghị định mở rộng phạm vi và tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo cho các trường hợp thiệt hại về sức khỏe, tính mạng mà không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Nghị định, mức chi là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/1 vụ đối với trường hợp tử vong (tương ứng 45 triệu đồng so với mức cũ là 20 triệu đồng); 10% mức trách nhiệm bảo hiểm cho 1 người/ 1 vụ (tương ứng 15 triệu đồng) đối với các trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu./.

Phúc Hoàng

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích