Những đặc sản hiếm có khó tìm ở đất rừng U Minh Cà Mau
Về U Minh (Cà Mau), du khách không chỉ được hòa mình vào một vùng sông nước thiên nhiên rộng lớn mà còn có cơ hội thưởng thức nhiều món đặc sản hiếm có khó tìm.
Gỏi nhộng ong: Về Cà Mau, món gỏi nhộng ong được truyền tai nhau là “món đặc sản hiếm có đệ nhất U Minh”, đến đây không ăn món này thì quả là một thiếu sót lớn. Nhộng ong là ong con, nhỏ nhỏ trắng muốt mà bùi, béo ngon khôn tả. Tổ nhộng ong sau khi được lấy về thì được trụng thẳng vào nước sôi, sau đó vớt lấy nhộng ong sạch, sẵn sàng cho một đĩa gỏi.
Tiếp theo, lấy một cái chảo lớn phi hành thật thơm, sau đó cho nhộng ong sạch vào đảo đều, nêm nếm gia vị cho vừa ăn đậm đà. Các nguyên liệu khác như bắp chuối non, hẹ, rau thơm cũng được xắt nhuyễn rồi trộn với phần nhộng ong vừa xào, sau đó chan nước mắm chua ngọt lên cùng. Rắc thêm miếng đậu phộng giã nát thơm lừng là ta đã có đĩa gỏi nhộng ong bắt mắt ngon lành.
Tiết canh cua Cà Mau: Nghe đến tên món này, ai ai cũng thấy lạ vì chưa từng nghe đến “tiết canh cua” bao giờ. Tuy nhiên, đây lại là món ăn mà chỉ một lần nếm thử cũng khiến người ta nhung nhớ cả đời. Cua dùng để làm món này bắt buộc phải là cua biển. Muốn ngon hơn thì những con cua có gạch sẽ là lựa chọn tối ưu, như thế đĩa tiết canh sẽ ngọt hơn và bổ dưỡng hơn. Làm món này rất “hao” cua, phải cần đến 3-4 con cua, mỗi con trọng lượng xấp xỉ 1kg mới đủ tiết canh cua làm.
Vọp nướng chấm muối tiêu: U Minh bây giờ rất hiếm vọp, vì thế, vọp nướng chấm muối tiêu tuy đơn giản nhưng mấy chốc đã trở thành cao lương mĩ vị. Để làm món này, vọp ta phải được rửa sạch và để trên cao cho ráo nước. Gia vị cần chuẩn bị cũng rất đơn giản, chỉ bao gồm muối tiêu chanh, bột ngọt, các loại rau cải.
Cua Cà Mau chế biến được vô cùng nhiều món ngon và bổ dưỡng. Hấp muối hột, ăn lẩu hay rang me, nướng mọi, lùi tro, cua Cà Mau đều cho vị ngon, ngọt đậm đà khó cưỡng. Đi về giữa rừng và nước Cà Mau, ngồi nhâm nhi một ly rượu vừa thưởng thức miếng thịt cua ngọt lịm, chắc nịch là thú vui mê hoặc bao du khách về đây.
Tả pí lù: Tên gọi “tả pí lù” có nguồn gốc từ người Hoa. Đây là món gần giống như lẩu thập cẩm. Thành phần chính là các loại cá thái mỏng nhưng ngon nhất là nấu cùng cá sặc bướm. Cá chỉ lấy phần thịt ở hai bền sườn, đem tẩm ướp gia vị. Nguyên liệu này sau đó nhúng tái vào nồi nước lẩu nấu bằng xương cá và nước dừa tươi.
Mắm chuột và khô chuột: Mắm chuột được chế biến giống như làm mắm cá đồng nhưng ngoài muối, thính còn thêm đường. Món này không ăn sống mà phải chưng hoặc chiên lên. Còn khô chuột được tẩm muối và sả băm đem phơi nắng cho thật khô nhưng cũng chỉ có thể để dành khoảng 10-15 ngày vì dễ bị mốc và hôi do nhiều mỡ. Đây là hai món ăn đặc trưng mà chỉ vùng U Minh mới có.
Bánh xèo nhân bồn bồn: Bánh xèo là món ăn phổ biến ở Nam Bộ, tùy vào cách chế biến mà nó mang những hương vị riêng của từng vùng, miền. Riêng ở U Minh, nhân bánh có thêm bồn bồn chẻ nhỏ, thịt gà (vịt), ếch nhái hay chuột băm. Rau ăn kèm gồm thơm, cải xanh và các loại lá cây khác như ổi, đọt cây sao nhái...
Ba khía Cà Mau đặc biệt là ba khía vùng Rạch Gốc là món đặc sản vừa lạ vừa ngon nổi tiếng từ xưa đến nay. Chỉ có ở vùng này, ba khía mới thật sự ngon và hấp dẫn. Ba khía Rạch Gốc ăn quả mắm đen rụng xuống nên có gạch son, thịt thơm và chắc hơn giống ba khía ở các nơi khác.
Khô cá kèo: Có lẽ, khô cá kèo ở Cà Mau là nổi tiếng nhất bởi hương vị đặc biệt, cầu kỳ trong khâu chế biến. Để làm khô cá kèo, người dân phải chuẩn bị nhiều công đoạn và phải có kinh nghiệm mới làm được những mẻ cá chất lượng. Ảnh: Internet.
nld.com.vn(Theo vietnamdaily.net.vn)
- Trên quê hương trung dũng kiên cường (23/12)
- Doanh thu của ngành phim hoạt hình Nhật Bản lần đầu vượt 21 tỷ USD (22/12)
- Đặc sắc các không gian tại sự kiện Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2024 (22/12)
- Chương trình 'Con đường lịch sử': Hình ảnh đầy tự hào về người lính Bộ đội cụ Hồ (22/12)
- Đi coi triển lãm phải... khỏa thân (22/12)
- Có một chiều bỏ phố về quê... (22/12)
- Tổng kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (20/12)
- Xu hướng trải nghiệm điểm đến nội địa chiếm ưu thế tìm kiếm của người Việt (20/12)