Ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ là những giọng ca vàng trong dòng nhạc cách mạng
Giọng ca vàng trong “nhạc đỏ”
Dòng nhạc cách mạng có nhiều giọng ca làm say đắm lòng người như Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Trung Hiếu, NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền,... Tiếp nối thế hệ anh, chị đi trước, Trọng Tấn là thế hệ sau được khán, thính giả mến mộ, đón nhận qua dòng “nhạc đỏ” truyền thống. Sinh ra và lớn lên khi đất nước không còn chiến tranh, chỉ biết và hiểu lịch sử dân tộc qua lời kể và những trang sử vàng nhưng Trọng Tấn vẫn thể hiện rất thành công những ca khúc viết về một thời mưa bom, bão đạn. Vốn có chất giọng terno (nam cao) chuẩn mực, lại trải qua thời gian học tập, rèn luyện tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội) nên Trọng Tấn khá thành công trên con đường sự nghiệp, nhất là dòng nhạc cách mạng. Anh thường chọn những ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ: Huy Du, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Việt, Thái Cơ,... để thể hiện. Cách hát vừa hào sảng, vừa mềm mại, đậm chất trữ tình tạo nên nét riêng cho ca sĩ Trọng Tấn.
Bài hát đầu tiên trong dòng nhạc cách mạng mà Trọng Tấn thể hiện là Hà Nội niềm tin và hy vọng khi thi vào nhạc viện. Còn thương hiệu ca sĩ chuyên hát “nhạc đỏ” bắt đầu từ bài Tiếng đàn bầu được anh trình bày tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc năm 1999. Và Tiếng đàn bầu, Cung đàn mùa xuân, Sông Đắc Krông mùa xuân về,… là những bài hát được yêu thích nhất khi nhắc đến ca sĩ Trọng Tấn.
Sẽ thiếu sót khi nhắc đến Trọng Tấn mà không nói về Anh Thơ. Cả hai ca sĩ được ví là “bộ đôi” trong dòng nhạc cách mạng với sự kết hợp ăn ý trên sân khấu. Anh Thơ là ca sĩ có chất giọng soprano (nữ cao). Giọng hát của Anh Thơ được đánh giá là “trong sáng, tinh tế, tràn ngập cảm xúc và thấm đẫm âm hưởng dân ca”. Anh Thơ được giới chuyên môn đánh giá cao bởi tài năng và được so sánh với các ca sĩ gạo cội: Tân Nhân, Thanh Huyền, Lê Dung,... Tên tuổi của ca sĩ Anh Thơ gắn liền với những bài hát: Xa khơi, Khúc hát sông quê, Mẹ yêu con, Người con gái sông La, Hà Nội - Huế - Sài Gòn,...
Ngoài những giọng ca vàng của dòng nhạc cách mạng, nhiều ca sĩ trẻ hiện nay cũng hát dòng nhạc này như Mỹ Tâm rất lắng đọng, sâu sắc trong Biển hát chiều nay, Và ta lại viết sử xanh. Hay đó là album Những bài ca không quên của ca sĩ Đức Tuấn gồm 15 ca khúc cách mạng, trải dài theo chiều dài của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, cho đến khi đất nước thống nhất như Lời người ra đi, Bà mẹ Gio Linh, Tình ca, Lá đỏ, Nơi đảo xa,... Khi hát nhạc cách mạng, những giọng ca trẻ có thể chưa đạt “đỉnh” như thế hệ ngày trước nhưng những nỗ lực để góp phần giữ sức sống dòng “nhạc đỏ” của họ vẫn đáng ghi nhận.
Làm mới “nhạc đỏ” nhưng phải đúng mực
Tuy có ý kiến cho rằng, dòng nhạc cách mạng ít dần người nghe nhưng những ca sĩ gắn bó với dòng nhạc này vẫn không nản lòng. Hát những giai điệu hào hùng, ca khúc gắn liền với những trang sử vàng của dân tộc là niềm hạnh phúc của các ca sĩ theo đuổi, đam mê dòng nhạc cách mạng. Vì vậy, ngày nào còn người nghe thì ca sĩ vẫn hát những giai điệu Tổ quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khán, thính giả, những ca sĩ hát nhạc cách mạng như Trọng Tấn, Anh Thơ,... không quên làm mới mình. Trong đêm nhạc mang chủ đề Tình ta biển bạc đồng xanh 2 của Anh Thơ, Trọng Tấn diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội cách đây hơn một năm, Trọng Tấn và Anh Thơ nỗ lực thay đổi bản thân theo phong cách trẻ trung, hiện đại và gần gũi hơn với khán giả. Qua cách phối khí với tiếng sáo và tiếng đàn tranh là chủ đạo, các tác phẩm trong đêm nhạc mang màu sắc mới, chạm đến trái tim người nghe bằng một tình yêu chung - tình yêu đất nước luôn ẩn chứa trong mỗi con người Việt Nam. Nhờ những bản phối có sự hòa quyện âm sắc giữa các nhạc cụ Đông - Tây, những bài Đất nước lời ru, Tình ca, Nhịp cầu nối những bờ vui,... vẫn nguyên vẹn sự hào sảng nhưng mang hơi thở đương đại nên khán giả không cảm thấy nhàm chán, cũ kỹ.
Nhiều ca sĩ trẻ “thử sức” bằng cách làm mới nhạc cách mạng nhưng phải đúng mực
Nếu Trọng Tấn, Anh Thơ,... khá thành công với những nét mới trong đêm nhạc Tình ta biển bạc đồng xanh 2 thì một số ca sĩ trẻ hiện nay lại “chật vật” trong việc sáng tạo dòng nhạc đỏ. Album Những bài ca không quên của ca sĩ Đức Tuấn, CD Công - Nông - Binh của ca sĩ Trần Hồng Nhung,... có cách phối trẻ trung, hiện đại, nhận được nhiều lời khen ngợi nhưng cũng không ít ý kiến chưa đồng tình. Nhiều khán giả, nhất là khán giả lớn tuổi cho rằng, ca sĩ trẻ khi làm mới nhạc cách mạng như phối âm remix nên không còn giữ được chất hào sảng, chưa chạm đến trái tim người nghe. Khi chọn cách làm mới, khác hoàn toàn so với cách hát “nhạc đỏ” mạnh mẽ, hùng tráng mà công chúng lớn tuổi thường nghe, các ca sĩ trẻ phần nào tạo đời sống mới cho những ca khúc cách mạng, mang chúng đến gần hơn với khán giả trẻ. Tuy nhiên, ca sĩ trẻ khi sáng tạo cần đúng mực, đầu tư nghiêm túc.
Dòng nhạc cách mạng đi vào lòng người nghe, sống cùng năm tháng không chỉ bởi ca từ rất đẹp mà còn là chất bi tráng, hào hùng như một thời hoa lửa của dân tộc. Chính những ca sĩ như Tạ Minh Tâm, NSND Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ,... đã giữ “hồn” dòng nhạc cách mạng bằng chất giọng trầm ấm, trữ tình và niềm đam mê của mình. Tiếp nối thế hệ anh, chị, ca sĩ trẻ “thử sức” với nhạc cách mạng bằng những cách làm mới. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận nhưng cần sáng tạo tinh tế, phù hợp để giai điệu Tổ quốc mãi âm vang, thu hút người nghe./.
Thùy Vy