Sau bữa cơm chiều, 17 giờ 30 phút, binh nhất Võ Thành Tài rời Đồn, lội bộ qua điểm trường có lớp học tình thương cách đó không xa. Lớp học sáng đèn cũng là lúc tụi trẻ kéo đến. Nhìn thấy thầy giáo đứng ở cửa lớp nở nụ cười tươi, bọn trẻ lễ phép cúi đầu, khoanh tay chào.
Thầy giáo là chiến sĩ
Tài quê ở huyện Tân Thạnh, năm nay 25 tuổi. Trước đó, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, Tài đăng ký thực hiện nghĩa vụ quân sự và được điều động về làm nhiệm vụ tại ĐBP Tuyên Bình. Vào đơn vị, Tài được phân công làm giáo viên đứng lớp giảng dạy kiến thức cho bọn trẻ vào buổi tối. Thấm thoắt đã một năm rưỡi Tài làm thầy giáo dạy tại lớp học tình thương ở biên giới này. Ngoài Tài, giảng dạy tại lớp học còn có 1 cán bộ và 2 chiến sĩ khác.
Ngoài được học chữ, các em trong lớp học tình thương còn nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân
Những ngày đầu, nghe bọn trẻ gọi thầy, Tài còn “đỏ mặt” nhưng giờ mọi chuyện đã quen thuộc. Người dân ở vùng biên giới vẫn thường gọi Tài là thầy giáo quân hàm xanh. 18 giờ, vùng biên giới khá yên tĩnh. Đó cũng là thời điểm lớp học tình thương do ĐBP Tuyên Bình mở ra bắt đầu. Học sinh học tại lớp đa phần là con em của các hộ dân Việt kiều trở về từ Biển Hồ, Campuchia, có hoàn cảnh rất khó khăn, đa số không biết đọc, biết chữ tiếng Việt.
Em Nguyễn Thị Út, 13 tuổi, lớp 4, có hoàn cảnh rất khó khăn. Hàng ngày, em phải đi từ xã Tuyên Bình lên thị xã Kiến Tường bán vé số mưu sinh, tối đến lại về lớp học tình thương học chữ. "Bé Út học hành rất siêng năng và tiếp thu bài cũng khá nhanh" - thầy giáo Võ Thành Tài chia sẻ.
Càng đứng lớp, thầy Tài càng thương các em trong lớp học tình thương. Tình thầy trò vì thế càng thêm gắn bó
Hay em Võ Thanh Sang, 8 tuổi, mắt bị đục thủy tinh thể, học lớp 1, mồ côi cha mẹ từ nhỏ và đang sống với ông bà. Hoàn cảnh rất khó khăn do ông bà bị tai biến, nhà rất nghèo. Dù còn nhỏ nhưng em phải đi chăn vịt thuê, kiếm tiền.
5 lớp học (từ lớp 1 đến lớp 5) nhưng chỉ học trong 2 phòng học. Trong đó, một phòng dành riêng cho các em lớp 1, phòng còn lại là chung cho tất cả từ lớp 2 đến lớp 5. Do điều kiện dạy chung nên các em của từng lớp ngồi theo nhóm, bảng được thầy chia ra nhiều góc để dạy cho từng lớp. Dù vậy, lớp học vẫn diễn ra nghiêm túc, các em tập trung học bài.
Lý giải về việc lớp học diễn ra vào ban đêm, một cán bộ ĐBP Tuyên Bình giải thích: “Ban ngày, các em phải mưu sinh như bán vé số, chăn vịt mướn, làm thuê trong kho lương thực. Vì vậy, lớp được mở vào ban đêm từ thứ hai đến thứ bảy trong tuần; mỗi tối, lớp học diễn ra từ 18 giờ đến 20 giờ”.
Như thói quen, trước lúc vào bài học, thầy Tài nhìn một lượt lớp học, phía dưới là các trò với thân hình gầy gò, tóc vàng như cháy nắng. "Hôm nay có 2 em vắng. Có lẽ do đi bán vé số ở xa, chiều trời mưa to nên về trễ, không kịp đến lớp đó mà" - thầy Tài nói về lý do khả năng học trò mình vắng học.
Đối với lớp học này, nhiều hôm sĩ số vắng 1, 2 em là chuyện thường tình. Nhưng, thầy Tài thì dường như biết được lý do hết, nếu không phải vì chuyện mưu sinh thì bọn trẻ không bao giờ nghỉ học như thế, bởi đứa nào cũng rất thích đến lớp học. Vì vậy, mỗi lần có học sinh vắng học, thầy Tài phải tính toán để có thời gian dạy bù kiến thức cho các em.
Và rồi, trong không gian tĩnh mịch, những tiếng giảng bài của thầy giáo trẻ, giọng đọc đánh vần của tụi trẻ vang lên làm không khí trở nên vui vẻ hơn. Từ sự nhiệt tình, tận tâm chỉ dạy của thầy giáo biên phòng, bọn trẻ tiếp thu bài nhanh hơn. Những chữ cái, đánh vần được bọn trẻ đọc khá lưu loát. Các phép cộng, trừ, nhân, chia đơn giản được bọn trẻ trả lời đúng.
"Tài còn trẻ như thế nhưng rất tâm lý. Hoàn cảnh gia đình các em, Tài đều tìm hiểu, nắm bắt rất rõ" - một cán bộ ở đơn vị chia sẻ. Thầy giáo Tài kể, thời gian đầu đứng lớp, do không quen, không có nghiệp vụ sư phạm nên gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các em học sinh khi ấy một chữ bẻ đôi cũng không biết, có em dạy hoài một chữ cái mà không nhớ. Nhưng rồi, Tài về học hỏi, tìm hiểu phương pháp dạy, truyền đạt làm sao cho học sinh dễ hiểu. Sau thời gian ngắn, việc giảng dạy trở nên dễ dàng hơn. Càng đứng lớp, Tài càng thương các em vì hoàn cảnh rất khó khăn. Từ sự gần gũi, dễ mến của thầy, bọn trẻ sẵn sàng chia sẻ nhiều điều và ngoan ngoãn học tập. Qua thời gian, thầy - trò trở nên thân quen như anh em.
Cứ sau những lần lên lớp trở về, Tài lại cảm thấy rất vui vì đã giúp các em có thêm kiến thức. "Sau này ra quân, mình sẽ nhớ các em rất nhiều và không bao giờ quên thời gian làm thầy giáo tại lớp học tình thương. Đó sẽ là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời" - chiến sĩ Võ Thành Tài tâm sự.
Mong cuộc sống của các em tốt đẹp hơn
Nhiệm vụ của bộ đội biên phòng là bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; mặt khác, còn có trách nhiệm giúp đỡ nhân dân tại địa bàn. Chính sự gần dân, giúp dân đã xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Trong nhiều hoạt động giúp dân đó, lớp học tình thương do ĐBP Tuyên Bình mở ra là một điển hình tiêu biểu. Đây là việc làm thiết thực và giàu ý nghĩa nhân văn của cán bộ, chiến sĩ, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của những người lính biên phòng với nhân dân.
Kể về sự ra đời lớp học tình thương của đơn vị, Đại úy Nguyễn Minh Lợi - Chính trị viên phó ĐBP Tuyên Bình, cho biết: Sau năm 2010, số lượng người di cư tự do từ Campuchia về sinh sống ở xã Tuyên Bình ngày càng nhiều, hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều con em không được đến trường học tập, mù chữ.
Để bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và giúp các hộ dân an cư, ổn định cuộc sống, địa phương đã quy hoạch một khu vực để các hộ dân này dựng nhà sinh sống. Dù còn nhiều khó khăn, hàng ngày đi làm thuê, đêm về tranh thủ đi đánh bắt cá nhưng với các hộ dân, cuộc sống như vầy là tốt hơn nhiều so với trước.
Hàng năm, nhiều chuyến xe chở các phần quà do mạnh thường quân vận động vẫn thường xuyên ghé vào xóm nghèo này, các hộ dân nơi đây cảm thấy ấm lòng. "Không đâu tình người lại ấm áp, tràn đầy như ở quê hương mình" - đó là câu nói mà chúng tôi nghe nhiều khi đến đây. Riêng chuyện bọn trẻ không được học hành, không biết chữ đã đặt ra nhiều trăn trở với các cấp chính quyền. Vậy là đầu năm 2013, được sự đồng ý của cấp trên, các cấp chính quyền, ngành chức năng, đơn vị mượn phòng học cũ của trường tiểu học mở lớp học tình thương và cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp giảng dạy. "Thời gian đầu, số lượng học sinh đến học không nhiều, vậy là đơn vị phối hợp các ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ dân cho con em đến lớp" - Đại úy Nguyễn Minh Lợi kể.
Cứ thế, sĩ số học sinh ngày càng tăng lên theo hàng năm. Từ lúc mở chỉ có lớp 1, đến nay đã có đủ cấp tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5. Tính đến hiện tại, đã có hơn 300 em đến học tập tại lớp học tình thương. Riêng năm học này, 5 lớp học tình thương có 48 học sinh. Tuy nhiên, sĩ số học sinh ở đây cũng thường xuyên biến động, bởi nhiều em phải theo cha mẹ đi nơi khác sinh sống.
Vào lớp, chúng tôi nhìn thấy nhiều em lớp 1 tập viết nét chữ "lên thác xuồng ghềnh" trên trang giấy trắng. Chúng tôi cũng biết rằng, con đường đến trường của các em vẫn còn nhiều gian nan, vất vả nên rất cần sự chung tay, góp sức của xã hội.
Điều trân quý là 2 phòng học tại đây đã được Đồn vận động mạnh thường quân đầu tư xây dựng mới đưa vào sử dụng gần 2 năm trước, với trị giá gần 500 triệu đồng nên khá rộng rãi. Mặt khác, những năm qua, các em ở đây cũng được Đồn vận động tặng cặp, vở, dụng cụ học tập và nhiều em còn được tặng quà, quần áo mới, xe đạp.
Bên cạnh dạy chữ, kiến thức, những “thầy giáo quân hàm xanh" còn dạy các em những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, đạo đức, phép ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội. Chúng tôi gặp em Nguyễn Thị Thủy, 15 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, làn da đen nhẻm, mái tóc rối, từ xã Tuyên Bình lên bán vé số ở thị xã Kiến Tường. Thủy hiện đang học ở lớp tình thương của Đồn.
Mua giùm em mấy tờ vé số nhưng chỉ có tờ tiền chẵn mệnh giá 500 ngàn đồng. “Chú chờ đây, con đi đổi tiền lẻ thối lại” - Thủy nói. Một xíu sau, em quay lại đưa tiền dư cho tôi.
Trò chuyện với tôi, em tâm sự: “Nhờ học ở lớp học tình thương của các chú biên phòng ở ĐBP Tuyên Bình nên con mới biết viết, biết đọc chữ. Mấy chú còn dạy chúng con làm người tốt, chẳng hạn không trộm cắp, gian dối”. Nhìn hàng chữ trang trí bên tuyến đường, em đọc lớn: “Chào mừng đại hội Đảng”.
Trở về, lời một cán bộ biên phòng ở đơn vị cứ vang vọng, khi các em biết đọc, biết viết, mong rằng sẽ mở ra một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các em ở phía trước.
Đêm đêm giấc ngủ chập chờn/ Thầy nằm suy nghĩ giận hờn gió sương/ Vai em nặng gánh bụi đường/ Gió sương mờ áo phố phường phương xa/ Vai em tần tảo phong ba/ Lo đời cơm áo mẹ già em thơ/ Cha già đói rách bơ vơ/ Ngày mong em bán hết tờ số thôi!/ Chim non nhưng phải săn mồi/ Ai cho sức khỏe đi đôi học hành/ Mong sao ngày nắng trôi nhanh/ Đêm về, em lại loanh quanh bên thầy/ Kể nhau nghe rất hăng say/ Mong em qua hết đắng cay giữa đời. Đó là những câu thơ chiến sĩ, thầy giáo quân hàm xanh Võ Thành Tài viết về lớp học tình thương do mình đứng lớp./.
Trong không gian tĩnh mịch, những tiếng giảng bài của thầy giáo trẻ, giọng đọc đánh vần của tụi trẻ vang lên làm không khí trở nên vui vẻ hơn. Từ sự nhiệt tình, tận tâm chỉ dạy của thầy giáo biên phòng, bọn trẻ tiếp thu bài nhanh hơn. Những chữ cái, đánh vần được bọn trẻ đọc khá lưu loát. Các phép cộng, trừ, nhân, chia đơn giản được bọn trẻ trả lời đúng. Mong rằng, khi biết đọc, biết viết, các em sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước". |
Lê Đức