Tiếng Việt | English

08/02/2021 - 22:25

Những nghề “hái” ra tiền dịp tết

Với nhiều người làm nghề thời vụ như chùi lư, sơn bóng tủ, bàn ghế, khắc chữ trên dưa hấu, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cây kiểng,... thì tết là dịp “ăn nên làm ra”, có thêm thu nhập đón tết sung túc, đủ đầy.

Dịp tết, người thợ đánh bóng lư đồng có thể bỏ túi hơn chục triệu đồng

Dịp tết, người thợ đánh bóng lư đồng có thể bỏ túi hơn chục triệu đồng

Theo các thợ đánh bóng lư đồng, trung bình mỗi dịp tết có thể bỏ túi hơn chục triệu đồng. Thoáng nhìn tưởng nghề đánh bóng lư đồng đơn giản nhưng đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ, khéo léo và uy tín. Ông Lê Văn A, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đánh bóng lư đồng hơn 20 năm. Cứ đến gần tết, khách quen đem lư đồng đến rất nhiều nên tôi phải làm cả ban đêm mới kịp giao”.

Mỗi bộ lư đồng tùy theo kích thước lớn, nhỏ, độ khó khi đánh bóng mà có giá khác nhau, thường dao động từ 200.000-500.000 đồng/bộ. Việc đánh bóng lư đồng được chia ra nhiều công đoạn như ngâm nước, rửa, phơi nắng,... Trong đó, công đoạn làm bóng là khó nhất bởi có những chi tiết của bộ lư đồng không đánh được bằng máy nên người thợ phải làm thủ công thật tỉ mỉ, đồng thời, phải sử dụng chất chua để tẩy thật sạch.

Ông Trần Văn Chung, ngụ thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, bộc bạch: “Gia đình tôi có hai đời làm nghề đánh bóng lư đồng. Lư đồng có nhiều loại, trong đó, người thợ đánh bóng sợ nhất là lư đồng rễ mắt tre. Đây là loại lư khó đánh, tất cả công đoạn đều phải làm thủ công thay vì dùng máy như các loại lư đồng khác. Ngoài ra, người thợ còn pha dung dịch me chua ngâm rất lâu thì lư đồng mắt tre mới bóng, làm hài lòng khách hàng”.

Ngoài nghề đánh bóng lư đồng, nhiều người còn có thêm thu nhập từ nghề chăm sóc cây kiểng. Nghề này thịnh hành nhiều năm qua nhưng tết là mùa “hái” ra tiền của nhiều người. Nghề chăm sóc cây kiểng không phải ai cũng làm được bởi đòi hỏi sự đam mê, khéo tay và khiếu thẩm mỹ.

Anh Lê Minh Tuấn (chủ cửa hàng kinh doanh hoa kiểng, phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Hiện nay, công việc chăm sóc cây kiểng rất đa dạng, có người đến tận nhà, có người nhận cây đem về chăm sóc, cũng có người nhận hợp đồng dài hạn. Tiền công thường tính theo giá trị của cây. Ngoài ra, cũng có người tính tiền công theo ngày. Nếu ai thật sự đam mê thì có thể sống tốt với nghề chăm sóc cây kiểng”.

Nhờ nghề chăm sóc cây kiểng thuê,anh Bùi Quang Hợp có cuộc sống ổn định, nhất là năm nào cũng có được cái tết đầy đủ và trọn vẹn

Nhờ nghề chăm sóc cây kiểng thuê,anh Bùi Quang Hợp có cuộc sống ổn định, nhất là năm nào cũng có được cái tết đầy đủ và trọn vẹn

Cách đây 4 năm, anh Bùi Quang Hợp, ngụ ấp Tân Chánh A, xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh, nhận thấy nhu cầu chơi cây cảnh của người dân địa phương ngày càng nhiều, trong khi đó, nhiều người không biết cách chăm sóc, tạo dáng cho cây. Nắm bắt được tình hình này, anh Hợp mạnh dạn học nghề chăm sóc cây kiểng tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Vừa làm, vừa học giúp anh tích lũy được kinh nghiệm nên sau khi về quê, anh được nhiều người thuê chăm sóc, tạo dáng cho cây kiểng.

Anh Hợp bộc bạch: “Một ngày chăm sóc cây kiểng cho người dân, tôi nhận tiền công 350.000 đồng. Dịp Tết Nguyên đán, tôi phải thuê thêm người để cùng làm mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Nhờ vậy, năm nào gia đình tôi cũng có thêm thu nhập, đón tết sung túc”.

Một mùa xuân nữa lại về, nhiều người tất bật mưu sinh để có thêm thu nhập. Và nghề đánh bóng lư đồng, chăm sóc cây kiểng cũng giúp nhiều người có thêm đồng ra, đồng vào trong dịp tết./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết